09/03/2016

Vùng Thủ đô có diện mạo như thế nào?

Vùng Thủ đô Hà Nội được xác định sẽ trở thành vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, phát triển năng động, chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi và bền vững.


Cụ thể, không gian vùng được xác định phát triển theo 6 định hướng. Thứ nhất, phát triển thành vùng có tầm quan trọng quốc gia, là đô thị hạt nhân – trung tâm chính trị, văn hóa – lịch sử, khoa học, giáo dục – đào tạo và du lịch lớn của cả nước. Thứ hai, vùng phát triển năng động, có nền kinh tế thịnh vượng và đổi mới. Thứ ba, vùng có chất lượng đô thị và nông thôn cao, môi trường sống tốt cho cộng đồng. Thứ tư, vùng có hệ thống giao thông thuận lợi và kết nối tốt. Thứ năm, vùng có môi trường cảnh quan chất lượng cao, hòa vào thiên nhiên Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc. Thứ sáu, vùng sáng tạo và đặc thù, có đặc trưng riêng và giàu bản sắc.

Trong vùng, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh là 3 địa phương có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao. Hà Nội có vị thế là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của Quốc gia; trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Phát huy vai trò đầu tầu, đầu mối trong quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế – xã hội, Hà Nội sẽ tập trung hình thành các trung tâm thương mại, tài chính lớn của quốc gia, các khu nghiên cứu, đào tạo công nghệ cao, trung tâm văn hóa – lịch sử lớn. Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội khoảng từ 65 – 70%.

Vĩnh Phúc sẽ phát triển kinh tế tổng hợp về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái gắn với các đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Bắc và cả nước. Vĩnh Phúc sẽ tăng cường phát triển các chức năng về thương mại, trung chuyển hàng hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, y tế, đào tạo chất lượng cao. Bắc Ninh phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, du lịch văn hóa, công nghiệp, tập trung vào kinh tế tri thức, trung tâm y tế – nghỉ dưỡng của vùng…

Các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam thuộc Đông Nam Đồng bằng sông Hồng, phát huy lợi thế tiếp cận cửa ngõ và hệ thống đô thị hướng biển (qua hành lang Hà Nội – Phố Nối – Hải Dương – Hải Phòng), tam giác kinh tế phía Nam Hà Nội (Hưng Yên – Đồng Văn – Phủ Lý) và vùng nông nghiệp phía Nam của vùng sẽ phát triển các dịch vụ công nghiệp – đô thị, kết nối trung tâm vùng Thủ đô Hà Nội với cửa ngõ kinh tế biển; phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, logistics, trung tâm thương mại, y tế, đào tạo, thể dục thể thao, chế biến nông phẩm cấp vùng.

Các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang là các tỉnh trung du miền núi, cửa ngõ chuyển tiếp giữa vùng Thủ đô Hà Nội với vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Trong đó, Hòa Bình đóng vai trò là vùng sinh thái, bảo vệ môi trường, đảm nhận chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp Quốc gia và liên vùng, bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể… Phú Thọ phát triển các vùng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, dịch vụ thương mại cửa ngõ phía Tây Bắc của vùng… Thái Nguyên phát triển các chức năng về y tế, giáo dục đào tạo chất lượng cao, du lịch, công nghiệp công nghệ cao… Bắc Giang là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận – trung chuyển hàng hóa của vùng, sản xuất các sản phẩm nông lâm chất lượng cao…

Hiện nay, vùng Thủ đô đang phát triển theo mô hình cấu trúc đa cực tập trung. Đến năm 2050, vùng Thủ đô sẽ là vùng đô thị lớn – đa cực tích hợp với trên 190 đô thị. Tại các tỉnh vùng đồng bằng, hệ thống đô thị sẽ được khai thác, chia sẻ và liên kết các chức năng lợi thế riêng của từng đô thị. Các đô thị được tập trung nâng cao chất lượng. Cấu trúc đô thị hài hòa cảnh quan tự nhiên. Các tỉnh này sẽ ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh nông, lâm nghiệp; chú trọng sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế phát triển theo mô hình đô thị lan tỏa; hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại và các công trình hạ tầng cấp vùng.

Tại các tỉnh có địa hình miền núi, Trung du khuyến khích phát triển hệ thống đô thị vừa và nhỏ, là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các vùng sâu, vùng xa. Hệ thống hạ tầng được đầu tư tập trung nhằm gắn kết chặt chẽ, thuận lợi giữa đô thị trung tâm với các đô thị trong tỉnh, liên tỉnh, làm cơ sở phát triển các vùng nông, lâm nghiệp.

Đồ án QHXD vùng Thủ đô nhấn mạnh việc tập trung phát triển các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong vùng, trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác có hiệu quả hệ thống đường vành đai (4 và 5), các trục, hành lang kinh tế (Lào Cai – Hà Nội – Quảng Ninh; Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Lạng Sơn – Bắc Giang – Hà Nội; Hà Nội – Thái Nguyên).

Đồ án điều chỉnh QHXD vùng Thủ đô cũng xác định một số dự án ưu tiên đầu tư xây dựng như các tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, Hòa Lạc – Hà Nội – Vĩnh Phúc; đường vành đai 4 và 5, đường sắt nội vùng, đường sắt quốc gia; nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài; các dự án thủy lợi, phòng chống lũ liên tỉnh; xây mới và nâng cấp các nhà máy nước liên tỉnh; mở rộng khu xử lý chất thải Nam Sơn; xây dựng nghĩa trang quốc gia.

Về hạ tầng xã hội, vùng sẽ trọng tâm đầu tư các trung tâm y tế, giáo dục và đào tạo cấp vùng tại Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Phú Thọ, Thái Nguyên…, nhằm giảm sức ép cho Hà Nội và chia sẻ cơ hội cho các tỉnh trong vùng.

Về thương mại – dịch vụ, khoa học công nghệ, du lịch, văn hóa – thể dục thể thao, đồ án ưu tiên phát triển các dự án gắn với các tuyến cao tốc, hành lang kinh tế, vành đai như trục Nhât Tân – Nội Bài, hành lang kinh tế xuyên Á (Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng).

Quý Anh/Báo Xây dựng