Xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Theo đó, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt đối với vi phạm liên quan đến hoạt động xây dựng, sản xuất VLXD, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh BĐS, quản lý, phát triển nhà.
Vi phạm về thiết kế xây dựng bị phạt 80 triệu đồng
Đối với vi phạm quy định về điều chỉnh quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch đô thị, Nghị định 16/2022/QĐ-CP quy định phạt tiền từ 250 – 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn áp dụng; điều chỉnh quy hoạch không đúng căn cứ, điều kiện, nguyên tắc, trình tự điều chỉnh.
Đối với vi phạm quy định về hoạt động kiến trúc, phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng đối với hành vi không tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc đối với công trình yêu cầu phải thi tuyển. Phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng đối với hành vi lập hồ sơ thiết kế kiến trúc và xây dựng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; không tổ chức lập nhiệm vụ thiết kế kiến trúc và thiết kế kiến trúc theo quy định; tổ chức thiết kế kiến trúc không đúng quy định.
Còn đối với vi phạm quy định về thiết kế xây dựng có mức xử phạt từ 60 – 80 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Điều chỉnh thiết kế xây dựng mà không được thẩm định hoặc phê duyệt lại theo quy định khi thay đổi một trong các yếu tố như địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu kết cấu chịu lực, biện pháp tổ chức thi công ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình; phê duyệt thiết kế xây dựng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn áp dụng hoặc sử dụng tiêu chuẩn xây dựng hết hiệu lực; phê duyệt thiết kế an toàn quá tiêu chuẩn quy định gây lãng phí đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP…
Thi công công trình không có giấy phép sẽ bị phạt 100 triệu đồng
Theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP, hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi VLXD xuống các khu vực xung quanh hoặc để VLXD không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng (đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ), phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng (đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng).
Hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng (đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ); phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng (đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng)…
Đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng sẽ phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ; 80 – 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác. Phạt tiền từ 120 – 140 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng…
Môi giới BĐS không có chứng chỉ hành nghề bị phạt đến 60 triệu đồng
Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định, các hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới BĐS; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS sẽ bị phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng.
Đối với các vi phạm về quản lý giao dịch nhà ở như bán, cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng; bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, không đảm bảo các điều kiện theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng.
Ngoài ra, với những vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với ban quản trị nhà chung cư sẽ bị phạt tiền từ 100 – 120 triệu đồng. Cụ thể, sẽ bị xử phạt nếu tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung; tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư mà không thông qua hội nghị nhà chung cư; không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định; thực hiện sai quy chế hoạt động hoặc quy chế thu chi tài chính đã được hội nghị nhà chung cư thông qua; không thông báo công khai trên bảng tin của nhà chung cư về các khoản chi từ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định…
Linh Đan/BXD