28/02/2020

Xử lý nghiêm vi phạm quy hoạch xây dựng

Trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã phát triển nhiều khu đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần cải thiện chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, nhiều khu đô thị chỉ xây nhà để bán mà không xây dựng nhà trẻ, trường học…

Một trong những bài toán khó đang cần lời giải là việc cân bằng nhu cầu học tập của cư dân tại các khu đô thị. Thực tế cho thấy, rất nhiều khu đô thị, khu nhà cao tầng không có trường học. Theo kết quả giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND thành phố Hà Nội, từ năm 2016 đến hết tháng 3-2019, trên địa bàn Hà Nội có 147 dự án nhà ở thương mại, 13 dự án nhà ở xã hội; 11 dự án nhà tái định cư được đầu tư xây dựng. Trong số này rất nhiều dự án có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học, nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, chậm trễ so với tiến độ xây dựng nhà ở để bán. Điển hình là các khu đô thị: Phùng Khoang, Thành phố giao lưu, Đoàn Ngoại giao, Cổ Nhuế – Xuân Đỉnh, Cầu Bươu, Đặng Xá… Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do việc xây dựng các công trình xã hội ít thu được lợi nhuận, cho nên các chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm túc quy hoạch được phê duyệt. Thậm chí nhiều chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp, nhưng các nhà đầu tư thứ cấp tiếp tục triển khai chậm.

Theo giải thích của lãnh đạo Bộ Xây dựng, các quy định hiện hành trong hệ thống pháp luật đã có đầy đủ các chỉ tiêu, tỷ lệ đất dành cho phát triển các cơ sở giáo dục trong các đồ án quy hoạch, trong các dự án xây dựng nhà ở… nhưng thực tế triển khai lại không đồng bộ. Những quy định hiện hành về việc xử lý các chủ đầu tư cũng còn bất cập. Cụ thể, Điều 35, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị quy định: Chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội, theo tiến độ phù hợp với các công trình nhà ở, bảo đảm chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân. Trong khi đó, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý chủ đầu tư không thực hiện đúng quy hoạch. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, Chính phủ cần có chế tài buộc chủ đầu tư phải thực hiện công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu của dự án trước khi thực hiện các công trình nhà ở.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Ủy viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội, để giải quyết được tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị, bên cạnh chế tài đủ mạnh của Nhà nước đối với các chủ đầu tư, còn rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Nhà nước cần có quy định buộc chủ đầu tư phải ký quỹ vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc khoản tiền tương ứng với giá trị các hạng mục công trình công cộng trong dự án. Khoản tiền này là nguồn tài chính bảo đảm, sẽ được giải ngân khi chủ đầu tư thi công công trình công cộng trong dự án theo quy hoạch đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Đồng quan điểm nêu trên, một số chuyên gia khác cho biết thêm, phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của chính quyền, cơ quan chuyên môn đối với chủ đầu tư trong quá trình lập quy hoạch, triển khai dự án. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm chủ đầu tư cố tình không xây dựng trường học trong dự án.

Nguyên Đào/Báo Nhân dân