Villa D15 – SPACE+ Architecture
(Văn bản mô tả do KTS cung cấp) Villa-D15 vốn là một ngôi biệt thự cũ tọa lạc tại phường Phú Mỹ, Quận 7, TPHCM. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc tân cổ điển tuy nhiên với thời gian đang dần xuống cấp, tuy đã trải qua những lần sửa chữa cải tạo nhỏ lẻ nhưng ngôi nhà vẫn mang đến cảm giác cũ kỹ, hình thức nặng nề và khá rườm rà. Gia chủ mới tìm đến Space+ với mong muốn tìm kiếm một sự khác biệt chủ yếu cho mặt ngoài của ngôi nhà, hạn chế các tác động đến kết cấu cũng như phải có chi phí cải tạo hợp lý.
Thông tin công trình:
Tên công trình: Villa D15
Địa điểm: Quận 7, TP.HCM, Việt Nam
Diện tích khu đất: 220m2
Thiết kế: SPACE+ Architecture (http://spaceplus.design/)
Kiến trúc sư chủ trì: Ths.KTS Trần Công Danh
Quản lý dự án: KTS Trần Thảo Xuân Phương
Hoàn thành: 06/2022
Sau khi khảo sát thực tế, KTS nhận thấy về tổng quan ngôi nhà vẫn có được một hệ kết cấu chắc chắn, tuy nhiên phần mặt tiền ngôi nhà chưa đồng bộ với nhiều chi tiết gờ chỉ và nếu không có được một sự duy tu vệ sinh thường xuyên sẽ rất dễ xuống cấp và bám bẩn làm ảnh hưởng đến hình thức bên ngoài.
Ngoài ra do ảnh hưởng của lối kiến trúc cổ điển phương Tây ôn đới, nên các hệ cửa sổ đều không có lam che, rất dễ bị nắng nóng và mưa tạt vào bên trong.
Về nội thất gia chủ yêu cầu chỉnh sửa chủ yếu ở tầng trệt không gian phòng khách, nhà xe hiện trạng và khu vực bếp ăn. Ngôi nhà hướng về hướng Bắc, hiện trạng khu vực phòng khách mặc dù có thông tầng nhưng do cửa ra vào chính khá thấp nên vẫn mang đến cảm giác thiếu sáng, tù túng và không có được tầm nhìn ra cảnh quan bên ngoài.
Các giải pháp của KTS:
Ngoại thất và cảnh quan: với mục tiêu mang đến những đường nét kiến trúc đương đại, tối giản, nên các chi tiết cổ điển và hệ gờ chỉ mang tính chất trang trí không cần thiết cũng được lược bỏ. Hình khối ngôi nhà gần như được giữ nguyên, KTS chỉ dùng một số thủ pháp cắt gọt, tạo mảng đặc rỗng, thêm cửa vòm dạng bán nguyệt để gợi lại phần nào kiến trúc của ngôi nhà cũ.
Toàn bộ lan can cũ với nhiều chi tiết uốn lượn và hư hỏng do gỉ sét cũng được thay thế bằng lan can sắt lam dọc mới đơn giản hơn.
Chất liệu hoàn thiện cho tường bao ngoài ngôi nhà được sử dụng chủ yếu là sơn phun gai màu trắng xám kết hợp với số điểm nhấn bằng gạch gốm và ô văng thép thời tiết.
Hệ cửa sổ của ngôi nhà cũ được giữ nguyên vị trí và tái sử dụng hoàn toàn để tiết kiệm chi phí, đồng thời được bổ sung thêm các hệ ô văng bằng thép mỏng, tạo hình khối và bóng đổ nhằm che bớt bức xạ mặt trời và hạn chế mưa tạt.
Ngôi nhà cũng được tô điểm thêm bằng hệ cây xanh trên mặt đứng với những bụi cúc tần mềm mại rũ xuống vòm cửa chính như tấm rèm thiên nhiên cùng những dãy cây bụi nhỏ bên ngoài cửa sổ giúp cho ngôi nhà xanh mát đồng thời cũng hạn chế bụi bặm, lọc không khí và góp phần làm giảm bức xạ mặt trời tác động lên lớp vỏ công trình.
