Xây trường chuyên cả trăm tỉ đồng rồi… rao bán
Dự án Trường THPT chuyên Trần Phú (TP.Hải Phòng) sau khi được giải ngân hơn 163 tỉ đồng xây dựng tại địa điểm mới, các cơ quan chức năng “bỗng nhiên” đề xuất bán cơ sở mới này vì vị trí không thích hợp… Quyết định khó hiểu ấy gây lãng phí bởi dự án chưa biết bán cho ai và sử dụng thế nào khi công năng của những khu nhà đã xây dựng chỉ phù hợp cho những lớp học.
Những tòa nhà hoang
Dự án Trường THPT chuyên Trần Phú được UBND TP.Hải Phòng phê duyệt cuối năm 2008, xây dựng trên diện tích 42.227,5m2, tại phường Đằng Hải (Q.Hải An) với tổng vốn đầu tư giai đoạn I 240 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2012, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học của 200 giáo viên và 2.000 học sinh. Công trình gồm các hạng mục: Nhà học, phòng thí nghiệm, nhà học đội tuyển, phòng tập thể thao, căng tin… hứa hẹn là nơi đào tạo từ tri thức đến thể lực cho học sinh một cách toàn diện.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong phần thô, từ đầu năm 2013 đến nay, dự án tạm dừng do… thiếu vốn; cùng với việc ông Bùi Văn Phú – Hiệu trưởng Trường Trần Phú – được điều chuyển sang cơ quan khác. Hiện, các tòa nhà ngang dọc liên hoàn nhau vẫn nằm “đắp chiếu”, cỏ mọc cao lút đầu người.
Tại kỳ họp HĐND TP ngày 9.12, giải trình về vấn đề này, ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng – cho biết: Công trình chậm do chủ đầu tư chưa huy động được các nguồn vốn như cam kết. Đồng thời, từ kiến nghị của giáo viên và học sinh về việc trường mới cũng ở nút giao thông có lưu lượng xe lớn, ách tắc kéo dài nên TP đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu rà soát lại dự án, đề xuất TP xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Chuyển trường vì phụ huynh kiến nghị?
Khi được hỏi ý kiến về việc chuyển đổi mục đích của dự án xây dựng Trường Trần Phú ở địa điểm nói trên, bà Đỗ Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường Trần Phú – cho biết, trường không có ý kiến chính thức về vụ việc, nhưng ý kiến phụ huynh và học sinh mong muốn được ở lại trường cũ với lý do thuận tiện cho việc đi lại. Điểm trường mới (cách trường cũ khoảng 3km), nơi có mật độ xe ôtô qua lại lớn, gây mất an toàn cho HS.
Thực tế, theo tìm hiểu, đại diện phụ huynh học sinh ký vào đơn đề nghị ở lại trường cũ có con đã tốt nghiệp ra trường – nghĩa là không còn quyền lợi liên quan. Vị này cho biết, “được các anh vận động nên tôi ký đơn thôi” (!).
Ngày 19.6.2014, UBND TP.Hải Phòng đã có công văn giao Sở KHĐT chủ trì, cùng Sở Tài chính xem xét, đề xuất báo cáo TP, nghiên cứu phương án chuyển nhượng khu vực trường đang xây dựng cho đơn vị có nhu cầu, lấy kinh phí xây dựng trường ở địa điểm đảm bảo ATGT.
Theo thông báo kết luận, ngày 27.8, của Ban Kinh tế và Ngân sách (KTNS), HĐND TP.Hải Phòng, đã có 163,95 tỉ đồng từ vốn ngân sách được giải ngân cho giai đoạn 1 của dự án. Ban KTNS đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành đề xuất TP phương án đầu tư xây dựng trường ở địa điểm hợp quy hoạch, đảm bảo ATGT…
Từ thông báo trên, ngày 9.9, UBND TP. Hải Phòng tiếp tục có công văn gửi các sở, ngành nghiên cứu các đề xuất của Ban KTNS, đề xuất, báo cáo TP.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Phú – nguyên Hiệu trưởng Trường Trần Phú – cho rằng: Trước khi dự án được phê duyệt, tất cả các yếu tố trên đã được các cơ quan chuyên môn xem xét, thẩm định; giáo viên, phụ huynh, học sinh đều đồng thuận; quy mô trường mới phù hợp với trường chuyên của TP loại I cấp QG, vị trí đẹp. Ý kiến cho rằng khu vực đó có nhiều phương tiện tham gia giao thông, thì trong quy hoạch đã nói rõ, khi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hoàn thiện, khu vực này sẽ trở thành đường nội đô. Vì vậy, yếu tố mất an toàn sẽ không còn.
Ông Dương Ngọc Tuấn – GĐ Sở KHĐT Hải Phòng – cho rằng: Khu đất xây dựng trường phù hợp cho các đơn vị kinh doanh, thương mại hơn. “Hiện tại, TP chưa có phương án cụ thể bán trường cho đơn vị nào. Nếu đơn vị nào mua thì sẽ phải hoàn trả lại số tiền chủ đầu tư đã bỏ ra xây dựng công trình” – ông Tuấn cho biết.
Theo Lao Động