23/07/2021

Viện Kiến trúc Quốc gia hợp tác với Đại học Xây dựng Quốc gia Moscow trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng về kiến trúc và xây dựng

Ngày 22/07/2021, Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAr) đã tổ chức buổi gặp mặt trực tuyến với Ban lãnh đạo Đại học Xây Dựng Quốc gia Moscow (MGSU). Đây là sự kiện mở đầu cho hoạt động hợp tác đào tạo, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng giữa Viện Kiến trúc Quốc gia và Đại học Xây dựng Quốc gia Moscow.

Sự kiện hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng về kiến trúc và xây dựng giữa Viện Kiến trúc Quốc gia hợp tác với Đại học Xây dựng Quốc gia Moscow

Về phía VIAr có Ông Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng;  Ông Trịnh Hồng Việt – Phó Viện trưởng; Bà Tạ Hoàng Vân, Trưởng phòng Đào tạo và Hợp tác quốc tế cùng một số đại diện các đơn vị trong Viện.

Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đỗ Thanh Tùng

Về phía Trường MGSU, có sự hiện diện của Hiệu trưởng – GS.TS Akimov Pavel Alekseevich, GS Galishnikova Vera Vladimirovna, đang công tác tại Phòng Hợp tác Quốc tế cùng một số cán bộ khác trong Ban lãnh đạo nhà trường.

GS.TS Akimov Pavel Alekseevich – Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Quốc gia Moscow

Thay mặt VIAr, Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng đã chia sẻ:  “Viện Kiến trúc Quốc gia đã và đang đảm nhận nhiều chức năng, nhiệm vụ tư vấn cho Chính phủ, Bộ Xây dựng về các chính sách trong phát triển kiến trúc, xây dựng. Viện cũng đã thực hiện nghiên cứu khoa học theo nghị định thư Việt-Nga về nhà cao tầng tiết kiệm năng lượng; Có những trao đổi với chuyên gia Nga về kinh nghiệm trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn và công nghệ xây dựng theo hướng công nghiệp… Những vấn đề này cho đến nay vẫn rất có giá trị trong nghiên cứu và thực tiễn ở Việt Nam”

Viện trưởng Đỗ Thanh Tùng bày tỏ mong muốn MGSU và VIAr sớm đi tới thống nhất triển khai một số hướng hợp tác cụ thể trong các đề tài nghị định thư; Trao đổi nghiên cứu về hoạt động đào tạo tiến sĩ, hỗ trợ từ nguồn học bổng của Chính phủ Nga vào Việt Nam; Xúc tiến tham quan học tập giữa hai bên; Hợp tác xuất bản ấn phẩm và tổ chức hội nghị hội thảo chuyên đề theo lĩnh vực hai bên cùng quan tâm; Làm cầu nối cho Viện với các tổ chức khoa học công nghệ của Nga nhằm chuyển giao công nghệ xây dựng mới, khoa học kỹ thuật mới trong ngành kiến trúc xây dựng.

Buổi gặp mặt trực tuyến giữa Viện Kiến trúc Quốc gia với Đại học Xây dựng Quốc gia Moscow

Về phía MGSU, đại diện trường đã bày tỏ sự đồng tình cũng như đánh giá cao về chất lượng của sinh viên Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại trường trong thời gian vừa qua. Đồng thời mong muốn thông qua sự hợp tác giữa hai cơ quan, sẽ có nhiều hơn nữa sinh viên từ Việt Nam được đào tạo tại MGSU.

Nhà trường cũng đã đưa ra những thiết kế, công nghệ mới như: Hệ thống phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về kết cấu tòa nhà, nhằm tìm ra những loại kết cấu mới áp dụng cho kiến trúc và quy hoạch; Hệ thống phòng thí nghiệm thực hiện các mô phỏng về khí hậu, gió, độ ẩm nhằm tính toán tiện nghi nhiệt trong đô thị cũng như các công trình dân dụng… Qua đó, trường có thể giúp Viện Kiến trúc Quốc gia thực hiện những thí nghiệm về kết cấu công trình hay nghiên cứu tính toán tiện nghi nhiệt trong đô thị, công trình dân dụng…Có thể xem đây là những công nghệ mới mà phía Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng trong tương lai. Đồng thời, xuất phát từ thực tế mỗi loại hình kiến trúc sẽ yêu cầu những loại vật liệu khác nhau. Nhà trường cũng trang bị đầy đủ công nghệ để phục vụ phát triển loại hình kiến trúc mới tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Ngoài ra, phía MGSU đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ngoại ngữ đối với nghiên cứu sinh nước ngoài, cụ thể là khả năng sử dụng thành thạo tiếng Nga và tiếng Anh, vì đây là cánh cửa dẫn đến kiến thức, công nghệ mới trong bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế cũng như việc NCS phải có vốn ngôn ngữ và có khả năng trao đổi được với các giáo sư.

Xuất phát từ thực tế kiến trúc là ngành rộng lớn, bao gồm nhiều ngành dọc nhỏ, phía MGSU cũng cho hay khi thực hiện hoạt động nghiên cứu, NCS Việt Nam cũng cần nắm rõ hướng đi, xác định rõ tư liệu sưu tầm từ Việt Nam có phù hợp với đề tài được triển khai sau này không.

Cũng trong buổi họp, Phó Viện trưởng VIAr Trịnh Hồng Việt, đã đề xuất 03 lĩnh vực hợp tác chính giữa VIAr và MGSU: Nghiên cứu khoa học; Đào tạo, trao đổi nghiên cứu sinh và Xuất bản các ấn phẩm khoa học và tổ chức hội nghị, hội thảo chung giữa VIAr và MGSU.

Hai bên đã thống nhất những trao đổi, bàn bạc nhằm mau chóng xúc tiến các kế hoạch hợp tác trong tương lai.

Có lịch sử hình thành và phát triển hơn 40 năm, Viện Kiến trúc Quốc gia là một trong 5 cơ quan nghiên cứu khoa học quan trọng trực thuộc Bộ Xây dựng, có chức năng nhiệm vụ: Tư vấn cho Chính phủ về Kiến trúc và Quy hoạch; Nghiên cứu khoa học; Đào tạo và hợp tác quốc tế; Tư vấn thiết kế về kiến trúc và quy hoạch.

Viện Kiến trúc Quốc gia có hơn 300 cán bộ, gồm các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân và hệ thống mạng lưới chuyên gia, học giả trong và ngoài nước. Bên cạnh Ban lãnh đạo Viện, Hội đồng Khoa học Đào tạo và các phòng chuyên môn nghiên cứu khoa học cùng các trung tâm tư vấn, các phân viện trực thuộc và các phòng chức năng đóng vai trò hỗ trợ tổ chức xây dựng kế hoạch và thực hiện những công việc đề ra.

Trong nghiên cứu khoa học, Viện tham gia nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ như tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, tòa nhà, thành phố thông minh và các công nghệ mới trong xây dựng; Nghiên cứu lý luận và phê bình kiến trúc; Nghiên cứu lịch sử kiến trúc và bảo tồn di sản.

Trong lĩnh vực đào tạo và hợp tác quốc tế, Viện thực hiện chức năng đào tạo tiến sĩ chuyên ngành kiến trúc và đô thị; Đào tạo và nâng cao năng lực quản lý của các cán bộ trong ngành Xây dựng ở các địa phương trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Đại học Xây dựng Quốc gia Moscow, được thành lập vào năm 1921, đến năm 1993 đổi tên thành Viện Kỹ thuật và Xây dựng Moscow, là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu về Xây dựng ở Nga. Hiện tại MGSU có 7 viện, 62 khoa, 30 phòng thí nghiệm, 10 trung tâm chuyên môn và chuyên gia cùng 2 viện nghiên cứu.

PV