Xuất hiện nhiều xu hướng đầu tư mới trên thị trường bất động sản năm 2019
Theo một báo cáo tổng hợp mới đây của Hội môi giới bất động sản, lượng hàng hoá về nhà cửa chung cư, căn hộ biệt thự tại Hà Nội và TPHCM đưa ra thị trường đã giảm chỉ còn khoảng 70% so với quý 4/2018.
Tuy nhiên lượng giao dịch hàng hóa cung ứng trên thị trường rất tốt. Nếu năm 2014 chỉ có hơn 40 nghìn giao dịch, thì đến năm 2018 chỉ riêng Hà Nội và TPHCM đã hơn 80 nghìn giao dịch. Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định rằng thị trường đang có những tín hiệu hết sức khả quan và cộng đồng doanh nghiệp địa ốc đã xoay chuyển tình thế rất tốt để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
“Thị trường của chúng ta về trung và dài hạn sẽ rất tốt, tốc độ đô thị hóa còn độ mở rất lớn. Theo tính toán, trung bình mỗi năm có 1 triệu người chuyển từ khu vực nông thông sang các khu đô thị. Tâm lý người dân thích dành dụm mua nhà. Điều quan trọng là cung ứng được cho cầu này một cách có chất lượng”, ông Nam nhìn nhận.
Từ góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết lĩnh vực BĐS trong thời gian qua phát triển rất đa dạng. Có 3 loại hình BĐS đang được quan tâm, đó là: BĐS nhà ở, BĐS công nghiệp, và BĐS du lịch.
Khởi cho rằng, cơ hội đầu tư trong BĐS du lịch và BĐS công nghiệp vẫn cao trong cả nước. Đầu tư nước ngoài quý 1/2019 tăng 35% so với 2018 hay chính sách thu hút đầu tư của các địa phương đặt ra rất rõ; đặc biệt tác động từ thế giới. Với BĐS nhà ở vẫn tập trung phân cấp nhà ở xã hội, còn tới 70% nhu cầu.
Bên cạnh đó, phân khúc đất nền ở một số nơi, tại một số khu vực trong một số thời điểm nhất định có hiện tượng sốt cục bộ. Nhưng sau đó Nhà nước đó can thiệp kịp thời tránh được tình trạng lan rộng ra.
Đưa ra nhận định về tình hình kinh doanh BĐS thời gian 2018 và quý 1/2019, ông Khởi cho rằng, xét về góc độ thuận lợi thì các chính sách của BĐS có cơ chế ổn định và rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước đã quyết liệt hơn trong đầu tư BĐS nên các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có chất lượng. Ngoài ra, nguồn cung có đa dạng hơn trước chứ không như thời điểm năm 2017, 2018 tập trung BĐS cao cấp, dẫn đến tình trạng lo sợ bong bóng.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương cho biết tới đây có 3 khả năng cho thị trường: Thứ nhất, nếu thị trường cứ diễn biến bình thường không có gì xảy ra thì sẽ đi ngang với mức độ hơi điều chỉnh xuống. Thứ hai, sẽ có 3 nhóm BĐS nổi lên: BĐS công nghiệp, BĐS cao cấp và siêu cao cấp, Nhà cho thuê ở mức độ bình dân
Thứ ba, biến động kinh tế thế giới không thuận và Việt Nam chỉ là người bị ảnh hưởng bởi nó, và kinh tế vĩ mô chỉ đi ngang thì thị trường BĐS có thể sẽ điều chỉnh và nếu có xảy ra thì phải là cuối năm.
“Do đó, tôi cho rằng, năm nay là một năm nền kinh tế phát triển ổn định và thị trường BĐS không có nhiều xung lực nhưng không phải là yếu”, ông Chung chia sẻ.
Trong xu thế nguồn cung thị trường bất động sản nhà ở đã phát triển tương đối ổn định, nhiều doanh nghiệp đã hướng sang thị trường bất động sản du lịch, công nghiệp, văn phòng cho thuê… Nhiều chuyên gia đánh giá đây là mảng bất động sản mà thị trường thời gian tới sẽ rất cần, nhất là trong tiến trình hội nhập với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ vào Việt Nam đầu tư.
CBRE Việt Nam đã chỉ ra, bất động sản công nghiệp sẵn có là sống lưng cho bất kỳ nền kinh tế sản xuất đang phát triển nào. Tại Việt Nam, bối cảnh này sẽ không có gì khác, và sẽ phụ thuộc rất nhiều về điều kiện thuận lợi của thị trường bất động sản công nghiệp.
Năm 2019 tiếp tục là một năm có lợi đối với Việt Nam. Ví dụ, theo nghiên cứu của CBRE, giá đất công nghiệp tại một số thành phố chính tại Trung Quốc đã là 180 USD/m2. Khi làm phép so sánh tại Việt Nam, giá đất công nghiệp rơi vào khoảng 100 – 140 USD/m2. Đây rõ ràng là một điểm thu hút rất hấp dẫn đối với các nhà sản xuất tiềm năng.
Hơn thế nữa, bình quân giá thuê đất công nghiệp tăng vừa phải 5 – 8% mỗi năm tại Việt Nam. Giá thuê tại các khu công nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các khu có vị trí chiến lược và gần kết nối với các cơ sở hạ tầng trọng điểm, đang tăng. Từ dó, những phân khúc BĐS khác như nhà ở cho chuyên gia, công nhân; văn phòng cho thuê; trung tâm thương mại cũng sẽ đón được cơ hội bùng nổ trong giai đoạn tới.
Ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương chỉ ra: có 5 rủi ro tới thị trường trong thời gian tới: Rủi ro kinh tế quốc tế lợi nhiều hơn hại; Rủi ro về kinh tế vĩ mô sẽ không có gì biến động; Rủi ro về thị trường sẽ nổi lên xu hướng căn hộ cao cấp và siêu sang, nhà phố cổ rất âm thầm nhưng vô cùng khốc liệt, nhà đất các địa bàn đang có dự án lên quận… tất cả sẽ ảnh hưởng tới việc điều chuyển luồng tiền; Rủi ro đối tác là không nhiều; Rủi ro về chính sách tôi cho rằng với những chính sách cho đến bây giờ chưa có gì biến động.
Nam Phong/Trí thức trẻ