Xây dựng bến xe tạm Yên Sở có trái với quy hoạch?
Đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (trong đó có bến xe Yên Sở) đang chờ HĐND TP Hà Nội thông qua. Tuy nhiên, hiện nay bến xe Yên Sở lại được tiến hành xây dựng, vậy có trái với quy định pháp luật?
Dự án bến xe tạm Yên Sở được phê duyệt tới 50 năm (Ảnh: IT)
Có phải chờ HĐND TP thông qua?
Ngày 23/5/2018, Ban cán sự Đảng của UBND TP Hà Nội đã gửi đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (đồ án) để xin ý kiến thường trực Thành ủy Hà Nội để cho ý kiến, làm cơ sở báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội xem xét thông qua.
Ban cán sự Đảng của UBND TP Hà Nội cho rằng, đồ án là loại hình quy hoạch chuyên ngành mạng lưới, theo Thông tư 05/2013 của Bộ KHĐT hướng dẫn tổ chức, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu, đồ án phải báo cáo Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội thông qua trước khi phê duyệt.
Theo đồ án này, phần a thuộc cấu phần 2 về nội dung quy hoạch nêu rõ: bến xe liên tỉnh nguyên tắc bố trí tại các trục đường hướng tâm giao với vành đai 4; từng bước thay thế toàn bộ các bến xe khách hiện có đang khai thác sử dụng nằm sâu trong nội đô…
Đồ án cũng nêu rõ: các bến xe hiện có nằm sâu trong phạm vi đô thị trung tâm tạm thời được giữ lại, tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên quy mô hiện có, cụ thể gồm 4 bến xe: Bến xe Gia Lâm, diện tích khoảng 1,45ha, dự kiến sau năm 2020 sẽ di chuyển; bến xe Mỹ Đình, diện tích khoảng 3,5 ha, dự kiến sau năm 2025 sẽ di chuyển; bến xe Giáp Bát, diện tích 3,65ha, dự kiến năm 2020 sẽ di chuyển; bến xe nước ngầm, diện tích khoảng 1,77 ha, dự kiến sau năm 2025 sẽ di chuyển.
Ngoài ra, đồ án này cũng đưa ra 7 bến xe khách được quy hoạch mới, phục vụ khu đô thị trung tâm gồm: Bến xe khách phía Bắc (Nội Bài), bến xe khách Đông Anh, Bến xe khách phía Đông Bắc (bến xe Cổ Bi), bến xe khách phía Nam, bến xe Yên Nghĩa, bến xe phía Tây Bắc.
Ngoài ra, xây dựng bến xe khách Yên Sở, tại vị trí giáp vành đai 3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, diện tích khoảng 3,2 ha trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp giữa các bến xe hiện có và quy hoạch xây dựng mới.
Rõ ràng, trong đồ án này có bến xe Yên Sở khiến cho dư luận thắc mắc liệu xây dựng bến xe Yên Sở có phải chờ HĐND TP Hà Nội thông qua dự kiến trong kỳ họp vào cuối năm 2018 hay không? Trong khi hiện nay, bến xe Yên Sở đã được chủ đầu tư triển khai xây dựng, san lấp mặt bằng, (lấp luôn cả 1 cái hồ) khiến cho nhiều người dân xung quanh khu vực xây dựng bến xe vô cùng bức xúc.
Để xây dựng bến xe tạm Yên Sở, chủ đầu tư đã lấy đi hồ Yên Sở hiền hòa và thơ mộng như thế này (Ảnh: ĐB)
Không phê duyệt xử lý thế nào?
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện chủ đầu tư Dự án bến xe Yên Sở đang tiến hành san lấp mặt bằng, đưa máy khoan vào hoạt động, quây kín xung quanh bằng tôn và có nhiều xe ô tô ra vào đổ đất. Mặc cho những người dân khu vực lân cận bến xe, đặc biệt là dân cư tại tòa nhà chung cư HATECO căng băng rôn, biểu ngữ phản đối nhưng chủ đầu tư vẫn cho tiến hành xây dựng.
Nhiều chuyên gia băn khoăn, nếu như Dự án này còn phải chờ HĐND TP Hà Nội thông qua vào cuối năm nay và trong trường hợp không được thông qua nhưng chủ đầu tư đã xây dựng rồi thì sẽ phải xử lý như thế nào?
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp Hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 thì sau năm 2030 tất cả các bến xe phải chuyển ra vành đai 4 và bến xe Yên Sở cũng phải nằm trong quy hoạch.
