.
23/10/2019
Xử lý nhà ‘siêu mỏng, siêu méo’ mọc trên các tuyến đường nghìn tỷ ở Hà Nội
Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp nhà đất không đủ kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) “mọc” lên khi khi thực hiện mở đường theo hoạch trên địa bàn Thành phố.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND quận, huyện, thị xã về xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo).
Theo đó, để nghiêm túc thực hiện kết luận của Thường trực HĐND Thành phố và chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố đối với công tác quản lý xử lý trường hợp nhà đất không đủ kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) khi thực hiện mở đường theo hoạch trên địa bàn Thành phố, Sở Xây dựng đề nghị, đối với UBND các quận còn tồn tại các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” chưa được xử lý, Chủ tịch UBND các quận tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phòng ban chức năng thống kê, rà soát các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” phát sinh trên các tuyến Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3 và các tuyến mới mở đang triển khai thực hiện trên địa bàn.
Đồng thời, giải quyết và xử lý dứt điểm các trường hợp mới phát sinh theo Chỉ thị số 20/CT-UBND, ngày 11/11/2016, của Chủ tịch UBND Thành phố và đẩy nhanh tiến độ xử lý các trường hợp tồn tại. Các đơn vị khẩn trương tổng hợp tiến độ, kết quả xử lý cùng khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội có dự án đường quy hoạch đi qua: Chủ động thống kê, rà soát xây dựng phương án xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng; Thực hiện thu hồi các thửa đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng nếu việc hợp thửa, hợp khối (sau 30 ngày) không thực hiện được theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND, ngày 06/6/2011, Chỉ thị số 20/CT-UBND, ngày 11/11/2016 của Chủ tịch UBND Thành phố.
Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng trong việc phá dỡ toàn bộ, bộ phận kiến trúc công trình đã được đền bù, bao gồm cả phần công trình còn lại nằm ngoài chỉ giới để không phát sinh công trình “siêu mỏng, siêu méo”. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh các trường hợp công trình “siêu mỏng, siêu méo” trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
Như Tiền Phong mới đây thông tin, khi giải phóng mặt bằng để mở rộng đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có vốn đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng cũng là lúc nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu méo có hình thù kỳ dị lại đua nhau đu bám hai bên đường. Thậm chí, cõ những ngôi nhà siêu mỏng, nhìn như “lưỡi dao” khổng lồ “mọc” lên bên đường nghìn tỷ.
Hay mới đây, tại vị trí gần ngã tư giao giữa đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài với đường Đại Cổ Việt (quận Hai Bà Trưng) một ngôi nhà có hình thù “kỳ dị” mọc trên khu đất có diện tích chỉ 20m2.
Câu chuyện về nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường mới tại Hà Nội không hiếm. Trước đó, dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn Nhật Tân – Xuân La – Bưởi – Cầu Giấy dài 6,4 km vừa hoàn thành với tổng mức đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng cũng vướng tình trạng này khi tuyến phố Võ Chí Công đã xuất hiện một số căn nhà méo mó. Hay con đường nghìn tỷ Nguyễn Văn Huyên kéo dài (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng xuất hiện nhiều nhà siêu mỏng, siêu nhỏ vô cùng xấu xí.
Đình Phong/Tiền Phong