07/06/2021

Xác định các tiêu chí cơ bản của kiến trúc thế kỷ 21

(KTVN 234) – Việc Việt Nam muốn quản lý hay định hướng phát triển kiến trúc là một mục tiêu khó khăn và phức tạp. Trong khi đa số các nước có nền kiến trúc tiên tiến trên thế giới thường không trực tiếp lập định hướng phát triển kiến trúc mà thường tập trung vào việc nghiên cứu, kiện toàn nền tảng cơ sở pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi cho phát triển quy hoạch kiến trúc. Bài viết nhằm xác định các tiêu chí cơ bản của kiến trúc để đặt ra những vấn đề trọng tâm cho định hướng tương lai của kiến trúc Việt Nam.

BỐI CẢNH

Trong lịch sử phát triển lâu đời ngành Kiến trúc, việc xác định các tiêu chí cơ bản của kiến trúc là hình thức sơ khai nhất của việc định hướng cho phát triển kiến trúc.

Trong tác phẩm sớm nhất viết về chủ đề kiến trúc vào đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên, KTS người La Mã Vitruvius cho rằng, kiến trúc phải đạt các tiêu chí độ bền theo thời gian, phải được thiết kế phục vụ cho mục đích sử dụng cụ thể, và phải có tính thẩm mỹ.

Đến thế kỷ 19, KTS Louis Sullivan, thầy của Frank Lloyd Wright, cho rằng hình thức của kiến trúc phải gắn liền với chức năng hoặc mục đích mà nó được xây dựng, còn các yếu tố về kết cấu và thẩm mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào chức năng.

Trong một thời gian dài, từ sau khi giành được độc lập năm 1945 cho đến nay, các nhà quản lý quy hoạch kiến trúc Việt Nam chủ trương phải thiết kế đạt 04 tiêu chí cơ bản là: Thích dụng – Bền vững – Thẩm mỹ – Kinh tế. Trong những năm chiến tranh và kinh tế khó khăn, tiêu chí thứ ba còn được chỉnh lại là “Thẩm mỹ trong điều kiện có thể”.

Năm 2002, Định hướng Phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2020 lần đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg, với nội dung bao gồm những mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triến kiến trúc, nhiệm vụ chủ yếu, và những chính sách và giải pháp lớn cần thực hiện. Tuy nhiên, vai trò chỉ đạo của văn bản này trong thực tế vẫn chưa được xác định rõ, vì đa số KTS tại Việt Nam không hề biết đến sự tồn tại của văn bản này, trong suốt quá trình 2002-2020 cùng nhau hoạt động, đóng góp cho phát triển kiến trúc Việt Nam.

Luật Kiến trúc được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 13/6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Để thực thi Luật Kiến trúc, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tổ chức triển khai Định hướng Phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Việc muốn quản lý định hướng cho việc phát triển kiến trúc cho Việt Nam là một mục tiêu khó khăn và phức tạp, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm có thể tham khảo trước đó, từ việc thực hiện Quyết định 112/2002 trong nước, hoặc từ kinh nghiệm nước ngoài.

Đa số các nước có nền kiến trúc tiên tiến trên thế giới thường không trực tiếp lập định hướng phát triển kiến trúc cho quốc gia, mà tập trung hơn vào các chương trình nghiên cứu chuyên đề và vào việc kiện toàn nền tảng các cơ sở pháp lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển quy hoạch kiến trúc.

Trong bối cảnh trên, bài viết xác định 08 tiêu chí cơ bản của kiến trúc, để làm nền tảng cho việc đề xuất, một cách có hệ thống và khoa học, những vấn đề trọng tâm cần phải được các nhà quản lý quy hoạch kiến trúc quan tâm, trong việc định hướng tương lai của kiến trúc Việt Nam.

