31/07/2015

Nhập khẩu sắt thép tăng mạnh: Dấu hiệu “bong bóng” bất động sản?

Theo các chuyên gia, với lượng sắt thép xây dựng nhập khẩu tăng cao, song xuất khẩu mặt hàng này lại giảm mạnh, đây có thể là nguy cơ báo hiệu “bong bóng” bất động sản

Nhập khẩu sắt thép từ các thị trường trong 6 tháng đầu năm lên tới 6,9 triệu tấn, trị giá gần 3,82 tỷ USD, tăng 26,6% về lượng và 27,1% về trị giá so với tháng trước đó. Tình chung 6 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu sắt thép các loại tăng 37,2% về lượng và tăng 13,06% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (đạt trên 6,9 triệu tấn, tương đương 3,82 tỷ USD). Trong đó, phần lớn là lượng sắt thép xây dựng nhập khẩu.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp sắt thép cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với 4,07 triệu tấn và có tốc độ tăng khá cao 74,59%. Tiếp theo là các thị trường: Nhật Bản đạt 1,2 triệun tấn, tăng 7,56%; Hàn Quốc đạt 838 nghìn tấn, tăng 32,64%; Đài Loan đạt 568 nghìn tấn, tăng 3,04%… so với 6 tháng đầu năm 2014.

Số liệu các mặt hàng thép Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam những năm qua như thép cây, thép dây, thép hình dưới dạng hợp kim đã tăng mạnh. Cụ thể, thép dây hợp kim năm 2013 là hơn 137.000 tấn nhưng năm 2014 đã là hơn 382.000 tấn; thép dây hợp kim năm 2013 là hơn 684.000 tấn thì đến 2014 đã là hơn 983.000 tấn…

Từ những số liệu trên, đại diện VSA cho rằng, số lượng thép cây, thép dây, thép tấm, thép tấm cuộn cán nóng, thép tấm cuộn cán nguội đội lốt “thép hợp kim” và tôn mạ các loại, sơn phủ màu tăng lên nhanh chóng.

Sở dĩ như vậy vì các mặt hàng này được Trung Quốc ưu đãi không đánh thuế xuất khẩu và còn được hoàn thuế VAT từ 9 – 13%. Hơn nữa, vì bán dưới dạng “thép hợp kim” nên khi nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế. Trong khi đó, các loại thép và tôn mạ này là những sản phẩm trong nước đã sản xuất được và vẫn còn dư năng lực.

Theo đánh giá, cùng với đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế, thị trường thép trong nước đã có cải thiện đáng kể về sức mua và tổng cầu.

Tuy nhiên, trái ngược với sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ thép, giá bán trên thị trường thép thành phẩm nội địa lại liên tục giảm theo xu hướng giảm giá của nguyên liệu đầu vào. Hầu hết các mặt hàng trên thị trường thép hiện nay đều có mức giảm giá phổ biến từ 5 – 10% so với hồi đầu năm 2015.

Tại thị trường nội địa, sản xuất thép của DN trong nước đã có sự khởi sắc trở lại, khi tháng 6/2015, lượng sắt thép thô ước đạt 403.200 tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Lượng thép cán ước đạt 351.100 tấn, tăng 22,9% so với cùng kỳ; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 344.300 tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Tình chung 6 tháng đầu năm 2015, lượng sắt thép thô đạt hơn 1,8 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ; thép cán đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ; thép thanh và thép góc đạt 1,8 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu sắt thép các loại, sản phẩm sắt thép, kim loại trong 6 tháng đầu năm đã lên tới 7 tỷ USD, các chuyên gia cho rằng đây là vấn đề “báo động” đáng quan ngại. Cũng bởi, trong khi lượng sắt thép xây dựng nhập khẩu tăng mạnh thì lượng xuất khẩu sắt thép xây dựng lại giảm đi rất nhiều so với năm 2015.

Số lượng sắt thép xây dựng nhập khẩu tăng cao không chỉ tác động đến DN sản xuất nội địa, mà không cẩn thận đây là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang “nổi lên” như trước đây.

Theo Vinanet