Trước kia trần nhà chỉ đổ bê tông, quét sơn quét ve hay có thêm những tấm ốp thạch cao nghệ thuật để làm họa tiết trang trí thì nay đã được đầu tư hơn về tính thẩm mỹ, đa năng với nhiều chất liệu mới mẻ hơn.
1. Trần nhà bằng gỗ
Sử dụng gỗ ốp cho trần nhà, không thể không kể tới 3 ưu điểm:
– Mang đến không gian mát mẻ, chống nóng tốt.
– Mang đến vẻ đẹp sang trọng, tinh tế.
– Mẫu mã đa dạng từ hiện đại cho tới nhã nhặn truyền thống.
Trần gỗ “ghi điểm” bởi sự đa dạng trong thiết kế, chất liệu và giá thành.
Trần gỗ tạo cho khu bếp cảm giác ấm cúng, sang trọng.
Gỗ, đặc biệt là gỗ tự nhiên có đặc tính co giãn do thay đổi thời tiết nên khi chọn gỗ làm chất liệu ốp trần chúng ta cần lưu ý điểm này. Với vùng khí hậu mát, lạnh thường xuyên thì không sao còn vùng khí hậu nóng thì cần điều hòa không khí để tránh trần bị cong vênh, giảm chất lượng.
Trọng lượng của gỗ lớn nên để giảm sức nặng cho trần thì độ dày của ốp gỗ ở mức 8 đến 12 mm là hợp lý.
Bên cạnh đó, mẫu trần tạo hình cầu kỳ hay chạm khắc từ gỗ tự nhiên thì việc vệ sinh khá khó khăn. Đây cũng là điểm yếu của loại trần này.Giá trần ốp gỗ thường đã gồm cả chi phí lắp đặt và tùy chất liệu gỗ mà có thay đổi tương ứng. Ví dụ như tấm ốp gỗ Pơ-mu phẳng dao động từ 600.000 VNĐ đến 850.000 VNĐ/m
2 ở một số cơ sở tại thị trường Hà Nội.
2. Trần nhà thạch cao
Phổ biến, mức giá phải chăng là hai ưu điểm đặc trưng của ốp trần thạch cao. Không có trọng lượng lớn như gỗ, thạch cao rất nhẹ nên quá trình vận chuyển khá thuận lợi, thợ thi công dễ dàng nâng, bê. Chưa kể trọng lượng nhỏ, không tốn thời gian xử lý để nâng mức chịu lực của trụ nhà nên thời gian thi công cũng rất nhanh.
Mẫu mã trần thạch cao đa dạng nên được nhiều người ưa chuộng.
Những năm gần đây, dựa theo thị hiếu khách hàng về những sản phẩm thi công chuyên dụng, thạch cao cũng được nghiên cứu và đưa ra thị trường dòng sản phẩm chống cháy, cách nhiệt, tiêu âm… Người dùng có thêm nhiều lựa chọn chất lượng hơn.Trần thạch cao dùng trong nhà ở thường là dạng trần chìm, che đi những vết nối, trụ hay xà nhà để tăng tính thẩm mỹ.
Trần thạch cao với những đường nét cong mềm bắt mắt. Đèn âm trần được khéo léo giấu đi.
Bức tường và trần thạch cao nổi bật với họa tiết độc đáo.
Giá thành trần thạch cao chia theo 3 loại là trần chìm, trần nổi và vách ngăn. Với trần chìm giá sẽ dao động trong khoảng 120.000 VNĐ đến 180.000 VNĐ/m
2. Với loại trần giật cấp 2 đến 3 lớp thường là 140.000 VNĐ đến 160.000 VNĐ/m
2.
3. Trần nhà xuyên sáng
Trần xuyên sáng được người dùng biết tới trong vài năm gần đây, phù hợp với những ai thích không gian độc đáo và sự mới lạ.
Khác với hai mẫu ốp trần kể trên, trần xuyên sáng khá cầu kì về cấu tạo: hệ thống đèn led, khung căng trần, tấm xuyên sáng. Được biết, tấm xuyên sáng có khả năng để ánh sáng lọt qua dao động từ 40 – 90% tùy nhu cầu của khách hàng. Khi ánh sáng tự nhiên tắt, hệ thống đèn led được khởi động để chiếu sáng không gian.
Phần trần in họa tiết đa dạng từ thiên nhiên hoa lá cho tới các loài vật
Ánh sáng từ đèn led được bố trí hợp lý, không tạo cảm giác nhức mắt.
Một số thương hiệu trần xuyên sáng đang có mặt trên thị trường như BossGwar, Barrisol, An Phú… Giá của trần xuyên sáng không cố định do phụ thuộc nhiều yếu tố như loại khung, loại đèn, chất liệu tấm xuyên sáng. Có loại 2.000.000 VNĐ/m
2 nhưng cũng có loại lên tới 6.000.000 VNĐ/m
2.
4. Trần nhà ốp nhựa
Trần ốp nhựa là vật liệu có giá thành rẻ nhất nếu so với 3 loại vật liệu mới kể trên. Mặc dù không được sang trọng như trần gỗ nhưng cũng đa dạng về mẫu mã. Trọng lượng nhẹ nên rất dễ di chuyển và thi công.
Trần nhựa có thể sử dụng trong nhà vệ sinh, nhà kho hoặc phương án tạm thời để tiết kiệm chi phí… Tuy nhiên cần chú ý vấn đề vệ sinh.
Khoảng cách từ trần cốt và trần nhựa được gợi ý 30 cm là phù hợp để giảm khả năng hấp thu nhiệt.
5. Trần nhà xi măng láng
Với những ai yêu thích không gian thô mộc, kiến trúc mang phong cách công nghiệp thì chắc chắn sẽ phải lòng mẫu trần xi măng láng này. Khác với mẫu trần xi măng cũ, trần xi măng láng được bổ sung thêm Sika Polymer để giảm bụi bẩn và giữ màu tốt hơn. Để đánh bóng bề mặt, có nơi người ta còn dùng dầu thực vật, quá trình thi công còn mất nhiều thời gian hơn sơn phủ ngày xưa.
Ấn tượng với phần trần ngoài hiên nhà láng xi măng.
Teak House với mảng trần xi măng tạo điểm nhấn cho không gian.
5 vật liệu kể trên có thể tùy thời biến hóa theo phong cách kiến trúc mà gia chủ mong muốn. Có nhà chọn ốp toàn trần, cũng có nhà ốp một mảng trần để tạo điểm nhấn. Mỗi cách áp dụng khác nhau sẽ đem lại hiệu quả thẩm mỹ khác nhau. Tùy theo nhu cầu, bạn hãy chọn cho mình loại vật liệu phù hợp để có không gian sống hợp ý.
VLXD.org