04 TIÊU CHÍ CƠ BẢN CỦA KIẾN TRÚC (THEO TƯ DUY CŨ)

Trong thời đại toàn cầu hóa và công nghệ thông tin ngày nay, ngành Kiến trúc có những phát triển vượt bậc với yêu cầu ngày càng cao, cho nên 04 tiêu chí cơ bản của kiến trúc dưới đây, tuy vẫn còn được dạy trong trường đại học và áp dụng trong thực tiễn tại Việt Nam, dần trở nên không còn đầy đủ và phù hợp:

04 Tiêu chí Cơ bản của Kiến trúc - Theo tư duy cũ

04 Tiêu chí Cơ bản của Kiến trúc – Theo tư duy cũ

(1) Thích dụng vẫn đóng vai trò quan trọng hàng đầu, nhưng khái niệm thích dụng ngày nay không nên chỉ hạn hẹp theo tư duy chủ nghĩa công năng như cách nghĩ cũ.

(2) Bền vững thường được hiểu theo nghĩa là bền lâu (Durability), nhưng ngày nay tính bền lâu của công trình không được xem trọng bằng tính bền vững – thân thiện với môi trường (Sustainability). Ví dụ, việc sử dụng các vật liệu không có tuổi thọ cao (như giấy, mây tre, đất, …) vẫn có thể tạo nên các kiến trúc có giá trị, nhưng khi hết niên hạn sử dụng, sẽ không tạo rác thải gây tác động xấu đến môi trường sinh thái.

(3) Thẩm mỹ (Aesthetic) là một khái niệm trừu tượng, có thể tranh luận từ nhiều góc nhìn với quan niệm khác nhau, và có thể thay đổi theo thời gian. Ví dụ, cái đẹp của tỷ lệ vàng và kiến trúc cổ điển Hy La ngày nay không còn là tiêu chuẩn hàng đầu nữa.

(4) Kinh tế lúc trước thường được hiểu theo nghĩa tiết kiệm kinh phí (Economy/Saving). Nhưng trên thực tế khi đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng ngày nay, không phải công trình ít tốn kém luôn luôn là tốt nhất.

08 TIÊU CHÍ CƠ BẢN CỦA KIẾN TRÚC TRONG THẾ KỶ 21 (THEO TƯ DUY MỚI)

Bước sang thế kỷ 21, thời đại của công nghệ số và toàn cầu hóa, ngành Kiến trúc trên thế giới phát triển mạnh về chiều rộng lẫn chiều sâu, liên kết chặt chẽ hơn với nhiều ngành khác. Trong quá trình đó, kiến trúc ngày nay thường được đánh giá qua 08 tiêu chí kiến trúc sau:

(1) Thích dụng

Tính “Thích dụng” (Functionality) nên được hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm:

• Hình thức và nội dung phù hợp với mục tiêu đa dạng của nhiệm vụ thiết kế, trong đó khái niệm “chức năng sử dụng” cần được hiểu theo nghĩa rộng;
• Tính hợp lý và khoa học của tổ chức không gian và giao thông kết nối.

Tính “Thích dụng” có thể được đánh giá thông qua việc:
• Đáp ứng với điều kiện tự nhiên (vị trí, địa hình, khí hậu,…);
• Đáp ứng nhu cầu người sử dụng, thông qua các nhiệm vụ thiết kế cụ thể;
• Đáp ứng nhu cầu linh hoạt trong sử dụng, thông qua các kịch bản tình huống sử dụng.

(2) Bền vững

Tiêu chí “Bền vững” không nên hiểu theo quan niệm cũ là Độ bền lâu của công trình (Durability), mà nên hiểu là sự bền vững về môi trường (Sustainability).

Tính “Bền vững” có thể được đánh giá thông qua việc:
• Sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường;
• Tạo ra các không gian nội ngoại thất thân thiện với môi trường;
• Phát triển chương trình kiến trúc bền vững (ví dụ Chương trình nghị sự 21);
• Phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu;
• Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và đất đai;
• Góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

08 Tiêu chí Cơ bản của Kiến trúc trong thế kỷ 21 - Theo tư duy mới

08 Tiêu chí Cơ bản của Kiến trúc trong thế kỷ 21 – Theo tư duy mới

(3) Bản sắc

Tiêu chí “Bản Sắc” (Identity) được chọn thay cho tiêu chí “Thẩm mỹ” (Aesthetic), vì yếu tố thẩm mỹ đã được bao hàm trong khái niệm về “Bản sắc”, nhưng bản sắc còn mang thêm ý nghĩa văn hóa, lịch sử, giá trị cộng đồng.

