Sống ở tầng ba một chung cư cũ, xây dựng từ năm 2006 tại quận Tân Phú, TP HCM, chị Đông trồng rau đã được hơn 10 năm – khi con gái mới chào đời và nuôi gà được 1 năm. Khi mua nhà, chị Đông cảm thấy rất tâm đắc với thiết kết của chung cư là có hai mặt ban công, mỗi ban công đều xây sẵn một bồn đất hình chữ nhật rộng khoảng 50cm, sâu 70cm, dài 3m để chủ nhà có thể đổ đất vào trồng cây rất tiện. Tính ra, diện tích bề mặt vườn của cả hai ban công nhà chị chỉ khoảng 3m2.
Vì quỹ đất ít ỏi, chị chỉ trồng những cây dễ sống, trồng cây loại này sát giống kia, chị hay gọi vui là vườn rau thập cẩm. Chị mua rất nhiều giống cây, trồng giống này không hợp thì trồng giống khác.
Ban công phía bên trái nhà có nhiều nắng được trồng các loại cây ưa nắng, trong đó mồng tơi và bầu được trồng chung và leo chung một giàn. Tận dụng những chỗ đất trống, chị trồng thêm rau muống, rau cải, hành tăm…
Ban công phía bên phải nhà ít nắng và là nơi các thành viên trong gia đình hay đi ra ngắm cảnh dưới đường, chị trồng một cây sử quân tử. Những ngày hoa nở, hương thơm thoang thoảng dễ chịu. Loài cây này có sâu, chị phải thường xuyên soi những lá nào đang bị sâu bám để hái vứt đi, đồng thời tỉa bớt nhánh không cho mọc um tùm quá. Chị cũng trồng mướp đắng, sả, rau thơm, lá lốt, cây lược ngà, trinh nữ hoàng cung ở đây.
Đất trong vườn nhà là loại đất xơ dừa, phân bò khô viên nhỏ, được mua từ những cửa hàng bán cây cảnh về đổ vào. Chị không bón phân hóa học, để cây lớn tự nhiên. Thỉnh thoảng chị xới đất xung quanh cây lên cho tơi xốp, khoảng 2-3 tháng thì mua đất mới thêm vào. Mỗi ngày chị thường dành 10 phút sáng và 10 phút chiều để tưới nước cho cây.
Chị Đông cho biết, cả mình, ông xã và con gái đều thích trồng cây, nhà lại có sẵn bồn đất. Với gia đình chị, trồng cây chính là thú vui, giảm stress rất nhiều. Lý do nữa là do lo ngại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Vườn rau nhà chị đáp ứng được 50% nhu cầu, chị vẫn phải mua thêm. Đôi khi, các loại rau nhà trồng được ít quá, chị gom mỗi loại một ít nấu thành một nồi rau thập cẩm. Chị cũng muốn tạo cho cô con gái một không gian để con tập quan sát, thấy được sự sinh trưởng, lớn lên của cây cối.
Trong quá trình làm vườn, chị Đông có nhiều kỷ niệm vừa trồng vừa học rất vui. Gần đây, chị mới trồng thêm bầu. Ban đầu bầu ra trái nhiều, chị chưa kịp mừng thì chỉ sau vài ngày bầu bị đen hư hết. Sau đó, nhờ khách đến chơi nhà bày cách dùng tăm bông thụ phấn, chị đã thu hoạch được. Mướp cũng phải thụ phấn nhân tạo như vậy thì mới sai quả. Vì ở chung cư, không có đủ gió, bướm, ong để thụ phấn theo cách tự nhiên.
Ngoài vườn cây, chị Đông còn nuôi thêm gà để chiều con gái, vì không thể nuôi được mèo hoặc chó. Chị xin cặp gà, về ngăn ban công ra một góc làm chuồng nuôi. Hai con gà lớn lên, đến thời kỳ “cặp kê” thì con gà trống bị sổng chuồng bay mất, chỉ còn lại con gà mái.
Ngày con gà đẻ quả trứng đầu tiên, con gái chị vô cùng vui sướng. Sau đó, gà liên tục đẻ trong 3 tháng, tổng cộng được khoảng 70 quả.
Sang lứa 2, chị lại mua 2 con gà con về nuôi. Gà lúc nhỏ được cho ăn cám vo viên, lớn chút thì cho ăn lúa, chêm thêm rau muống, xà lách. Thỉnh thoảng, sợ gà thiếu canxi, chị bổ sung mấy con ốc nho nhỏ, hoặc vỏ tôm bằm nhỏ.
Gà chỉ ở quanh quẩn trong chuồng, nhưng vẫn có chỗ rượt đuổi nhau. Chị cũng bắc thêm vài thanh cây bên trên cho gà nhảy lên nhảy xuống vận động cơ thể.
Ban đầu nuôi gà, chị cũng sợ hôi, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. May mắn, do ban công hứng nắng rất nhiều nên phân gà thải ra là khô ngay. Chị Đông cho rằng, ở chung cư nếu muốn nuôi 1-2 con gà cho vui thì tiêu chí đầu tiên phải là nuôi ở hướng có nắng nhiều để khô phân nhanh, khi đó sẽ không gây mùi. Thỉnh thoảng, nhớ dọn đất có phân gà đã khô bón cho cây, cũng rất tốt cho cây.
Hoàng Anh – Ảnh: NVCC