Ý tưởng mới để đánh thức tiềm năng sông Hương
BQLDA KOICA phối hợp với UBND tỉnh TT-Huế tổ chức lấy ý kiến người dân về “dự án xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương”.
Phối cảnh cầu tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương.
Quy hoạch mang tính liên kết
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đang kết hợp với tỉnh TT-Huế, TP Huế tiến hành Quy hoạch chi tiết phát triển hai bờ sông Hương và dự án thí điểm “xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương”. Trong đó, dự án thí điểm “xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương” đang trưng bày để người dân cùng thảo luận, tiếp tục đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện bản thiết kế để triển khai thi công. Công trình có tổng kinh phí dự kiến trên 63 tỷ đồng.
Dự án thí điểm “xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương” được BQLDA KOICA đề xuất, dự án sẽ tạo một con đường đi bộ trên sông Hương dài 380m, kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu lên đến khu vực công viên Lý Tự Trọng. Dự án được thể hiện trong phạm vi ven sông bị giới hạn bởi đoạn giữa cầu Phú Xuân với cầu Tràng Tiền và đường đi bộ bị gián đoạn ở phần dưới cầu Phú Xuân. Tính tiếp cận kém của công viên Lê Lợi, trong đó chia làm 3 không gian với nhiều tổ hợp như bến thuyền, vườn sen, quảng trường tổ chức sự kiện… Phương án này, đơn vị tư vấn đã đề xuất đóng cọc bê tông xuống sông Hương để làm một con đường đi bộ rộng 4m, kết cấu bê tông, sàn lát gỗ lim gắn lan can bằng vật liệu đồng thau, đồng thiếc hoặc thép mạ đồng.
Ở điểm trung tâm liên kết khu vực ven sông với cồn Hến và cồn Dã Viên, kết nối giao thông xuyên suốt từ đường đi bộ đến công viên Lý Tự Trọng sẽ tạo điểm nhấn nhìn phía Bắc bờ sông. Phương án thiết kế, tổng quan mặt bằng ở khu vực lối vào phía nam làm bến thuyền nhỏ, quảng trường. Khu vực lối vào dưới cầu Phú Xuân thiết kế không gian nghỉ ngơi, thư giãn. Khu vực lối vào chính ở giữa không gian nghỉ ngơi, cafe, tổ chức sự kiện. Khu vực lối vào chính phía đông làm bến thuyền. Mở rộng đến bờ kè để tận dụng hết không gian rộng. Làm các đường dốc, bồn hoa, bộ bàn ghế, ki-ốt… sử dụng không gian một cách hiệu quả. Dựng sân khấu nhỏ phía trước quảng trường bậc thang nhằm tạo không gian năng động nhất trong tổng thể với nhiều hoạt động: Nghỉ ngơi, ẩm thực, tổ chức sự kiện… Cải tạo quán cà phê hiện trạng ở ven sông hiện có để tạo tính liên kết với cầu đi bộ đến cầu Phú Xuân và làm vườn sen ở khu vực ven bờ giữa cầu đi bộ với nhà hàng. Xây dựng băng ghế dài ở dưới cầu Phú Xuân để làm không gian nghỉ ngơi. Ở khu vực cuối nối với sân khấu biểu diễn ngoài trời có thể là bến thuyền quy mô nhỏ. Sân khấu biểu diễn ngoài trời bố trí các băng ghế theo địa hình và xây dựng theo kiểu dáng tự nhiên nhưng sử dụng vật liệu phân biệt với sàn gỗ lim.
Đơn vị tư vấn đề xuất sử dụng vật liệu sàn đi bộ bằng gỗ lim phù hợp với khí hậu TP Huế, bởi gỗ lim có ưu điểm vật liệu tự nhiên, dễ gia công, không bị mối mọt, không biến dạng trong khí hậu nóng ẩm, chịu lực tốt. Lan can được sử dụng đồng thau với đặc tính dễ gia công và màu sắc đẹp. Lát lại nền sao cho không có sự chênh lệch độ cao giữa lòng đường và vỉa hè, sử dụng vật liệu đá địa phương, tạo nét đặc trưng riêng cho đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Dùng vật liệu đá thường sử dụng trong các lăng vua để lát mảng lớn theo kiểu bất quy tắc. Lắp đặt rãnh hợp kim gang rộng 30cm và thu hẹp bó vỉa. Dùng những mảng đá lớn bất quy tắc ở cổng vào và những điểm giao nhau. Qua đó, tạo kiến trúc nhẹ nhàng bằng những đường dốc dạng dầm chữ H. Bồn hoa bằng gỗ lim và trồng cây cao trên nền đất sẵn có. Ba cổng có đề rõ lối vào của phố đi bộ ở đường Lê Lợi.
Chọn vật liệu gỗ lim làm sàn đi bộ
BQLDA KOICA đã hai lần phối hợp UBND tỉnh để tổ chức hội thảo lấy ý kiến và nhận được sự đồng tình của hầu hết các chuyên gia và nhà quản lý, dự án thí điểm đường dạo nổi dọc sông Hương kết nối tuyến đi bộ đã được đơn vị tư vấn của KOICA hoàn chỉnh thiết kế và lấy ý kiến người dân. Nhìn phối cảnh thiết kế “xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía nam sông Hương” được xem là một ý tưởng mới mẻ, mang tính đột phá. Dự án hứa hẹn sẽ tạo ra một không gian mới, kết hợp với chiếu sáng nghệ thuật, bến thuyền, sân khấu, quảng trường tổ chức sự kiện… sẽ tạo ra một không gian sinh động, ấn tượng cho cảnh quan bên bờ sông Hương về đêm cho người dân, du khách vui chơi, ngắm cảnh.
Ông Nguyễn Việt Bằng – Phó giám đốc BQLDA KOICA cho biết, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án nằm trong tổng thể dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ cho TP Huế và tỉnh TT-Huế rất nhiều dự án có ý nghĩa. Dự án triển khai nhằm tạo điểm nhấn cho đô thị, điểm trọng tâm để liên kết khu vực ven sông từ Cồn Hến đến cồn Dã Viên. Duy trì sự liên tục cho tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Mở rộng không gian công cộng cho người dân và khách du lịch, góp phần tạo thuận lợi cho việc tiếp cận với không gian mặt nước sông Hương, tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc, điểm nhìn ngắm cảnh sông Hương.
Dự án đầu tư xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương nằm ở khu vực trung tâm TP Huế, điểm bắt đầu từ bến Hề và điểm kết thúc cách cafe Lộng Gió 50m về phía thượng nguồn. Khu vực ở bờ lõm của sông Hương nên công trình không ảnh hưởng lớn đến lòng sông, dòng chảy và giao thông đường thủy. Kết cấu chính của công trình cầu đi bộ được sử dụng cọc bê tông cốt thép, sàn lát dự kiến sử dụng gỗ lim, dày 5cm nhằm tạo sự thân thiện với không gian cảnh quan, tạo vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát và bền vững cho tuyến đi bộ. Trụ lan can bằng đồng thau và thanh liên kết tay vịn bằng gỗ lim. Kết cấu lan can được tính toán nhằm đảm bảo bền vững, an toàn. Trụ lan can bằng đồng thau và sàn bằng gỗ lim, là vật liệu mang tính truyền thống, qua đó tạo nét đặc trưng và sang trọng cho công trình. Hệ thống lan can sau khi hình thành, cùng với hệ thống chiếu sáng đèn Led sẽ tạo nên tổng thể lung linh, đặc sắc về đêm của Huế.
Trí Đức/Báo Xây dựng