01/07/2015

Xuất khẩu xi măng và clinker: DN Việt “đuối” sức cạnh tranh

Trong 2 tháng vừa qua, thị trường xuất khẩu clinker của Việt Nam đang bị Trung Quốc chèn ép mạnh về giá. Nhiều DN xuất khẩu đã hạ giá, nhưng vẫn không giữ nổi khách hàng do mức chênh lệch giá quá lớn. Trên thực tế, suất đầu tư xi măng của Việt Nam thường cao hơn các nước trong khu vực, khiến các DN Việt “đuối” sức cạnh tranh.

Đối thủ cạnh tranh của clinker Việt Nam không chỉ có Thái Lan, mà hiện thêm cả Trung Quốc. Nếu như trước đây, clinker Thái Lan có ưu thế cạnh tranh về chất lượng và vận chuyển nhanh, thì Trung Quốc đánh ngay vào giá. Hiện giá bán của clinker Trung Quốc vào khoảng 31 – 34 USD/tấn, thấp hơn giá bán của các DN Việt Nam từ 2 – 6 USD/tấn.

Xuất khẩu xi măng, doanh nghiệp Việt bất lực khi bị chèn giá

Xuất khẩu xi măng, doanh nghiệp Việt bất lực khi bị chèn giá

Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, giá đàm phán xuất khẩu clinker của Việt Nam trung bình ở mức 38 – 39 USD/tấn trong năm 2014, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay, không ít đối tác của Việt Nam đã chuyển sang Trung Quốc đặt hàng, do giá clinker của Trung Quốc chỉ khoảng 31 USD/tấn.

Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước
Ông Trần Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) khẳng định: “Tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu, nếu không có lãi, chúng tôi không bán. Hơn nữa, VICEM không chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu vì tiêu thụ xi măng trong nước đang khá tốt”.Không riêng VICEM, một số thương hiệu xi măng lớn tại Việt Nam cũng chọn giải pháp tăng tiêu thụ tại thị trường nội địa, chuyển sang xuất khẩu xi măng thay vì xuất clinker. Chẳng hạn, Xi măng Cẩm Phả đã tăng lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa từ 1,19 triệu tấn (năm 2012) lên 1,9 triệu tấn (năm 2015). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Xi măng Cẩm Phả vừa qua cũng nêu rõ: “đến năm 2018, chỉ tiêu thụ xi măng, không bán clinker”.

Dù gần cảng biển Nghi Sơn, nhưng Xi măng VICEM Hoàng Mai cũng đẩy mạnh tiêu thụ tại chỗ với lượng tiêu thụ trên 1 triệu tấn sản phẩm trong năm 2014 tại địa bàn Nghệ An, so với công suất dây chuyền 1,4 triệu tấn/năm.

Đối với những nhà sản xuất có thị phần trong nước lớn, thì việc chuyển dần sang tiêu thụ nội địa là khả quan, khi thị trường bất động sản khởi sắc với việc nhiều dự án được tái khởi động và khởi công xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng tăng lên. Tuy nhiên, đối với những nhà sản xuất có tỷ trọng xuất khẩu lớn như The Vissai lại là câu chuyện khác. Đại diện DN này cho biết, xuất khẩu năm 2015 khó đạt kết quả như 2014. Trong khi nhu cầu xi măng ở các thị trường nhập khẩu chưa tăng, thì nguồn cung xi măng của Thái Lan, Trung Quốc… vẫn tiếp tục gia tăng.

Tại nhiều diễn đàn, vấn đề các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn “chưa bắt tay nhau” để cùng đối phó với clinker Trung Quốc hay Thái Lan cũng được nêu ra. Theo nhìn nhận của lãnh đạo một DN xuất khẩu xi măng, không riêng gì xi măng, sắt thép hay gạch ốp lát cũng là mặt hàng mà Việt Nam luôn bị Trung Quốc “áp đảo”.

Khó khăn trên thị trường xuất khẩu chủ yếu đối với những nhà sản xuất có sản lượng xuất khẩu lớn, lại không gần cảng biển, chịu chi phí vận chuyển cao. Đó cũng là lý do vì sao nhiều DN bán ở mức 38 USD/tấn clinker chỉ lãi ít hoặc hòa vốn, nhưng có những DN chỉ cần bán với mức giá 27 – 35,5 USD/tấn là có lãi. Hơn nữa, không phải tất cả các nhà sản xuất xi măng đều gia nhập Hiệp hội Xi măng, nên vấn đề “buôn có bạn, bán có phường” là không thể. Vì thế, trong thị trường xuất khẩu, các DN xi măng vẫn “mạnh ai nấy chạy”.

Trong vòng 3 năm tới, thị trường phía Bắc có thêm nguồn cung khoảng 10 triệu tấn xi măng hàng năm. Trong khi các thương hiệu quen thuộc vẫn kiên trì bài toán tăng tỷ lệ tiêu thụ nội địa, thì xuất khẩu vẫn là lựa chọn số 1 cho các dây chuyền mới. Tuy nhiên, xi măng Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại xuất xứ từ Trung Quốc tại thị trường xuất khẩu bởi nhiều lý do.

Trung Quốc luôn là nhà sản xuất xi măng số 1 thế giới, tổng sản lượng xi măng Trung Quốc cung cấp trong năm 2014 cho thị trường thế giới là 2,5 tỷ tấn, trong khi  Việt Nam chỉ cung cấp khoảng 70 triệu tấn. Với sản lượng gấp 35 lần, xuất khẩu lại là chiến lược dài hơi thì xi măng Trung Quốc “đè được” xi măng Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.

Theo Đầu tư BĐS