Theo các nghiên cứu khoa học được công bố gần đây, chất lượng không khí trong nhà ô nhiễm hơn rất nhiều so với không khí bên ngoài. Chính vì thế, khi làm việc với chủ nhà, các kiến trúc sư đã nghiên cứu rất nhiều về ý tưởng một công trình có thể thở được 24/24. Qua quá trình làm việc, Wall house dần được định hình: Một ngôi nhà hình thành từ tám khối không gian riêng được bao bọc bởi các bức tường thông thường. Tám khối này nằm xen kẽ và giao với một khối không gian chung, khối này được hình thành từ các bức tường thở. Tường thở bao gồm 2 yếu tố:
- Hệ tường hở là lớp áo thứ nhất ngăn tác động xấu của môi trường ngoài nhưng vẫn cho không khí tươi mới và ánh sáng vào trong nhà. Gạch lỗ được xếp ngược hướng với phương pháp xây thông thường. Với cách sắp xếp như vậy, các lỗ gạch tạo ra các miệng gió hút không khí, cho gió cùng ánh sáng vào công trình.
- Khoảng sân vườn cây xanh là lớp áo thứ hai ngăn tác động xấu của môi trường ngoài vào không gian sinh hoạt bên trong.
Cây xanh sân vườn và bức tường gạch là hai lớp áo giúp làm mát ngôi nhà
Hai lớp áo này bảo vệ công trình tương đương một bức tường kín nhưng vẫn đảm bảo cho không khí và ánh sáng lưu thông.
Nằm một trong những mảnh vườn còn sót lại trong thành phố Biên Hòa, nằm cạnh sông Đồng Nai, Wall house cần một không gian có đủ dưỡng khí 24/24. Hơn thế với một bối cảnh như vậy, kiến trúc sư đã cân nhắc về vị trí công trình để giữ lại gần như nguyên vẹn khu vườn. Công trình được xây dựng về một góc vườn để giảm tác động lên hệ thống cây xanh hiện hữu cũng như giữ cảnh quan ven sông.
Bức tường xếp gạch ddan xem mang lại hơi thở cho ngôi nhà
Các mảng tường thở và các khoảng giếng trời xen kẽ giúp các khối phòng tăng ánh sáng, không khí lưu thông, trao đổi liên tục, kết hợp cây xanh làm dịu mát môi trường sống. Nhờ vậy, không khí trong nhà luôn mát mẻ và ánh sáng chan hòa. Hầu như ngôi nhà không cần sử dụng quạt máy, điều hòa và đèn điện chiếu sáng ban ngày.
Khoảng xanh kết nối các thành viên trong gia đình
Không khí trong nhà luôn được trao đổi liên tục 24/24, đảm bảo không khí trong nhà luôn tươi mới, ánh sáng như tự nhiên ngoài nhà, tạo ra một môi trường sống trong lành. Trong nhà, các không gian mở, sinh hoạt chung ở những vị trí trung tâm, đồng thời kết nối được các không gian riêng theo phương dọc và ngang giúp tăng sự kết nối các thành viên gia đình.
Mối liên kết giao hòa giữa trong và ngoài
Với tính năng và sự ngẫu nhiên về màu sắc, gạch cháy-sản phẩm lỗi trong quá trình sản xuất một lần nữa sống lại dưới một hình hài mới, hài hòa và thân thiện hơn với môi trường. Khi ranh giới giữa đặc và rỗng, giữa bên trong và bên ngoài bị xóa nhòa, một không gian sống mới được tạo thành. Ở đó, con người được sống gần gũi với tự nhiên hơn.
Sảnh cầu thang thoáng sáng
Các không gian trong nhà đều được tiếp xúc với thiên nhiên, cảm giác sống ở một không gian vườn trong vườn, ở bên trong nhưng vẫn kết nối được vườn quanh nhà giúp các thành viên cảm giác gần gũi, gắn bó hơn với mảnh đất ngôi nhà.
Ngôi nhà vẫn duy trì được nếp sống cũ của các thành viên trong gia đình nhưng tạo ra được nhiều không gian chung hơn, giúp mọi người dễ dàng nhìn thấy nhau hơn, tăng sự tương tác và kết nối.
Không gian học chung ở tầng trên hướng ra thông tầng, kết nồi với “khu vườn” bên dưới, nơi ông nằm võng, bà loay hoay trong bếp, mấy đứa nhỏ xem tivi. Tất cả các sinh hoạt hằng ngày được diễn ra bên dưới tán cây.
Tên công trình: Wall house
Địa điểm : Biên Hòa, Đồng Nai
Diện tích khu đất : 1013.4 m2
Diện tích tầng trệt : 207.7 m2
Thiết kế : KTS.Bùi Thế Long – CTA | Creative Architects
Năm hoàn thành : 2018
Photo : Hiroyuki Oki
Thế Long