Siêu dự án trên sông Hồng: chưa rõ hiệu quả hay hậu quả
Về dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện của Công ty TNHH Xuân Thiện, theo chủ đầu tư và Bộ Kế hoạch – đầu tư, là nhiều bộ ngành ủng hộ chủ trương.
Có ý kiến đây là ý tưởng táo bạo, nhưng phần nhiều ý kiến phản biện tỏ ra băn khoăn, chưa rõ hiệu quả hay hậu quả mà dự án mang lại.
* Ông Chu Phạm Ngọc Hiển (thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường):
Ảnh: Xuân Long |
Mới chỉ đồng ý về việc nghiên cứu dự án
Hiện nay bộ mới có văn bản khi được hỏi ý kiến về việc nghiên cứu dự án. Vì vậy cũng mới có ý kiến về việc chủ trương cho nghiên cứu dự án.
Đây chưa phải là văn bản ủng hộ dự án, mới chỉ là đồng ý về việc cần nghiên cứu. Khi có kết quả nghiên cứu mới có thể nói có cho đầu tư thực hiện dự án hay không.
Ngay trong văn bản của bộ cũng đã lưu ý phải đánh giá tác động chi tiết đến tài nguyên nước, chất lượng nước, biến đổi lòng dẫn; đánh giá và làm rõ các tác động của dự án đến môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội trong vùng dự án.
Bên cạnh đó, bản thân chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định.
Còn về việc khai thác, nạo vét 288km lòng sông Hồng, trong văn bản của bộ cũng nói rõ khoáng sản chủ yếu ở đây là cát sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng thông thường, thuộc thẩm quyền của địa phương quản lý quy hoạch và cấp phép hoạt động khoáng sản.
Trong quá trình nghiên cứu và sau nghiên cứu nếu có thực hiện nạo vét, thông luồng lạch có liên quan đến thu hồi khoáng sản, chủ đầu tư phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật khoáng sản hiện hành.
* Ông Lê Công Phụng (nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao):
Ảnh: V.V.Thành |
Đã có vướng mắc ở Mekong rồi…
Theo tôi, để làm được dự án mà Công ty Xuân Thiện nêu cũng không đơn giản. Đang có nhiều dự án liên quan đến sông Hồng, như trước khi Xuân Thiện đề xuất 6 đập thủy điện kết hợp thủy lộ thì đã có đề xuất xây đập trên sông Hồng.
Tôi không phải chuyên gia lĩnh vực dự án, tuy nhiên nói trên bình diện chung thì trong thời đại ngày nay, việc tăng cường giao lưu phối hợp vận tải đường bộ, đường không, đường sắt và cả đường thủy là bình thường, sẽ giúp hỗ trợ phát triển kinh tế trong khu vực.
Tôi không phản đối dự án, nhưng để tiến hành cần rất cẩn trọng vì có liên quan đến nước khác.
Theo tôi, nếu làm thì cần phối hợp với phía Trung Quốc và có những tính toán. Bởi nếu sau khi ta làm thủy lộ và thủy điện, họ xây thêm vài đập phía thượng nguồn thì ta vận hành như thế nào, có vận hành được nữa không? Và kết nối hàng hóa nữa.
Chúng ta đã có vướng mắc trên sông Mekong rồi, giờ tính làm ở sông Hồng cần rất cẩn thận.
* Ông Trần Viết Ngãi (chủ tịch Hiệp hội Năng lượng):
Ảnh: C.V.K. |
Dự án chưa chi tiết, khó đánh giá
Nếu nhìn theo cách sơ bộ mà siêu dự án thủy lộ và thủy điện trên sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện đưa ra thì thấy có điểm vô lý.
Nâng mực nước, làm đập, tạo âu thuyền rồi vận chuyển qua các âu thuyền đó, làm nhà máy thủy điện công suất trên 200MW, chi phí rất lớn mà hiệu quả thì chưa thấy rõ. Bởi nếu phát điện được 24/24 giờ thì 6 nhà máy điện cũng chỉ phát được 800-900 triệu kWh.
Trong khi đó, tuyến đường thủy từ Lào Cai xuống Việt Trì rất ít tàu qua lại. Việc nói đường thủy đó sẽ chuyển tải hàng hóa siêu trường siêu trọng, kết nối Trung Quốc xuống các cảng VN phải nghiên cứu kỹ. Bởi phía Vân Nam hạ tầng cũng tốt.
