Bộ Xây dựng vừa có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, giám sát dự án (DA) nhà ở hình thành trong tương lai. Trên thực tế, vẫn còn không ít DA đem lạị rủi ro, phát sinh khiếu kiện, tố cáo giữa khách hàng với chủ đầu tư.
Khách hàng tham khảo một dự án nhà ở tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Hình thức kinh doanh nhà hình thành trong tương lai đã được Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) cho phép và triển khai, kể từ năm 2006. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn có một số sai phạm phổ biến về phía các nhà đầu tư, DN… gây tranh chấp, đẩy rủi ro cho khách mua nhà và ảnh hưởng xấu đến thị trường BĐS. Tại Hà Nội, trong quý II/2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã chấp thuận thêm 33 DA đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai nằm tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức. Tuy nhiên, vẫn có DA tại huyện Mê Linh chưa đủ điều kiện rao bán vẫn thông qua các sàn giao dịch BĐS quảng cáo không đúng thực tế.
Tại tỉnh Hòa Bình, DA nhà ở hình thành trong tương lai cũng phát triển sôi động. Không ít DA chưa đủ điều kiện rao bán cũng ra không ít hệ lụy cho khách hàng và các nhà đầu tư. Trước thực tế này, Sở Xây dựng Hòa Bình đã có văn bản đề nghị Sở TT&TT đăng tải thông báo trên cổng thông tin điện tử UBND tỉnh danh sách các DA BĐS đã lựa chọn được nhà đầu tư (theo hình thức đấu thầu), ký hợp đồng thực hiện DA đang thực hiện thủ tục đầu tư về xây dựng, chưa đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng. Cùng với đó công bố công khai danh sách các DA BĐS không có trên địa bàn, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sở pháp lý… Để tránh những rủi ro trong giao dịch và đảm bảo minh bạch thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng Hòa Bình khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các BĐS chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Hoàng Văn Hướng – Trưởng Văn phòng luật Hoàng Hưng, vì là DA thuộc loại hình BĐS hình thành trong tương lai, việc giao dịch mua, bán ban đầu giữa chủ đầu tư và khách hàng chủ yếu dự trên bản vẽ. Nếu không nắm chắc các yếu tố pháp lý rất dễ dẫn đến những hệ lụy phát sinh như nhà bàn giao không đúng tiến độ. Nhiều DA bị kéo dài từ năm này qua năm khác do vi phạm quy hoạch, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo lãnh ngân hàng…Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Nghị định 76/2015/NĐ-CP về trình tự, thủ tục, điều kiện đối với các giao dịch BĐS, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn. Các quy định được Bộ Xây dựng lưu ý gồm điều kiện khi đưa BĐS hình thành trong tương lai vào kinh doanh theo quy định và việc thực hiện thủ tục thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê, mua; việc bảo lãnh, thanh toán trong bán, cho thuê loại hình này.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm quy định về việc thế chấp, điều kiện thế chấp với dự án đầu tư xây dựng nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai. Đồng thời quy định về giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch đối với trường hợp không bắt buộc phải có giấy chứng nhận.
Gia Bảo/Kinh tế Đô thị