Tính “Bản Sắc” có thể được đánh giá thông qua việc:
• Giữ gìn, bảo tồn, và phát huy các giá trị di sản vật thể & phi vật thể;
• Đáp ứng những yêu cầu đặc thù của địa phương như phong tục, tập quán, hoặc văn hóa tâm linh;
• Thể hiện sự tiếp nối, kế thừa, hoặc cảm hứng sáng tạo mới từ các giá trị lịch sử, truyền thống, dân tộc, văn hóa địa phương.

08 Tiêu chí Cơ bản của Kiến trúc trong thế kỷ 21 - Theo tư duy mới

08 Tiêu chí Cơ bản của Kiến trúc trong thế kỷ 21 – Theo tư duy mới

(4) Hiệu quả

Tiêu chí “Hiệu quả” (Efficiency) được chọn thay cho tiêu chí “Kinh tế” (Economy/Saving), bởi vì tính hiệu quả thường bao hàm tính kinh tế, nhưng ngược lại thì không phải luôn luôn đúng. Tiêu chí “Hiệu quả” được đo lường qua khả năng giảm thiểu việc lãng phí vật liệu, năng lượng, tiền bạc, không gian, và thời gian, trong khi vẫn đảm bảo công trình cung cấp tốt nhất các không gian và tiện ích theo mong muốn.

Tính “Hiệu quả” có thể được đánh giá thông qua việc
• Tiết kiệm công sức và chi phí xây dựng công trình;
• Tiết kiệm công sức và chi phí vận hành công trình;
• Ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến để tăng hiệu quả trong quản lý thiết kế – xây dựng, và trong quản lý sử dụng – bảo trì.

(5) An toàn

“An toàn” (Safety) là một tiêu chí quan trọng của kiến trúc, thể hiện trách nhiệm của KTS trong việc đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người sử dụng trong mọi tình huống.

Tính “An toàn” có thể được đánh giá thông qua việc:
• Thiết kế phòng hỏa và thoát người;
• Thiết kế an toàn cho mọi đối tượng sử dụng, đặc biệt quan tâm đến người già, trẻ em, và người tàn tật;
• Thiết kế ứng phó với nguy cơ có thể xảy ra (thiên tai, động đất, ngập lụt,…);
• Thiết kế đảm bảo cách ly nhằm bảo vệ con người trong các tình huống dịch bệnh.

(6) Đương đại

Tiêu chí “Đương đại” (Contemporary) thể hiện sự cần thiết của kiến trúc phải thể hiện được tính thời đại của tác phẩm kiến trúc, trong đó thiết kế ứng dụng các tiến bộ về tư duy, về vật liệu xây dựng và kỹ thuật xây dựng, và tiến bộ công nghệ,… Như vậy, bên cạnh việc bảo tồn các di sản quy hoạch kiến trúc của các thời đại trước, các KTS có nhiệm vụ sáng tạo ra các tác phẩm mang tính đại diện cho thời đại của mình, để trở thành các di sản quy hoạch kiến trúc trong tương lai.

Tính “Đương đại” có thể được đánh giá thông qua việc:
• Ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới, kỹ thuật xây dựng mới;
• Ứng dụng công nghệ số (ví dụ như BIM – Building Information Modeling) trong thiết kế và thi công;
• Xây dựng Cơ sở dữ liệu kiến trúc quốc gia và thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia;
• Đề xuất các quan niệm thiết kế với tư duy mới mang tính đột phá, chưa có tiền lệ.