“Tôi không hiểu hiện có bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát thì xây dựng bến xe Yên Sở chỉ cách đó vài km làm gì. Giao thông cũng không thuận tiện, đúng ở nơi hay tắc nghẽn và khi triển khai không công khai minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi người dân, nhất là những người dân khu vực bị tác động từ dự án này”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, việc xây dựng các công trình giao thông đường bộ thì phải nằm trong quy hoạch được duyệt. Do đó, Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Giao thông vận tải phải báo cáo UBND TP Hà Nội để trình HĐND TP phê duyệt. Trước khi phê duyệt, HĐND TP Hà Nội cũng cần phải tìm hiểu thật cụ thể, nghe thông tin từ nhiều phía, cả người dân, chuyên gia trước khi thông qua quy hoạch này.
Cùng chung nhận định trên, TS. Nguyễn Trọng Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng: TP Hà Nội khi xây dựng bến xe, trong đó có bến xe Yên Sở là phải nằm trong quy hoạch và quy hoạch cũng phải hợp lý chứ không chỉ theo ý kiến chủ quan của một số người. Nếu quy hoạch chưa hợp lý và người dân, chuyên gia còn nhiều ý kiến thì có thể thay đổi quy hoạch.
“Hà Nội dù đã mở rộng nhưng không gian vẫn rất chật hẹp, thiếu công viên cây xanh, hồ nước điều hòa nhưng đáng tiếc khi người ta xây dựng bến xe Yên Sở lại lấp đi một cái hồ điều hòa tại khu vực dự án này là hoàn toàn không hợp lý”, ông Thủy nói.
Theo ông Thủy, việc quy hoạch các bến xe hiện tại sẽ chuyển dần ra vành đai 4 cũng cần phải xem lại vì khi chuyển ra ngoài trung tâm thì cư dân ở trung tâm vẫn phải di chuyển ra bến xe mỗi khi phải đi lại, sẽ tiếp tục gây tắc đường khu vực nội đô.
“Theo tôi, chỉ cần giữ nguyên các bến xe hiện có, nếu thấy chật chội thì có thể mở rộng thêm hoặc xây thêm tầng là sẽ đáp ứng đủ được nhu cầu”, ông Thủy bày tỏ quan điểm.
Ông Thủy cũng cho rằng, hiện tại Hà Nội cũng không nên vội vàng, trước mắt cần chờ HĐND TP Hà Nội thông qua quy hoạch và nắng nghe ý kiến của người dân và các cơ quan nghiên cứu độc lập trước khi triển khai.
Vậy, việc không cần HĐND TP Hà Nội thông qua thì tại sao lại phải đưa dự án bến xe Yên Sở vào Đồ án quy hoạch?
Rất nhiều người dân tiếc nuối vì hồ Yên Sở thơ mộng, có tác dụng điều hòa không khí, điều hòa thoát nước cho khu vực lân cận…nay đã bị san lấp làm bến xe tạm (Ảnh: ĐB)
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, Chuyên gia pháp lý Đặng Đình Bách –Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) cho rằng việc triển khai Dự án Bến xe Yên Sở có một số điểm trái với chủ trương quy hoạch và phát triển mà trung tâm thu thập được là: “Bến xe Yên Sở được phê duyệt là bến xe liên tỉnh tích hợp cả xe khách và xe tải đã trái với chủ trương phê duyệt chỉ là bến xe khách liên tỉnh; Tại sao khi xây dựng lại phải lấp hồ Yên Sở, tại sao không quy hoach trên diện tích đất có sẵn; còn nghi vấn trong việc chỉ định chủ đầu tư dự án… các nội dung này Trung tâm đã gửi công văn lên Văn phòng Chính phủ và hiện Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND TP Hà Nội làm rõ.
Trung tâm LPSD cũng cho rằng: Dự án bến xe Yên Sở được UBND TP Hà Nội phê duyệt khác với nội dung quy định trong Quyết định 519 ngày 31.6.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050 (thời hạn trung hạn: chỉ 5-10 năm nhưng TP Hà Nội lại cấp phép hoạt động trong thời hạn 50 năm, tích hợp bến xe khách và xe tải)…. thì cần thông qua HĐND TP Hà Nội phê duyệt.
Trao đổi với phóng viên trước đó, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT cho biết: Việc Chủ đầu tư tiến hành thi công giải phóng mặt bằng sở GTVT không có chức năng quản lý nhưng không vi phạm quy định gì vì dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Ông Viện cũng cho biết, Quy hoạch bến xe đang chờ HĐND TP Hà Nội thông qua vào kỳ họp cuối năm. Riêng dự án Bến xe Yên Sở đã hoàn thành thủ tục đầu tư được UBND TP Hà Nội phê duyệt nên chủ đầu tư có quyền triển khai giải phóng mặt bằng và xây dựng, không cần chờ HĐND TP Hà Nội thông qua.
Phi Long/Dân Việt