Ở tầng sân thượng của ngôi nhà cũ do thiếu hệ lam che và hệ thống dàn nóng điều hòa bố trí không hợp lý làm cho khu vực sân thượng này luôn bị nóng, ngột ngạt và chật hẹp. KTS đã đề xuất bố trí lại toàn bộ hệ thống kỹ thuật ra phía sau ngôi nhà, đồng thời thiết kế thêm một dàn mái lam che kết hợp cùng cây xanh tạo nên một khu vườn xanh mát trên cao hoàn toàn phù hợp cho các buổi tiệc hay thư giãn ngoài trời. Hệ mái lam che và khu vườn này còn làm giảm bớt sức nóng lên bề mặt sàn sân thượng giúp hạn chế sự co ngót gây thấm dột và giúp cho các phòng ngủ ở tầng dưới được mát hơn.
Cổng rào cũ với hệ cửa nhôm đúc chạm khắc nặng nề và hệ mái che cổng lợp ngói giả không cần thiết cũng được cắt bỏ. Chiều cao hàng rào được hạ thấp kết hợp với các hệ lam dọc giúp gió có thể đi vào bên trong sân nhà và bảo đảm tầm nhìn trọn vẹn từ bên ngoài vào bên trong ngôi nhà và ngược lại.
Ở sân trước nhà, một phần sân trước phòng trà được bố trí hồ cá koi tạo cảnh quan tự nhiên giúp chủ nhà thư giãn, hồ nước này cũng là nơi tạo độ ẩm kết hợp với gió mùa tạo nên sự mát mẻ và thông thoáng cho ngôi nhà vào những ngày nắng nóng.
Về nội thất:
Các vật dụng nội thất như sofa, bàn ăn, ghế,… được gia chủ tái sử dụng để mang đến cảm giác thân thuộc và hoài niệm.
Phòng khách được tạo thêm một mái vòm phía trên cửa đi cũ nhằm tăng cường ánh sáng tự nhiên vào nhà, mặc khác mái vòm kính rộng và cao sát trần này còn giúp người sử dụng từ bên trong có thể ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài.
Dưới mái vòm là một mái đón thép vươn xa 2,5m gợi lên một sự chào đón, mái được phủ lớp kính che chắn bên trên giúp việc ra vào sảnh phòng khách được thuận tiện hơn đặc biệt khi thời tiết mưa nhiều, cũng như bảo vệ hệ cửa chính bằng gỗ tự nhiên tránh được những tác động của thời tiết.
Nhà xe hiện trạng do gia chủ không có nhu cầu đậu xe trong nhà nên khu vực này được cải tạo thành một không gian uống trà thư giãn ngắm nhìn về hồ cá koi và sân vườn trước nhà.
KTS. Trần Công Danh (chủ trì thiết kế từ Space+) chia sẻ: “Villa D15 là một ví dụ về kiến trúc cải tạo rất điển hình ở Việt Nam hiện nay, nơi mà hầu hết các đô thị đang có một thực trạng là rất nhiều ngôi nhà được xây dựng sao chép theo lối Tân cổ điển “Neoclassical Architecture” phương Tây. Kiến trúc Tân cổ điển vốn thịnh hành ở Việt Nam do có sự bề thế và phô trương về hình thức tuy nhiên thể loại này về công năng chưa phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa, không phát huy tối đa được các yếu tố về chiếu sáng, thông gió tự nhiên. Ngoài ra kiến trúc Tân cổ điển còn tốn kém rất nhiều chi phí xây dựng ban đầu cũng sẽ nhanh xuống cấp và kém an toàn nếu như thiếu một sự duy tu bảo trì thường xuyên về sau.”
Ngôi nhà sau khi cải tạo đã có được một bộ mặt mới, đương đại, thích ứng với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, độ an toàn của các chi tiết kiến trúc bên ngoài như ban công, hệ ô văng che, hệ lan can, cũng được nâng cao và ít tốn công duy tu bảo dưỡng. Hệ cây xanh trên mái, trên mặt đứng, và sân vườn – hồ cá giúp tạo ra một hệ sinh thái sống động mang đến những phút giây thư giãn cho gia chủ, nâng cao cảnh quan cho ngôi nhà và góp phần vào mảng xanh chung đô thị.
Một số hình ảnh khác của ngôi nhà sau cải tạo