04/07/2018

Vốn FDI đổ bộ vào địa ốc Hà Nội và TPHCM

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD, chiếm 27,25% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Sôi động với dự án lớn

Trong tháng 6/2018, Công ty Bất động sản Nomura Real Estate (Nhật Bản) đã công bố mua 24% cổ phần Dự án cao ốc Sun Wah Tower ngay trung tâm quận 1, TPHCM. Giá trị của thương vụ được bảo mật, nhưng theo giới phân tích, thương vụ này sẽ có số tiền chuyển nhượng rất lớn, vì thị trường bất động sản khu Nguyễn Huệ đang có giá giao dịch cao nhất TPHCM hiện nay.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) đang là “thỏi nam châm” hút dòng vốn FDI vào bất động sản. Ảnh: Gia Huy
Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TPHCM) đang là “thỏi nam châm” hút dòng vốn FDI vào bất động sản. Ảnh: Gia Huy

Trước đó, đầu tháng 5/2018, UBND TP Hà Nội đã nhận được hồ sơ đề nghị thực hiện dự án đầu tư thành phố thông minh của các nhà đầu tư Việt Nam và nhà đầu tư Nhật Bản là Sumitomo Corporation. Dự án có quy mô 271,82 ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 94.348 tỷ đồng (tương đương 4,138 tỷ USD). Trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là 14.260 tỷ đồng (625,4 triệu USD), riêng Sumitomo góp 50%.

Cũng trong tháng 5, thị trường bất động sản tiếp tục đón nhận dòng vốn FDI tại các dự án Lotte Mall Hà Nội, tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư; Laguna Lăng Cô của nhà đầu tư Singapore tại Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD…

Cuối tháng 4/2018, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) cùng hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp. và Nishi Nippon Railroad đã ký kết hợp tác đầu tư Dự án Khu đô thị Akari (Akari City), tại quận Bình Tân, TPHCM. Theo thỏa thuận, hai nhà đầu tư Nhật Bản và Nam Long góp vốn theo tỷ lệ 50 – 50 để thực hiện dự án có diện tích 8,5 ha với tổng mức đầu tư khoảng 7.676 tỷ đồng này.

Cuộc đổ bộ của dòng vốn FDI được cho là tập trung chủ yếu vào thị trường Hà Nội và TPHCM. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, 6 tháng đầu năm 2018, Thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 83 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 486,53 triệu USD. Trong đó, dự án bất động sản chiếm 25,5%.

Chưa nổi bật

Theo giới quan sát và các đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam theo 3 phương thức chủ yếu là góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp và cho vay vốn đầu tư. Hầu hết các nhà đầu tư này đều lựa chọn phân khúc bất động sản cao cấp bởi đây là phân khúc họ có nhiều lợi thế nhất.

Dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường bất động sản được ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng đến từ việc Nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở; đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư, kinh doanh bất động sản tương tự nhà đầu tư trong nước. Cùng với đó, kinh tế tăng trưởng vững chắc, nhiều doanh nghiệp Việt có năng lực và uy tín thương hiệu, tầng lớp trung lưu tăng mạnh… cũng là các lý do được các nhà đầu tư nước ngoài nhắc tới khi đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, dòng vốn FDI đổ vào bất động sản dù tăng liên tục, nhưng hàng chục năm qua vẫn chỉ loanh quanh ở góp vốn, mua cổ phần và tập trung ở dự án chung cư cao cấp hoặc bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi đó, những phân khúc khác như nhà ở xã hội, tái định cư hay sửa chữa, xây mới nhà chung cư cũ, di dời nhà ven kênh, nhà cho người có thu nhập thấp… lại không xuất hiện vốn FDI.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam, việc rót vốn vào thị trường bất động sản đã được các nhà đầu tư ngoại tính toán rất kỹ và họ thường chọn các phân khúc sinh lời cao. Ngay cả việc bắt tay với đối tác doanh nghiệp nội để triển khai dự án cũng là một cuộc tìm hiểu, điều tra rất kỹ.

“Dù TPHCM đã trải thảm đỏ mời các doanh nghiệp ngoại rót vốn đầu tư các dự án xây mới chung cư cũ, nhà ở xã hội, di dời nhà ven kênh…, nhưng vẫn không hút được một doanh nghiệp ngoại nào bỏ vốn vì họ không thấy lợi nhuận ở đây”, ông Khương nói.

Các doanh nghiệp Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hồng Kông và Trung Quốc đang là những nhà đầu tư dẫn đầu về hoạt động đầu tư bất động sản ở Việt Nam. Thông qua việc kết hợp với các nhà phát triển trong nước, danh mục đầu tư của các doanh nghiệp đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ này đang ngày càng mở rộng.

Gia Huy/Đầu tư Bất động sản