05/12/2017

Việt Nam sản xuất gần 500 triệu m2 kính quy tiêu chuẩn mỗi năm

Là một trong những nước có ngành sản xuất kính xây dựng phát triển muộn, nhưng kính xây dựng Việt Nam lại nhanh chóng tiệm cận được với công nghệ sản xuất kính tiên tiến nhất hiện nay, đó là công nghệ kính nổi.

Việt Nam sản xuất gần 500 triệu m2 kính quy tiêu chuẩn mỗi năm.

Bên cạnh các điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu và đầu tư công nghệ, thì thị trường tiêu thụ trong nước cũng rất lớn, do tốc độ đô thị hóa nhanh trong những năm gần đây cũng như nhu cầu phát triển năng lượng sạch trong các năm sắp tới.

Hiện nay, tổng công suất sản xuất kính phẳng hàng năm của các nhà máy đang sản xuất trong nước ước đạt 4.080 tấn/ngày tương đương 285 triệu m2 quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, trong đó kính nổi là 3.550 tấn/ngày tương đương 248 triệu m2 QTC (có 7 nhà máy) và kính cán là 530 tấn/ngày tương đương 37 triệu m2 QTC.

Các nhà máy sản xuất kính hầu hết đều nằm ở các khu vực có vùng nguyên liệu, hạ tầng kỹ thuật phát triển và phân bổ đều trên cả 3 khu vực Bắc, Trung và Nam Bộ.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ kính trong nước trong những năm gần đây đều tăng, đặc biệt trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 các nhà máy sản xuất đều phát huy hết công suất.

Ngoài các nhà máy đang sản xuất, hiện tại có 5 dự án kính nổi đang đầu tư với tổng công suất 2.600 tấn/ngày tương đương 182 triệu m2 QTC/năm, trong đó 3 dự án đầu tư sản xuất sản phẩm kính siêu trắng chất lượng cao (dùng để làm phôi sản xuất kính low-e, tấm pin năng lượng mặt trời và các sản phẩm cao cấp sau kính khác).

Như vậy, khi 5 dự án trên đi vào sản xuất, tổng công suất sản xuất kính phẳng ở Việt Nam sẽ là 6680 tấn/ngày tương đương 466 triệu m2 QTC/năm.

Do có nguồn nguyên liệu phong phú, chất lượng cao, nên những năm gần đây nhiều nhà đầu tư đã đầu tư sản xuất kính siêu trắng, siêu trong, siêu mỏng có giá trị kinh tế cao.

Với các dây chuyền kính nổi đã và đang được đầu tư với thiết bị công nghệ hiện đại đảm bảo chất lượng và đa dạng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường… đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước từ nay đến năm 2020 và một phần xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Trong những năm qua, cùng với xu hướng chung của ngành VLXD, sứ vệ sinh cũng không ngừng được đầu tư phát triển. Năm 2010 tổng công suất các nhà máy sản xuất sứ vệ sinh đạt 10,5 triệu sản phẩm/năm, đến hết năm 2016, tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất sứ vệ sinh đạt 14,7 triệu sản phẩm/năm (tăng 40% so với năm 2010), đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Công nghệ sản xuất hiện đại tiên tiến, mức độ tự động hóa cao, tiêu hao ít nhiên liệu, chủng loại sản phẩm đạt chất lượng cao, đa dạng về hình dáng, kích thước, mẫu mã, màu sắc và đặc tính sử dụng; nhiều loại sản phẩm đạt trình độ công nghệ của các nước tiến tiến hàng đầu trong lĩnh vực này như Nhật Bản, Đức, Italia, Tây Ban Nha. Năng lực sản xuất trong nước hiện có đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 30 – 35% công suất thiết kế.

Trong những năm gần đây nhiều hãng sản xuất sứ vệ sinh lớn như Inap, Viglacera, Hảo Cảnh… đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất men phủ nano chống khuẩn, có khả năng làm sạch cao; đầu tư phát triển các phụ kiện đồng bộ hiện đại, góp phần tăng giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ và giá tri của sản phẩm.

Hà Vy/BXD