Ba dự án chân kiềng mới cho bất động sản TP. HCM
Trong vòng 2 tháng, tại TP.HCM đã xuất hiện 3 dự án ‘khủng’, tạo thế chân kiềng cho sự phát triển của Thành phố, nhằm lấy lại thương hiệu Hòn ngọc Viễn Đông.
Đầu tháng 4/2016, UBND TP.HCM đã chính thức đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ TP.HCM thực hiện Dự án đầu tư khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son tại số 2 – Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, với tổng vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng. Khu phức hợp có quy mô diện tích 142.625 m2, gồm nhóm nhà biệt thự, căn hộ chung cư, thương mại dịch vụ và văn phòng dịch vụ. Khu ngoài đơn vị ở có diện tích 110.295 m2, gồm đất văn phòng làm việc, khách sạn, khu công viên cây xanh tập trung cấp đô thị, mặt nước, khu văn hóa – bảo tồn… Công trình dự kiến được đưa vào hoạt động từ năm 2018.
Đầu tháng 5/2016, một dự án khủng khác tại trung tâm TP.HCM cũng được phê duyệt. Cơ hội được trao cho liên danh Công ty Xây dựng Jimiro (Hàn Quốc) – Công ty Đại Tân Phú. Dự án có tổng kinh phí thực hiện lên tới 500 triệu USD, nằm tại khu “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học (quận 1). Dự án sẽ xây 3 khối cao ốc văn phòng 55 tầng, một khách sạn 5 sao 30 tầng và một trung tâm thương mại hạng A cao 10 tầng trên diện tích hơn 13.000 m2, nằm sát công viên 23/9, quảng trường Quách Thị Trang, chợ Bến Thành.
TP.HCM hướng tới mục tiêu lấy lại thương hiệu Hòn ngọc Viễn Đông |
Ngày 6/5 vừa qua, cuộc gặp gỡ ngắn giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng 3 nhà đầu tư đến từ Mỹ đã mở cánh cửa cho một dự án lên tới 4 tỷ USD tại Thủ Thiêm. Trong cuộc gặp gỡ này, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cùng 3 doanh nghiệp đến từ Mỹ đã đề xuất xây dựng Dự án phức hợp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD. Dự án được kỳ vọng sẽ là khu trung tâm tài chính, chứng khoán mới có quy mô bậc nhất Đông Nam Á.
Theo các chuyên gia bất động sản và kinh tế, nhìn tổng thể quy hoạch và chiến lược phát triển các dự án, có thể thấy chúng sẽ tạo thế chân kiềng cho sự phát triển của TP.HCM, đặc biệt là với mục tiêu lấy lại thương hiệu Hòn ngọc Viễn Đông mà Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng từng đề cập.
Thực tế, 3 dự án trên đã xuất hiện tại TP.HCM từ khá lâu, nhưng các nhà đầu tư cũ không đủ tiềm lực phát triển. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM dẫn chứng, năm 2007, TP.HCM đã tổ chức đấu thầu khu đất “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo – Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Học và doanh nghiệp trúng thầu là liên doanh Thái Sơn. Nhưng sau đó, Chính phủ xác định, quá trình đấu thầu có nhiều sai sót, nên hủy kết quả đấu thầu và liên doanh Thái Sơn cũng rút khỏi dự án.
Tiếp đó, liên doanh KSDP xin đầu tư dự án này và được chấp thuận. Nhưng đến năm 2011, KSDP vẫn không thực hiện đầy đủ các yêu cầu và nội dung để bảo đảm thực hiện dự án. Do đó, UBND TP.HCM phải chấm dứt việc xem xét cho liên doanh thực hiện dự án. Năm 2015, UBND TP.HCM đã chấp thuận đưa khu đất này ra đấu thầu một lần nữa.
“Với 3 dự án trên, bất động sản TP.HCM sẽ có nguồn cung mới, các nhà đầu tư đủ tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm thực hiện dự án và dần trở thành một thị trường vững mạnh. Trước đây, việc nhà đầu tư không đủ tiềm lực nhưng muốn sở hữu dự án để bán lại khiến thị trường xuất hiện các dự án chậm tiến độ, tạo ra những khu đất “vàng” bị bỏ không, khiến quy hoạch của Thành phố trở thành miếng da beo”, ông Châu nói.
Đại diện nhóm các nhà đầu tư Mỹ, ông William P.Weidner, người đứng đầu Weidner Holdings, cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển của một thành phố năng động như TP.HCM. Theo đó, nếu dự án cao ốc được xây dựng thành công, sẽ tạo ra khu trung tâm tích hợp nhiều chức năng như: vui chơi giải trí, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại… tại Khu đô thị Thủ Thiêm.
“Hiện các nhà đầu tư đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND TP.HCM, Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm để bảo đảm dự án được triển khai theo đúng tiến độ và trình Thủ tướng Chính phủ”, ông William P.Weidner cho biết.