(7) Pháp lý

“Pháp lý” (Legality) là một tiêu chí quan trọng của kiến trúc ngày nay. Việc tìm hiểu sự khác nhau của hệ thống pháp lý làm cơ sở cho việc lập quy hoạch và thiết kế xây dựng, mức độ tuân thủ pháp luật trong quá trình thực hiện tại một nước, giúp chúng ta hiểu được sâu hơn trình độ phát triển quy hoạch kiến trúc của nước đó và những tác động pháp lý đến các giải pháp kiến trúc.

Sự khác nhau về thể chế chính trị và cơ cấu tổ chức của các quốc gia thường dẫn đến sự khác nhau về nền tảng pháp lý trong việc ứng xử đối với các tiêu chí kiến trúc. Các nhà quản lý đô thị của cấp chính quyền trung ương và cấp chính quyền địa phương có thể tạo tác động trực tiếp, ảnh hưởng rất lớn đến định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc của địa phương, thông qua các luật lệ, nghị định, thông tư, và văn bản hướng dẫn.
Tính “Pháp lý” có thể được đánh giá thông qua tính rõ ràng, hiệu quả, bao quát các vấn đề, quy định và hướng dẫn cụ thể trong các bộ luật và các văn bản dưới luật có liên quan đến kiến trúc như:
• Luật Quy hoạch;
• Luật Xây dựng;
• Luật Kiến trúc;
• Luật Di sản Văn hóa;
• Luật về quy hoạch kiến trúc bền vững (Ví dụ quy định về việc ứng dụng các tiêu chuẩn xanh LOTUS, LEED, EDGE,… trong tiêu chuẩn xây dựng);
• Luật về việc tiêu chuẩn hóa công nghệ số trong quy hoạch (GIS. ArcInfo,…) và xây dựng (BIM, Revit…);
• Tiêu chuẩn đào tạo KTS tại Đại học (các cấp cử nhân, thạc sĩ, tiến sỉ);
• Tiêu chuẩn cho việc quản lý hành nghề.

Công trình nhà hiệu bộ của Đại học FPT cơ sở Hòa Lạc là một trong những ví dụ về sáng tạo những giải pháp kiến trúc mới lạ

Công trình nhà hiệu bộ của Đại học FPT cơ sở Hòa Lạc là một trong những ví dụ về sáng tạo những giải pháp kiến trúc mới lạ

(8) Sáng tạo

“Sáng tạo” (Creativity) là một tiêu chí không thể thiếu của kiến trúc, cần được nhấn mạnh song song với tiêu chí “Pháp lý”, để lưu ý việc tránh sự đóng khung cứng nhắc có thể tạo nên nguy cơ kìm hãm sự sáng tạo của KTS.

Tính “Sáng tạo” có thể được đánh giá thông qua việc:
• Sáng tạo và tư duy kiến trúc mới;
• Sử dụng vật liệu và kỹ thuật truyền thống theo tư duy mới sáng tạo;
• Tôn trọng và bảo vệ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ;

• Nghiên cứu và hợp tác với các chuyên gia đa ngành để phát triển các lĩnh vực thiết kế chuyên sâu gắn kết chặt chẽ với kiến trúc. Ví dụ: quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, kiến trúc nội thất, kiến trúc bền vững, kiến trúc số (digital architecture) ứng dụng trong phim ảnh, kiến trúc tàu hành khách (cruise ship) và phi thuyền,…

NHẬN ĐỊNH CHUNG TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC VIỆT NAM HIỆN NAY

Trước khi có thể định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam cho vài thập niên tới, cần có sự nhận định đánh giá lại hoạt động kiến trúc trên toàn quốc, trên cơ sở 08 tiêu chí cơ bản kiến trúc nói trên:

(1) Thích dụng

Trong nền kinh tế thị trường, kiến trúc Việt Nam hiện nay phát triển khá đa dạng về thể loại và về giải pháp thiết kế. Tuy nhiên, đa số công trình trọng điểm quốc gia (như Nhà Quốc hội, Trung tâm hội nghị quốc gia, Bảo tàng quốc gia, tòa nhà cao nhất Đông Nam Á Landmark 81, …) đều được giao cho chuyên gia nước ngoài.

