05/05/2020

Xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng

Quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) kéo dài đã gây bức xúc trong dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn giải quyết triệt để, không để cá nhân, DN vi phạm “nhờn luật” cần hoàn thiện khung pháp lý, trong đó tăng hình thức xử lý, xử phạt, bổ sung quy định về đạo đức công vụ của những cán bộ thực thi nhiệm vụ.

Thiếu quyết liệt
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 19.697 công trình, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỷ lệ hơn 3%), giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm 2018.
Thanh tra Sở Xây dựng ban hành 172 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 13,5 tỷ đồng. Hàng loạt công trình vi phạm qua nhiều năm vẫn không được xử lý triệt để gây nhiều bức xúc trong dư luận. Điển hình là dự án 8B Lê Trực (quận Ba Đình).
Mới đây, UBND TP Hà Nội tiếp tục yêu cầu UBND quận Ba Ðình và Sở Xây dựng xử lý vi phạm đúng hạn. Từ gần cuối tháng 4, lực lượng chức năng đã tổ chức rào chắn, cấm phương tiện giao thông qua lại khu vực tòa nhà 8B Lê Trực đoạn đường Trần Phú để lắp cẩu tháp chuẩn bị phá dỡ giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực. Dự kiến, thời gian lắp dựng cẩu tháp, vận thăng hoàn thành vào ngày 12/5.
Cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm Nguyễn

Cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm Nguyễn

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn còn 37 trường hợp vi phạm TTXD tồn đọng từ các năm 2015 và 2016 thuộc địa bàn 15 quận, huyện. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đứng đầu với 8 trường hợp tồn đọng, Hai Bà Trưng (6 trường hợp), Thanh Xuân (5 trường hợp), Ba Đình và Thanh Trì (3 trường hợp)… Trước những vi phạm TTXD kéo dài, lãnh đạo một số quận, huyện, đơn vị chức năng cho rằng, do chủ đầu tư cố tình tránh né, chây ì.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, đó là do sự thiếu quyết liệt của cấp chính quyền cơ sở, khi xử lý trách nhiệm những cá nhân để xảy ra sai phạm còn nhẹ. Luật sư Trần Xuân Tiền – Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng trên địa bàn Thủ đô vẫn tồn tại nhiều công trình xây dựng sai phép, ảnh hưởng đến uy tín của các cấp chính quyền như công trình 8B Lê Trực. Do đó, quan điểm về giải quyết sai phạm phải thực sự nhất quán, sai đến đâu xử lý triệt để đến đó, không nể nang bất kỳ sai phạm nào.
Xử lý dứt điểm các sai phạm
Các văn bản của cơ quan chức năng TP vẫn liên tục được gửi đi để yêu cầu các quận, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng trên địa bàn từ khi khởi công đến khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các vi phạm TTXD ngay từ khi mới phát sinh…
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Văn bản 1316/SXD-TTr (ngày 18/2/2020) đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội xác định, nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm TTXD kéo dài do việc phát hiện vi phạm không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ của không ít cán bộ cơ sở, trách nhiệm này thuộc về chính quyền các cấp của TP. Ðã có khoảng 100 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra xây dựng bị xử lý vì để xảy ra vi phạm. Do vậy, cần nhìn nhận lại một cách thấu đáo để giải quyết vấn đề được tốt hơn.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng đã được đưa ra xem xét và đang hoàn thiện. Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, trước thực trạng quản lý xây dựng còn nhiều bất cập, cần tìm rõ nguyên nhân; đồng thời, cần có quy định đủ mạnh để xử lý dứt điểm các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng.
Việc bịt kẽ hở trong quy trách nhiệm quản lý TTXD là đòi hỏi quan trọng với sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng lần này. Qua tổng hợp cho thấy, thể chế pháp luật quy định liên quan đến lĩnh vực xây dựng không thiếu, mà do khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Nhiều ý kiến cho rằng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng cần bổ sung những quy định nghiêm về xử lý, tăng mức xử phạt vi phạm. Đáng lưu ý, có ý kiến đề nghị phải “sửa đổi, bổ sung” quy định về đạo đức công vụ của những cán bộ thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Vũ Lê/Kinh tế Đô thị