Mặt khác, họ có thể đưa thẳng hàng hóa ra biển phía họ, tại sao lại phải chuyển qua VN, vận chuyển bằng tàu đi thêm mấy trăm kilômet mới ra đến cảng, rồi lại bốc lên cảng chuyển đi xuyên Á (như mục tiêu và tên dự án đưa ra)? Có chăng là vận chuyển thẳng hàng hóa Trung Quốc sang tiêu thụ ở VN.
Ngoài ra, liên quan kết nối đường thủy quy mô, vận tải đường thủy trọng tải lớn phải rất cẩn trọng.
Tính toán mà Công ty Xuân Thiện đưa ra chưa chi tiết nên rất khó đánh giá. Với dự án khoảng 24.000 tỉ đồng, nếu hiệu quả cao, thu hồi vốn nhanh thì tôi cho rằng không khó huy động vốn từ các ngân hàng, nhà tài trợ. Và nếu dự án tốt, hiệu quả cao, ảnh hưởng ít đến môi trường thì có thể chấp nhận để họ làm.
Nhưng cũng cần nói thẳng để nghiên cứu rằng liệu họ làm dự án có phải tính đến tận dụng khai thác cát, tài nguyên trên sông và ven sông Hồng không?
Hiện nay Chính phủ cơ bản không cho phép khai thác cát, chỉ chỗ nào bồi lấp mới khai thác. Nhưng nếu làm dự án, họ nạo vét thì sẽ thu được khối lượng không nhỏ, nguồn lợi cũng không nhỏ. Cần ngăn chặn tận dụng làm thủy điện để khai thác gỗ thì cũng cần ngăn chặn làm thủy lộ để khai thác cát.
Chủ đầu tư có thể có ý tốt nhưng cũng nên giải thích, công khai minh bạch chuyện này.
* Ông Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT):
Ảnh: Nguyễn Khánh |
Vân Nam lợi nhất
Tôi cho rằng đây là dự án rất tham vọng và là dự án có rất nhiều vấn đề chưa rõ. Trước tiên, cần phải xem xét vấn đề cái mất và cái được, ai được lợi và người dân sẽ mất những gì?
Lợi dụng được sông Hồng với khả năng vận tải thủy cao là một giải pháp kết nối rất hữu hiệu cho tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ra Biển Đông.
Vì vậy, theo quan điểm riêng của tôi, về kinh tế thì tỉnh Vân Nam sẽ được lợi nhất, còn cái lợi từ nhà đầu tư, từ các đơn vị của VN thì chưa có gì chắc chắn.
Ví như về lợi ích giao thông thủy, tôi cho rằng hiện nay Hà Nội – Hải Phòng – Lào Cai đã có những con đường giao thông đường bộ kết nối khá tốt. Có thể khi có thêm tuyến giao thông thủy, về lợi ích phát triển giao thông có thể thêm một chút, nhưng cũng gây ra thách thức trong việc thu hồi vốn của các dự án giao thông đường bộ.
Về những cái mất: lưu vực sông Hồng chiếm toàn bộ miền Bắc, bao gồm cả sông Đà, sông Thái Bình; dự án nếu có tác động làm thay đổi dòng sông chính thì sẽ làm thay đổi cả lưu vực sông, trực tiếp tác động đến vấn đề sinh thái, sinh hoạt và đời sống dân cư đồng bằng sông Hồng.
Dự án đưa ra thông tin sẽ nạo vét 288km ở sông Hồng. Nếu việc nạo vét mấy trăm kilômet làm thay đổi dòng chảy, thay đổi hiện trạng bên lở, bên bồi hoặc lở nhiều hơn thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tất cả những việc đó đều chưa có bất kỳ một đánh giá nào.
Dự án nói sẽ triển khai từ năm 2016, tôi cho rằng rất chủ quan. Tôi khẳng định để đánh giá hết, đánh giá đầy đủ, đánh giá rất khoa học tác động phải mất ít nhất 5 năm. Câu chuyện không đơn giản, không phải cứ có tiền là làm được và càng không thể muốn làm nhanh là làm được.