Thử thách sắp tới là cần nâng cao trình độ và tạo điều kiện cho KTS trong nước thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia.

(2) Bền vững

Tính “Bền vững” là một tiêu chí cần được đặc biệt quan tâm trong tình hình ngày càng gia tăng các kiến trúc không bền vững:
• Xu hướng xây dựng nhiều cao ốc bọc kính phản quang, vừa lãng phí chi phí điện năng, vừa gây tác hại đến môi trường xung quanh (tại Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội).
• Xu hướng hình thành các bức tường cao ốc ven biển và ven sông chắn gió và tầm nhìn của khu vực bên trong (tại TPHCM, Nha Trang).

Việc TPHCM chấp thuận chủ trương bảo tồn nguyên trạng Dinh Thượng Thơ trong dự án chỉnh trang trụ sở UBND TPHCM là một thành công quan trọng của việc giữ gìn bản sắc kiến trúc đô thị, trong bối cảnh Luật Di sản Văn hóa còn nhiều thiếu sót trong việc tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc hơn cho công tác bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc

Việc TPHCM chấp thuận chủ trương bảo tồn nguyên trạng Dinh Thượng Thơ trong dự án chỉnh trang trụ sở UBND TPHCM là một thành công quan trọng của việc giữ gìn bản sắc kiến trúc đô thị, trong bối cảnh Luật Di sản Văn hóa còn nhiều thiếu sót trong việc tạo ra nền tảng pháp lý vững chắc hơn cho công tác bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc

(3) Bản sắc

Tính “Bản sắc” cần được đặc biệt quan tâm trong tình hình gia tăng xu hướng phát triển mới trên nền phá bỏ hoặc xâm hại di sản quy hoạch kiến trúc và di sản thiên nhiên như:

• Các dự án phá bỏ công trình di sản để xây cao ốc (tại Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt, Nha Trang…);
• Nhiều công trình xây mới hoặc dự án có thể gây tác hại tiêu cực đến di sản thiên nhiên (Đà Nẵng, Hạ Long…);
• Nhiều công trình di tích bị trùng tu sai theo hướng làm mới (tại Hà Nội, Ninh Bình,…);
• Số lượng công trình di sản bị phá bỏ hoặc bị cải tạo sai cách đang gia tăng mạnh trên toàn quốc, nhưng lại thiếu cơ sở pháp lý để được bảo vệ. Luật Di sản Văn hóa chỉ giao cho Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quản lý, thiếu sự tham gia của Bộ Xây dựng, cho nên chỉ chú trọng bảo tồn nguyên trạng di tích, trong khi phần lớn công trình di sản không phải là di tích lại không được đưa vào danh sách, và cũng không có hướng dẫn chi tiết về giải pháp cải tạo chỉnh trang công trình di sản, do hạn chế của luật.

(4) Hiệu quả

Việt Nam đang ngày càng gia tăng số lượng công trình với hiệu quả cao, chất lượng quốc tế, có ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến để tăng hiệu quả trong quản lý thiết kế – xây dựng, và trong quản lý sử dụng – bảo trì.

(5) An toàn

Tiêu chí “An toàn” cần được đặc biệt quan tâm trong bối cảnh:

• Nhiều người chết khi công trình bị cháy do thiết kế hoặc quản lý sai về PCCC (tại Hà Nội, TPHCM);
• Nhiều công trình cao ốc không đạt chỉ tiêu PCCC và thoát người khi có sự cố (tại Hà Nội, TPHCM);
• Tình trạng thiết kế hoặc tổ chức hoạt động thiếu an toàn cho người dân các khu chung cư cao tầng trên toàn quốc, dẫn đến tình trạng cháy nổ, ngập tầng hầm, trẻ em rơi khỏi ban công, người bị điện giật,… ngày càng gia tăng.

