13/06/2017

Vỉa hè – cuộc giằng co giữa mỹ quan đô thị và kế mưu sinh

“Chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ” đã và đang được tiếp tục thực hiện tại các quận, huyện trong thành phố. Tuy nhiên, vì kế sinh nhai, nhiều người dân vẫn tái lấn chiếm vỉa hè để mở quán nước, hàng ăn, chợ tự phát….

Cuộc sống mưu sinh bị xáo trộn

Từ đầu năm 2017, “chiến dịch” giải tỏa tình trạng lấn chiếm vỉa hè được tiến hành tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên toàn quốc. Thực tế cho thấy, đây chính là cuộc tranh đấu giữa mỹ quan đô thị và kế mưu sinh của nhiều hộ gia đình. Việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ là tốt, nhưng làm mất đi một phần mạch sống của “kinh tế vỉa hè” chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều người đang phải sống nhờ việc bán hàng ở vỉa hè.

Hằng ngày, chị Đào bắt xe buýt từ 2 giờ sáng ra chợ đầu mối lấy hoa quả, sau đó đạp xe hơn 10km đến khu chợ tự phát trên phố Hàm Long – Hàn Thuyên để bán. Theo lời chị kể, sở dĩ chị chọn con đường này buôn bán là vì nó thuộc khu dân cư đông đúc, lượng khách hàng đông và giá bán ở đây cũng ổn định hơn so với các nơi khác. Thế nhưng, từ ngày chính quyền không cho phép buôn bán trên vỉa hè nữa, gia đình chị nơm nớp lo sợ mất chỗ mưu sinh, buôn bán phập phồng. Chưa kể đến những lúc bị lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất, chị phải gánh hàng đi tìm chỗ khác bán “an toàn” hơn.

Chợ tự phát trên các tuyến đường: Lê Văn Hưu – Hàm Long – Hàn Thuyên vẫn họp vào mỗi sáng.

Anh Quang Huy, gần sáu năm chuyên bán nước chè trên phố Hàn Thuyên chia sẻ: “Quán nước nhỏ là nguồn thu nhập chính của gia đình, nhưng từ khi thành phố ra quân dọn vỉa hè khiến việc bán hàng của gia đình tôi ảnh hưởng nhiều. Những năm trước mỗi khi vào hè quán đông hơn, nay ngồi cả ngày cũng chỉ có năm đến bảy khách vì không có chỗ ngồi, ế quá!”.

Cùng với việc kiên quyết xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, TP Hà Nội cũng đã tìm phương án hỗ trợ những người dân bị tác động bởi chiến dịch này. Đây cũng là mong muốn của nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ buôn bán nhỏ lẻ, sống nhờ vào vỉa hè.

Không kinh doanh trên vỉa hè nhưng chị Hằng, chủ một cửa hàng quần áo trên phố cổ cho biết, việc kinh doanh của chị cũng bị ảnh hưởng ít nhiều sau chiến dịch giành vỉa hè cho người đi bộ. Trước đây, cửa hàng của chị rất đông khách nhưng gần đây doanh thu đã giảm hẳn do không có chỗ để xe cho khách. “Nhiều người ngó vào cửa hàng, ngồi trên xe ngần ngừ một lúc rồi bỏ đi do không dám đỗ xe trên vỉa hè. Doanh thu của cửa hàng vì thế cũng giảm khoảng 15-20%. Tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách của thành phố tuy nhiên cũng mong thành phố sớm bố trí điểm gửi xe trên các tuyến đường để việc kinh doanh của chúng tôi được thuận lợi”, chị Hằng chia sẻ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, vỉa hè của người đi bộ là đúng. Nhưng vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ, nó còn là cuộc sống mưu sinh của những hộ dân nghèo từ vùng nông thôn đến đô thị nhằm tìm kiếm cho mình một cuộc sống tốt hơn.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn

Việc ra quân dẹp vỉa hè lần này vẫn chưa thật sự hiệu quả. Vì miếng cơm manh áo mà ban ngày người dân tuân thủ, nhưng tối đến hoặc vào giờ cao điểm, các hàng ăn, quán nước lại tái chiếm hè phố; nhiều người vẫn coi vỉa hè, lề đường là bãi để xe; mái che, bục bệ chưa được dọn triệt để.

Quán nước được mở hơn 10 năm nay của bác Thục trên phố Lê Văn Hưu vẫn hoạt động hằng ngày. Tuy có vắng khách hơn nhưng vẫn có đồng ra đồng vào. Mặc dù, lợi nhuận bán nước không phải thu nhập chính của gia đình, nhưng cũng cải thiện cuộc sống của gia đình bác tốt hơn. “Vợ chồng tôi đã vất vả nhiều để giành được góc này mở quán nước nhỏ, thêm thu nhập cho gia đình. Giờ tôi không bán cũng có người khác ra lấy mất chỗ, nên tôi vẫn mở hàng, khi nào bị chính quyền nhắc nhở tôi lại dẹp gọn vào”, bác Thục chia sẻ.

Vỉa hè tại nhiều tuyến đường trung tâm như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Chả Cá… cũng bị chiếm dụng làm của “riêng”. Đặc biệt, vào thời điểm buổi tối hay khi vắng bóng các lực lượng chức năng, các hộ kinh doanh lại vô tư kê bàn ghế, để xe lấn chiếm hết vỉa hè, lề đường, khiến nhiều người dân cũng như khách du lịch phải lách qua hoặc đi xuống lòng đường, rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, vỉa hè là nơi mưu sinh, nguồn sống của nhiều gia đình nghèo, do đó, sau chiến dịch giành lại vỉa hè, bài toán mưu sinh cho người nghèo đô thị cũng đang được đặt ra. Cùng với việc kiên quyết xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, lãnh đạo TP Hà Nội cũng đã tìm phương án hỗ trợ những người dân bị tác động bởi chiến dịch này.

Vẫn tiếp diễn tình trạng xe máy lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi đỗ.

P.T/ Theo Báo Nhân dân