06/06/2016

“Xanh hóa châu Á” – Xanh từ lý luận đến thực tiễn

Tiếp nối tháng Kiến trúc, sáng 4/6, tại Heritage Space (Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã diễn ra tọa đàm liên quan đến chủ đề kiến trúc xanh cùng sự kiện ra mắt cuốn sách “Xanh hóa châu Á: Các nguyên tắc mới nổi cho Kiến trúc bền vững”, do Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam – Ashui.com phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Sự kiện thu hút đông đảo các giảng viên ngành Kiến trúc, các kiến trúc sư cùng các bạn sinh viên trên địa bàn Hà Nội.


Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam có đôi lời chia sẻ trước khi bắt đầu buổi tọa đàm.


Sự kiện đã thu hút các chuyên gia, các bạn sinh viên trên địa bàn Hà Nội.

Mở đầu chương trình là các bài trình bày về câu chuyện “Xanh hóa” trong các công trình kiến trúc Việt Nam, tạo nền tảng trao đổi trước khi ra mắt cuốn sách “Xanh hóa châu Á: Các nguyên tắc mới nổi cho Kiến trúc bền vững”. Với chủ đề “Công trình Xanh và thị trường xây dựng tại Việt Nam”, anh Vũ Hồng Phong – thuộc Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) đã chia sẻ rõ hơn về khái niệm, lợi ích cũng như đóng góp của công trình xanh mang lại, từ đó tổng hợp các dự án, công trình thiết kế kiến trúc xanh tại Việt Nam qua các giai đoạn kể từ khi công trình xanh đầu tiên ở Việt Nam được ghi nhận – trụ sở Unilever Việt Nam tại TP.HCM năm 2008.


Anh Vũ Hồng Phong chia sẻ về dự án công trình xanh tại Việt Nam giai đoạn năm 2012 – 2013.

Cũng trong buổi tọa đàm, các vấn đề “Xanh hóa Việt Nam: Liệu chúng ta có thể giúp thị trường chuyển mình dễ dàng hơn?” của chị Đỗ Ngọc Diệp – tổ chức tài chính kinh tế thuộc ngân hàng thế giới (IFC), “Cảm hứng kiến trúc bền vững từ chất liệu bản địa” của Kiến trúc sư Lê Lương Ngọc – Công ty V-architecture, “Kiến trúc xanh là Vừa đủ” của chị Trần Bình Minh – nhóm E4G lần lượt được giới thiệu và đưa ra trao đổi. Mỗi vấn đề một khía cạnh làm nổi bật lên tầm quan trọng kiến trúc xanh và làm thế nào để xanh hóa các công trình ở Việt Nam.


Kiến trúc sư Lê Lương Ngọc – Công ty V-architecture giới thiệu phần trình bày

Sau khi trình bày về thực tiễn của sự “Xanh hóa”, chương trình quay trở lại “Xanh hóa” trong lý luận bằng việc ra mắt cuốn sách “Xanh hóa châu Á: Các nguyên tắc mới nổi cho Kiến trúc bền vững” . Cuốn sách có tên tiếng anh “Greening Asia: Emerging Principles of Sustainable Architecture” do Tiến sĩ Nirmal Kishnani – nhà giáo dục, kiến trúc sư, chuyên gia về xây dựng xanh và là Tổng biên tập Tạp chí FuturArc – làm chủ biên, dựa trên phân tích hơn 30 dự án gần đây của châu Á và đúc kết 6 nguyên tắc dành cho thiết kế bền vững, lấy châu Á làm trung tâm. Cuốn sách được dịch và xuất bản tiếng Việt là kết quả hợp tác giữa Ashui.com, FuturArc / BCI Asia và Nhà xuất bản Tri thức.


Cuốn sách “Xanh hóa châu Á: Các nguyên tắc mới nổi cho Kiến trúc bền vững” bản tiếng Việt.

Cuốn sách được dành tặng cho các khách mời, nhà tài trợ đồng hợp tác xuất bản. Ngoài ra, chương trình còn dành tặng 3 cuốn sách cho 3 bạn tham gia may mắn nhất được lựa chọn theo hình thức ngẫu nhiên.


Ông Lê Việt Hà – Chủ tịch Ashui.com, chủ trì xuất bản cuốn sách “Xanh hóa châu Á” (bìa trái) – trao tặng sách cho các đối tác và 3 khách tham dự may mắn tại buổi ra mắt.

Cuối chương trình là phần giao lưu, tương tác với các diễn giả, cùng sự tham gia của TS.KTS Trần Thục Hân sơ lược tóm tắt về phát triển đô thị bền vững, lối sống bền vững và dấu chân sinh thái (ecological footprint) trong thời đại xanh hóa hiện nay.

Hải Linh Trần