04/04/2016

Lợi nhuận của doanh nghiệp ngành thép khởi sắc

Cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp thép niêm yết đã phục hồi tích cực dựa trên kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I/2016 khả quan, mở đầu cho một năm sáng sủa hơn của ngành thép.

Sau nhiều phiên tăng giá mạnh kể từ đầu tháng 2/2016, từ mức 3.400 đồng/CP lên 6.200 đồng/CP, cổ phiếu TLH của CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên tiếp tục được giao dịch sôi động trong phiên hôm qua (29/3) khi gần 2 triệu đơn vị tại mức giá trần 6.600 đồng/CP được khớp lệnh trong tích tắc, giữa thời gian giao dịch buổi sáng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT TLH, chủ yếu người trong ngành thép dự đoán được kết quả kinh doanh khả quan của TLH nên đã mua vào cổ phiếu. Ông Hà cho biết, nhận định giá thép đã ở mức đáy nên TLH chủ động tăng hàng tồn kho, nhập về gần 300.000 tấn thép các loại (so với mức tồn kho bình thường là 100.000 tấn) với giá vốn thấp hơn từ 30% trở lên so với giá bán hiện tại.

Vì vậy, lợi nhuận sau thuế trong quý I/2016 của TLH ước đạt 80 tỷ đồng và dự kiến đến hết quý II/2016, Công ty sẽ có lợi nhuận đủ để bù vào số lỗ 170 tỷ đồng của cả năm trước. Với kết quả này, cổ phiếu TLH sẽ sớm ra khỏi diện cảnh báo. Ông Hà dự báo, cả năm 2016, TLH có thể đạt tỷ suất lợi nhuận từ 25 – 50% trên vốn điều lệ.

Năm 2015 là một năm bĩ cực của các doanh nghiệp ngành thép, do giá thép trên thị trường thế giới liên tục lao dốc. Giá thép sụt giảm khoảng 30%, khiến các doanh nghiệp trong ngành thua lỗ vì “nhập cao, bán thấp”.

Trong năm 2015, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) lỗ 195 tỷ đồng. Theo nội dung dự kiến trình ĐHCĐ năm 2016, SMC đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay ở mức 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá thép phục hồi, riêng trong quý I vừa qua, Công ty ước đạt lợi nhuận 60 tỷ đồng. Vì thế, HĐQT SMC sẽ phải xem lại kế hoạch 2016 dự kiến trình ĐHCĐ. Trên sàn, giá cổ phiếu SMC tăng từ mức xấp xỉ 7.000 đồng/CP lên 9.500 đồng/CP.

CTCP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA) cho biết, nhờ giá thép phục hồi nên Công ty đã giải quyết được toàn bộ hàng tồn kho của năm 2015 và hưởng lợi khi giá tăng từ mức 7.000 – 8.000 đồng/kg lên 10.000 – 11.000 đồng/kg. Năm ngoái, mảng sắt thép chiếm tới 90% doanh thu của TNA. Ông Ngô Hữu Hoàn, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc TNA chia sẻ, nếu không có khách hàng bao tiêu sản phẩm thép thì trong bối cảnh giá xuống, TNA đã bị lỗ.

Đối với CTCP Thương mại và Đầu tư DIC (DIC), mảng thép chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu, nhưng cũng lỗ hơn 10 tỷ đồng từ mảng này trong năm ngoái. Tuy nhiên, quý I năm nay, nhờ dự đoán được diễn biến giá thép sau một chu kỳ giảm giá mạnh và bán phá giá trên thị trường thế giới, DIC đã chốt được giá mua 20.000 tấn thép với giá 285 USD/tấn, trong khi giá hiện tại là 350 USD/tấn.

Lãnh đạo DIC cho hay, trong hàng tồn kho có hàng về, có hàng đang về, nhưng nhìn chung đều đã có khách mua, chỉ chờ Công ty chốt giá giao hàng. Năm nay, lợi nhuận của DIC kỳ vọng sẽ tăng trưởng một phần nhờ mảng thép và doanh thu cũng tăng do dự kiến doanh thu của mảng thép tăng lên.

1 tháng qua, trong xu hướng tăng giá chung của cổ phiếu ngành thép, cổ phiếu của CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE (VGS) cũng tăng giá mạnh. Năm ngoái, VGS không bị lỗ do nhận định được tình hình thị trường thép, chủ động mở rộng thị trường. Năm nay, VGS dự kiến đạt lợi nhuận sau thuế 38,4 tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp thép quy mô lớn như Hòa Phát, Hoa Sen, dự báo tỷ suất lợi nhuận sẽ tốt hơn nhờ giá thép tăng. Thực tế, ngay cả khi giá thép giảm, các doanh nghiệp này vẫn có lãi nhờ thương hiệu và hệ thống phân phối tốt.

Lý do giá thép đang phục hồi, theo các doanh nghiệp, là do giá trên thị trường thế giới tăng trở lại.

“Năm ngoái, thị trường thép cả thế giới bán dưới giá thành nên giá thép xuống đến một điểm nào đó phải phục hồi. Không chỉ giá thép xây dựng hay giá phôi thép tăng, mà tất cả các loại thép khác đều tăng giá”, ông Hà nói. Theo Chủ tịch HĐQT TLH, mức giá hiện tại đủ để các doanh nghiệp thép vận hành nhà máy ổn định.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Thép Đại Thiên Lộc, giá thép tăng chủ yếu do giá vốn tăng. Giá thép tăng không chỉ ở thị trường Việt Nam, mà còn ở nhiều thị trường khác như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch SMC cho biết, nhà khai thác quặng sắt của Úc cung cấp đến 70% sản lượng quặng cho Trung Quốc lỗ tới 6 tỷ USD trong 6 tháng cuối năm 2015 nên đã nâng giá quặng sắt lên theo giá dầu, khiến giá quặng sắt tăng tới 20% chỉ trong đêm 7/3/2016 trên thị trường thế giới.

Ông Mai Văn Hà, Giám đốc CTCP Thép Hòa Phát nhấn mạnh, không chỉ giá quặng tăng, mà giá than cốc nguyên liệu luyện phôi cũng tăng, khiến giá phôi trên thị trường thế giới phục hồi.

Theo các doanh nghiệp, dù giá thép phục hồi chưa bền vững, nhưng với kết quả kinh doanh quý I/2016 khả quan sau một năm khốn khó sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để ổn định kinh doanh cả năm nay. Với tình hình hiện tại, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ ổn định cho đến hết quý II, trước khi giá thép có những diễn biến mới.

Theo Thu Hương/ĐTCK