(6) Đương đại

Nhờ có chính sách đổi mới, từ đầu những năm 1990 cho đến nay, hoạt động nghề nghiệp tại Việt Nam đã và đang được đổi mới theo hướng và hội nhập quốc tế, đặc biệt là về:
• Liên kết hợp tác đào tạo KTS và hành nghề trong khối .
• Hợp tác quốc tế trong việc ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới, kỹ thuật xây dựng mới để xây dựng các thể loại kiến trúc mới như dự án metro, phức hợp công trình đa chức năng, quần thể resort, nhà chọc trời,… tại các đô thị Việt Nam.

Thử thách lớn nhất hiện nay là việc tạo ra được những công trình mang tính đột phá, do người Việt thiết kế, đại diện cho thành tựu kiến trúc của Việt Nam – đóng góp cho sự phát triển nền kiến trúc thế giới trong thế kỷ 21.

(7) Pháp lý

“Pháp lý” là yếu tố cần được đặc biệt quan tâm trong tình hình:
• Nền tảng pháp lý cho Kiến trúc – Quy hoạch – Xây dựng – Bảo tồn di sản vẫn còn nhiều thiếu sót, nên không xử lý được hết các tình huống phát sinh, trong khi tình trạng không tuân thủ luật pháp ngày càng gia tăng ngoài tầm kiểm soát;

• Công trình xây dựng không phép hoặc sai phép không bị xử lý đã và đang gia tăng mạnh trên toàn quốc,…

(8) Sáng tạo

Có thể nói, với chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế, phát triển đô thị theo kinh tế thị trường, KTS ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi (thông tin, hợp tác quốc tế, hợp tác đa ngành,…) cho việc sáng tạo các công trình.

NHỮNG VẤN ĐỀ CHIẾN LƯỢC TRONG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050

Từ thực trạng nói trên, việc lập Định hướng Phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cần:

(1) Thể hiện được trọn vẹn những vấn đề cần phải được quan tâm trong quá trình phát triển Kiến trúc Việt Nam trong tương lai (thông qua 08 tiêu chí), trong đó cần lưu ý đáp ứng sự linh hoạt trong việc quản lý phát triển kiến trúc những định hướng theo giải pháp cứng (quản lý bằng luật) hoặc theo giải pháp mềm (quản lý bằng việc vinh danh khuyến khích những tác phẩm có giá trị giúp tạo xu hướng phát triển theo hướng tích cực & đầu tư cho các chương trình nghiên cứu – ứng dụng);

(2) Đặt trọng tâm hàng đầu vào việc giải quyết các lĩnh vực còn yếu kém và thiếu sót trong quá trình nhanh chóng kiện toàn hệ thống cơ sở pháp lý, bao gồm luật lệ, thông tư, nghị định, văn bản hướng dẫn,… theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kiến trúc Việt Nam;

(3) Tập trung ưu tiên đề ra các biện pháp giải quyết, đi kèm với các chương trình kế hoạch hành động cụ thể, cho các lĩnh vực yếu kém nhất (liên quan đến các tiêu chí: Bền vững, Bản sắc, An toàn), đang gây nguy cơ cao nhất cho việc bảo tồn và phát triển kiến trúc nước nhà hiện nay.

(4) Quyết định về Định hướng Phát triển Kiến trúc cho các thập niên tới phải đi kèm với phụ lục chi tiết, bao gồm các chương trình hành động cụ thể và chi tiết, có thể chia theo kế hoạch phân kỳ các giai đoạn 05 năm, kèm yêu cầu đánh giá kết quả thực hiện vào cuối phân kỳ;

(5) Phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan trung ương và địa phương (Bộ Xây dựng, UBND tỉnh, thành phố và các Sở xây dựng) trong việc thực hiện các chương trình hành động nói trên;

(6) Tạo điều kiện cho sự tham gia tích cực của cộng đồng KTS trong nước (thông qua các hội chuyên ngành như Hội KTS Việt Nam và Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam), để phối hợp với các cơ quan chức năng trong mọi chương trình hoạt động đã vạch ra theo định hướng phát triển./.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn