18/07/2022

“ZU – Không gian số 0” hướng tới tái cấu trúc không gian đô thị hiện hữu

(KTVN) – Tạo nên những không gian khơi dậy cảm xúc tích cực và cải thiện tinh thần con người là bài toán khó nhưng cũng là mục tiêu quan trọng của thiết kế kiến trúc, nội thất. Đời sống hậu Covid khiến việc sinh hoạt, làm việc ở nhà nhiều hơn; các nhu cầu tinh thần được quan tâm sâu sắc hơn nhưng hiện tại vẫn chưa được đáp ứng hợp lý.

Đô thị hiện hữu với các cấu trúc có sẵn khô cứng chưa thể thay đổi phù hợp với sự biến chuyển nhanh của con người. Đồng thời cần biện pháp làm mới, tận dụng hệ thống cũ để tránh lãng phí khi chỉ xóa bỏ và xây dựng mới hoàn toàn.

Không gian số 0 là gì?

ZU – Zero Unit, còn gọi là Không gian số 0, được nhóm nghiên cứu định nghĩa là những không gian không được xác định bởi chức năng cụ thể, được kiến tạo một cách linh hoạt để đáp ứng nhu cầu tinh thần của người sử dụng.

Không gian số 0 có thể là những cấu trúc không được tính toán ngay từ khâu thiết kế ban đầu nhưng sau đó trở thành sự bổ sung thích nghi với yêu cầu mới.

Với dự án nghiên cứu “ZU – Không gian số 0: Hướng tới tái cấu trúc không gian đô thị hiện hữu”, mục tiêu nghiên cứu của Atelier Tho.A là tìm hiểu các nhu cầu tinh thần của người sử dụng chưa được đáp ứng trong kiến trúc, từ đó đề ra định hướng thiết kế, giải pháp bổ khuyết vào không gian hiện hữu; đồng thời tìm hiểu và ứng dụng các giải pháp tái sử dụng vật liệu. Từ những vấn đề được mở ra, nhóm nghiên cứu hướng đến mục tiêu giải được các bài toán có liên quan ở phạm vi đô thị.


KTS Phạm Nhân Thọ – Giám đốc Công ty TNHH MTV Tho.A nhận định: “Đô thị với cấu trúc hiện tại còn khá khô cứng, chưa đáp ứng được nhu cầu tinh thần của con người, đặc biệt là cuộc sống sau Covid cho thấy nhiều vấn đề cần cải thiện. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất tìm lời giải cho các bài toán của đô thị, đi theo phương pháp “châm cứu”, nhằm giải tỏa huyệt đạo quan trọng còn ách tắc, qua đó khơi thông dòng suy nghĩ, kích thích các giải pháp mang tính sáng tạo, có tiềm năng tạo thay đổi lớn.”

Đồng thời, Atelier Tho.A đặt vấn đề cần có biện pháp làm mới bằng cách tận dụng những cái có sẵn để tránh lãng phí thay vì xóa bỏ và xây dựng mới hoàn toàn.

Atelier Tho.A đã triển khai đề tài này thông qua một số dự án thiết kế với quy mô khác nhau, tạo thành ZU series. Những dự án đó bao gồm không gian phòng trà, không gian vui chơi cho trẻ em… được hình thành ngay trong công trình hiện hữu, phục vụ đời sống tinh thần của chủ nhà và đều tận dụng các nguyên vật liệu tái chế, đã có sẵn.

Tạo sức sống mới cho không gian công nghiệp

Là thủ phủ công nghiệp của Việt Nam, Bình Dương là địa phương được lựa chọn để thực hiện dự án. Tình có dân số 2.678.220 người. Diện tích 2694,4 km2. Định hướng phát triển quy hoạch 2021-2030 trở thành trung tâm công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia. Bình Dương gồm 38 KCN và cụm KCN. Các KCN tập trung nhiều nhất tại TP Thủ Dầu Một (8 KCN và cụm KCN).

Bài toán của Atelier Tho.A là cải tạo một không gian nhà kho nằm ở ngay mặt tiền lối vào nhà máy TTF tại tỉnh Bình Dương. Công trình đã xuống cấp phần bên ngoài và ít được quan tâm. Tuy nhiên, phần khung kết cấu và không gian bên trong vẫn chưa bị hư hại. Vị trí và hiện trạng công trình cho thấy tiềm năng cải tạo và nếu thành công có thể trở thành điểm nhấn cho nhà máy. Quan trọng hơn, chủ doanh nghiệp muốn hình thành một không gian góp phần nâng cao đời sống tinh thần của công nhân viên nhà máy, tăng tính gắn kết giữa người lao động và nơi làm việc.

Những lo toan về cơ sở vật chất, về những nhu cầu cơ bản của các công nhân, người lao động khiến đời sống tinh thần của họ ít khi được chú ý đến.

Nhiều câu chuyện đang kể dở dang, hé mở một chút muốn được quan tâm nhiều hơn, và cũng muốn được lắng nghe nhiều hơn. Công trình ZU5 là điều gì đó dành riêng cho họ – công nhân viên TTF – có thể thoải mái trò chuyện, bộc lộ tâm tư, thoải mái sáng tạo, phát triển, và để an tâm trở về không phải tất tả quay lại quê hương khi dịch dã, khó khăn.

Phần nào góp phần thay đổi cách nhìn về chính công ty TTF, showroom mang đến hình ảnh mà họ có thể tự hào khi nói về nơi làm việc với người thân, bạn bè đồng thời khẳng định lại vị thế của Trường Thành “vua gỗ” trong ngành mỹ nghệ gỗ Việt Nam. Bổ khuyết một tín hiệu dừng chân cho cánh tài xế đường dài nghỉ ngơi, nạp năng lượng từ trạm xăng dầu bên cạnh, ZU5 hi vọng nhiều hơn sự thay đổi có thể lan tỏa đến các nhà máy, khu công nghiệp trong khu vực.

Hướng đến bổ khuyết các chức năng tinh thần, giải pháp thiết kế phá bỏ hệ tường đã xuống cấp từ đó mở ra không gian với muôn vạn khả năng, thích ứng linh hoạt với các hoạt động giao lưu, cà phê lẫn sáng tạo, thiết kế. Từ một không gian bị lãng quên nhưng lại có vị trí ngay bộ mặt nhà máy, sự hiện diện của tháp vọng cảnh đánh dấu sự khác biệt của TTF với những xí nghiệp chung quanh, đồng thời đóng vai trò như cột mốc dừng chân cho những tài xế trên con đường DT 747 không ngơi nghỉ. Tiếp nối dòng suy nghĩ chung của ZU series: Zero waste – hạn chế sự lãng phí trong quá trình sử dụng, công trình tận dụng những vật liệu, máy móc cũ của TTF cho phần hoàn thiện của bức tường dài – trường thành – cũng là một cách lưu giữ thời gian cho một doanh nghiệp có bề dày lịch sử.

Không cần định danh, cũng không có mục đích quá rõ ràng, không gian số 0 của showroom TTF từ đó có thể là bất cứ điều gì: Nhóm thiết kế hướng đến mục tiêu cải tạo công trình thành một không gian linh hoạt dành cho sự nghỉ ngơi, thư giãn, thúc đẩy sự tương tác, giao lưu giữa công nhân viên với nhau và với công ty. Một quán cà phê nho nhỏ nơi nhân viên nhà máy ghé thăm, trò chuyện; nơi tổ chức sự kiện hay xưởng thử nghiệm cho các nhà thiết kế của công ty; trạm dừng dân cho cánh tài xế đường dài,… Hoặc đơn giản chỉ là một chốn tĩnh lặng nơi thời gian ngưng đọng, cũ và mới đan xen, mang theo hơi thở mới lạ trong sự chồng lớp của các vật liệu quen thuộc: gỗ, nhôm, sắt, thép…

Công trình với chức năng cũ đã được biến đổi hoàn toàn. Từ một nhà kho kín kẽ đã “mở toang” với 4 mặt kính báo hiệu cho sự chuyển đổi của nhà máy, trở nên cởi mở hơn.

Không gian chia làm 2 phần rõ ràng: một “hành lang” triển lãm ở giữa để khám phá lịch sử đáng tự hào, không gian còn lại dành cho những chức năng thay đổi linh hoạt theo nhu cầu sử dụng: workshop ghế, co-working, cafe. Đặc biệt hơn nữa người sử dụng có thể tiếp cận từ tầng trệt lên trên tháp tín hiệu. Từ đây, chúng ta có được những điểm nhìn đặc biệt, thậm chí rất phù hợp cho những góc check-in “sống ảo”.

Không gian linh động có thể khai thác nhiều chức năng đa dạng: Phục vụ cà phê kết hợp triển lãm sản phẩm nội thất của công ty, giúp người sử dụng trải nghiệm thiết kế và không gian một cách chất lượng nhất; văn phòng của các nhà thiết kế trẻ của công ty, tạo môi trường khuyến khích sự thử nghiệm, sáng tạo; workshop hướng dẫn thực hành thiết kế và gia công sản phẩm nội thất; đây cũng có thể trở thành nơi tổ chức sự kiện, talkshow như các buổi nói chuyện chuyên đề cho công nhân viên, họp mặt tri ân khách hàng hay điểm bắt đầu của các tour tham quan nhà máy…

Tầng trệt trong suốt cho thấy tính minh bạch, không ngại thể hiện sản phẩm và công ty, truyền tải sự cởi mở trong hình ảnh

Nhóm nghiên cứu định hướng xây dựng một không gian “trong suốt”, dễ dàng nhìn thấy bên trong nhằm cho thấy tính minh bạch, không ngại thể hiện sản phẩm và công ty, truyền tải sự cởi mở trong hình ảnh. Vật liệu thừa trong kho của nhà máy TTF: gỗ, kính, các phụ tùng máy móc, phế liệu … được tận dụng nhằm nuôi dưỡng triết lý Zero Waste của Zu Series. Vừa tạo được cảm giác của sự quen thuộc nơi người sử dụng. Đặc biệt, chúng được kết hợp bằng thủ pháp bricollage (cắt dán) làm tăng sự sinh động cho không gian, đồng thời, cho thấy được tiến trình lịch sử của cả công trình.

Mục tiêu của công trình là không chỉ tạo nên bản sắc riêng của công ty mà còn góp phần thay đổi suy nghĩ thông thường về các khu công nghiệp, cho thấy rằng một nhà máy khô cứng vẫn có thể sinh hoạt văn hóa và thúc đẩy đời sống tinh thần tích cực. Dự án kỳ vọng có thể truyền cảm hứng cho các nhà máy, khu công nghiệp nói chung trong việc đưa các không gian sống và làm việc tối ưu, cấu trúc hiện hữu kết nối với người lao động; xa hơn là hướng đến quy chuẩn hóa các thiết kế để dẫn đến khả năng tiếp cận rộng rãi, dễ đáp ứng cho người sử dụng.

ZU Series – Một tầm nhìn

Chúng tôi phát triển Zu Series bằng việc đáp ứng những nhu cầu thoạt nghe có phần lạ lùng của khách hàng. Tuy vậy, ẩn sâu bên trong chúng là những đòi hỏi rất bản năng. Nổi bật nhất chính là mong mỏi trở nên khác biệt, hay nói cách khác, có một chất riêng. Chính ở điểm này, Chủ nghĩa Hiện đại từ những cuối những năm 1950 đã tỏ rõ sự yếm thế khi tạo ra các kiến trúc giống nhau ở mọi nơi. Đỉnh điểm là Phong cách Quốc tế với nguy cơ triệt tiêu hoàn toàn tính bản địa ở quy mô lớn và “cá tính” ở quy mô con người.

Yêu cầu thứ hai cũng mãnh liệt không kém chính là mong mỏi “được thuộc về”, hay nói cách khác, cảm giác “ở nhà”. Không phải công trình nhà ở nào cũng tạo cho người sử dụng cảm giác “nhà” (not every house is a home). Nói vậy là, một kiến trúc có chức năng không dùng để ở, càng khó đem lại cảm giác quen thuộc. Vì thế, nếu có thể hãy khởi đi từ những gì sẵn có, bản thân chúng chứa đựng tiềm năng để tạo ra “nhà”. Trong trường hợp này, những cấu trúc cũ có nhiều lợi thế. Lấy ví dụ, bê tông dự ứng lực trở nên cứng cáp hơn trong suốt vòng đời của nó. Dù có được hoàn thiện hay không, cấu trúc này bền bỉ hơn nhiều sau 20 năm nó được xây dựng, và sự bền bỉ đó liên tục gia tăng. Theo đó, việc tái sử dụng vừa bền vững về mặt vật lý, vừa mang tính chất củng cố về mặt tinh thần. Thêm vào đó, nếu tình cảm là thứ phân biệt một “mái nhà” với những công trình còn lại, vậy điều cần làm chính là giảm đi tính logic, thay bằng những mách bảo cảm tính, sự ngẫu hứng, và thỉnh thoảng là cả sự “vô dụng”.

Nhu cầu cuối cùng và cũng khó bày tỏ nhất của người sử dụng Zu Series: mong muốn được sáng tạo. Đây bản năng tự nhiên của con người. Trước khi các bản vẽ dành riêng cho các đối tượng sử dụng khác nhau của KTS Phục Hưng Leon Alberti đã gián tiếp hợp thức hoá ngành kiến trúc, chính thức tạo ra các kiến trúc sư, xây cất là một hoạt động không của riêng ai. Trước khi có chuyên môn hoá, kể cả phụ nữ trẻ em cũng có thể tham gia vào các công đoạn khác nhau của quá trình này… Thậm chí, việc dựng nhà của một gia đình có thể được xem như công việc của cả làng xóm, mỗi người góp chút sức lực để thành sự. Ngày nay, chuyên môn hoá đã gỡ bớt trách nhiệm trên đôi vai của cá nhân, nhưng đồng thời cũng làm vơi bớt “quyền lợi” mỗi người được có với không gian sống của chính mình.
Lẽ dĩ nhiên, những thành tựu nghệ thuật văn hoá đặc sắc là nhờ bởi phần lớn hoạt động của các nhà chuyên môn. Tuy vậy, phớt lờ “sức sáng tạo” tiềm ẩn của con người có thể bị xem là thiếu sót, bởi lẽ thông qua việc bộc lộ chính mình, ở đây là thông qua hành động sáng tạo, con người trở nên hoàn thiện. Với Zu Series, chúng tôi hy vọng có thể tạo ra một đô thị mà ở đó con người được trao lại quyền để trở nên… là chính mình vậy.

Tuyết Ngân – Đức Thịnh