11/11/2014

Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên

Xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

daklak

Một góc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 bao gồm 13 phường và 8 xã với tổng diện tích 37.718 ha.

Dự báo quy mô dân số đến năm 2015 khoảng 420.000 người, trong đó, nội thị 280.000 người, ngoại thị 140.000 người; quy mô dân số đến năm 2025, khoảng 550.000 người, trong đó, nội thị khoảng 400.000 người, ngoại thị 150.000 người.

Về định hướng phát triển TP đến năm 2025, đô thị Buôn Ma Thuột được điều chỉnh quy hoạch dựa trên cấu trúc đô thị hiện hữu đã được định hướng trong quy hoạch chung được duyệt. Điều chỉnh đô thị chủ yếu phát triển dọc theo hướng Đông Bắc và Tây Nam.

Cấu trúc đô thị gồm 2 vùng: Vùng phát triển đô thị và vùng vành đai xanh. Trong đó, vùng phát triển đô thị có tổng diện tích 10.897 ha; vùng vành đai xanh, bao quanh TP 26,821 ha.

Khu vực đô thị hiện hữu bao gồm: Khu vực đô thị lõi (khu vực thuộc các phường: Tân An, Tân Lợi, Thắng Lợi, Thành Công) và khu vực các đô thị hiện hữu khác (thuộc các phường: Tự An, Ea Tam, Thành Nhất và Khánh Xuân).

Với khu vực này, các giải pháp quy hoạch là cải tạo chỉnh trang, hạn chế phát triển mới, hạn chế việc chuyển đổi chức năng đất. Nâng cấp các công trình công cộng. Cải tạo các khu ở và hệ thống công trình hạ tầng xã hội đô thị đạt chuẩn đô thị loại I; nâng cấp và cải tạo môi trường các khu phố cũ; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trong đó ưu tiên phát triển hệ thống thoát nước và thu gom chất thải rắn.

Tổng diện tích đất xây dựng đô thị trong các khu hiện hữu khoảng 5.727 ha với dân số khống chế ở mức khoảng (68.000-70.000) người. Mật độ xây dựng trung bình khoảng 35-45%.

Còn đối với các khu đô thị đang được cải tạo và đầu tư xây dựng mở rộng, cần tập trung nâng cấp, cải tạo các khu ở hiện hữu và hoàn thiện các dự án mở rộng phát triển đô thị tại các phường: Tân An, Tân Lợi, Tân Lập, Tân Hòa, Thành Công, Thành Nhất, Tân Tiến, Tân Thành, Ea Tam. Trong đó, tập trung nâng cấp cải tạo các khu trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao… của TP, tỉnh và cấp Vung theo quy hoạch.

Đồng thời, phát triển và giữ gìn sắc thái truyền thống của các buôn làng. Khuyến khích phát triển các khu nhà vườn trong khu trung tâm TP. Tổng diện tích đất xây dựng khu vực khoảng 3.850 ha với quy mô dân số khoảng 300.000 người và mật độ xây dựng khoảng 35-45%.

Bên cạnh đó, sẽ phát triển 4 khu đô thị mới gắn với các chức năng chuyên ngành gồm: Đô thị mới phía Đông Bắc; đô thị sân bay; đô thị văn hóa – thương mại – y tế; đô thị đại học.

Đối với các chức năng khác thuộc vùng ngoại thị, sẽ hình thành trung tâm du lịch ven hồ Ea Kao với các loại hình thể dục thể thao cao cấp (sân golf) gắn với nghỉ dưỡng. Phát triển vùng du lịch sinh thái ven sông Sêrêpôk thành một vùng du lịch sinh thái mới.

Ngoài ra, hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp và các khu rừng tái tạo bao quanh thành phố với diện tích khoảng trên 20.000 ha, Tại đây ưu tiên phát triển các mô hình trang trại cây công nghiệp năng suất cao, áp dụng các công nghệ mới về nuôi trồng tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Trồng và tái tạo lại rừng các khu vực đất lâm nghiệp.

 

Theo Báo Xây dựng