* Chuyên gia thủy điện Nguyễn Đức Đạt:
Quy mô xây lớn nhưng công suất thủy điện lại nhỏ Nếu thật sự làm được hệ thống vận tải và thủy điện trên sông Hồng đảm bảo tính khoa học, an toàn thì theo tôi, sẽ tạo ra một cảnh đẹp rất ngoạn mục. Tuy nhiên, có thể lúc chúng ta giàu mới nên làm. Còn bây giờ thì khó vì có một số điểm cần lưu ý. Thứ nhất, về nguyên tắc hoàn toàn có thể làm thủy điện ở sông Hồng. Tuy nhiên, sẽ không thể làm hồ chứa và như thế gần như chỉ có thể làm đập tràn, tức nước lũ tràn về sẽ tự vượt qua đập. Đ ặc biệt, do sông Hồng rất rộng nên nếu làm thủy điện thì chi phí lớn, phải làm đập lớn, quy mô xây dựng lớn, nhưng công suất thủy điện lại nhỏ. Thứ hai, dự án muốn kết hợp tạo một đường thủy quy mô kết hợp với thủy điện. Nhưng chính việc làm thủy điện lại hạn chế giao thông. Vì có đập ngăn dòng sông, tàu muốn vượt qua buộc phải vào âu tàu, dùng nước nâng tàu và hạ tàu. Hoặc cách khác là dùng tời trượt, kéo tàu vượt qua đập, rồi hạ xuống. Thủy điện Thác Bà của chúng ta đã làm tời trượt. Tuy nhiên, thực tế suốt từ khi hoàn thành năm 1964 đến nay, chúng ta chưa hề vận hành tời này vì nước không đầy hồ. Tôi chưa rõ chủ đầu tư tính toán như thế nào, nhưng nếu vận tải kết hợp thủy điện thì chi phí sẽ khá đắt chứ khó rẻ. C.V.KÌNH |
* Ông Đỗ Đức Quân (phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng):
Bộ Công thương sẽ ủng hộ, nếu… Quan điểm của Bộ Công thương là khi đầu tư giao thông, có nguồn nước nếu phát điện được thì đó là tài nguyên nước, cũng có thể xem xét phát điện. Nếu có tạo đập, hồ chứa nhỏ, giá bán điện hợp lý, tôi nghĩ Bộ Công thương sẽ ủng hộ dự án. Tuy nhiên có tới 6-7 đập mà tổng công suất chỉ hơn 200MW thì đó là thủy điện nhỏ, không đáng kể với hệ thống điện quốc gia VN hiện nay. Đây cũng không được gọi là dự án thủy điện bởi bỏ ra 24.500 tỉ đồng mà chỉ có nhà máy công suất khoảng 220MW thì không ai làm. Do đây bản chất là dự án giao thông thủy nên quy mô thế nào thuộc trách nhiệm Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch – đầu tư thẩm định, đề xuất. Tất cả mới là đề xuất sơ bộ nên còn quá sớm để phân tích chi tiết. Khi nghiên cứu các bước tiếp theo sẽ cần phải hoàn thiện nghiên cứu các thông số, đặc biệt quan tâm các yếu tố môi trường. C.V.K. |
Họ nghiên cứu thì mắc mớ gì không cho? Ông Nguyễn Nhật, thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư dự án. Nếu được Chính phủ đồng ý thì nhà đầu tư mới được lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo ông Nhật, Bộ GTVT ủng hộ chủ trương về đề xuất dự án trên xét về quy hoạch tuyến giao thông thủy Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai: “Về quy hoạch giao thông thủy nội địa thì phù hợp. Đường thủy nội địa hiện đang rất tắc, hiện nay mới đầu tư được lên tới Việt Trì. Quan điểm của Bộ GTVT cũng mới chỉ ở góc độ đường thủy. Còn về môi trường, khoáng sản, sử dụng nước, phương án tài chính thì các bộ khác tham mưu”. Ông Nhật cho biết thêm hiện nay nhiều nước cũng xây dựng các đập dâng nước trên sông để đảm bảo mực nước cho vận tải thủy. Nếu VN làm được để vận tải thủy lên tới Lào Cai cũng tốt. Tuy nhiên, ông Nhật cũng nhấn mạnh để đánh giá được dự án tốt hay xấu thế nào thì phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án rồi mới đánh giá cụ thể, chính xác được. “Bây giờ chỉ mới là đề xuất của doanh nghiệp xin chủ trương để làm nghiên cứu khả thi. Nếu không cho họ nghiên cứu thì họ bảo chúng tôi xin nghiên cứu tại sao không cho? Luật pháp quy định cái gì không cấm thì doanh nghiệp được làm. Nhưng khi họ làm mà thấy không khả thi, các bộ ngành không phê duyệt, không chấp thuận thì lại là câu chuyện khác” – ông Nhật nói. TUẤN PHÙNG Theo Báo Tuổi trẻ |