Vị trí nhà ga metro C9 thuộc dự án đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo dưới cách nhìn nhận của địa kỹ thuật và môi trường
LTS – Tháng 5/2018 , Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức Tọa đàm về Phát triển đô thị và bảo tồn di sản văn hóa đô thị -Trường hợp quy hoạch xây dựng Ga ngầm (Ga C9) khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình chủ trì. Tại tọa đàm, PGS.TS.Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa chất- Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã có ý kiến “Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp cận tài liệu này. Tôi đã đọc tất cả các văn bản nhưng chưa thấy ý kiến đề cập đến yếu tố địa chất thuỷ văn… khu vực không gian ngầm sẽ được sử dụng nhiều nên cần phải cân nhắc thật kỹ.”
Để tìm hiểu thêm về những vấn đề liên quan đến địa chất, thủy văn… có ảnh hưởng tới việc đặt ga C9 sát Hồ Gươm, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây Dựng ) đã tới Viện Địa chất- Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam và được biết PGS.TS.Trần Tuấn Anh đã giao TS. Nguyễn Quốc Thành với nhiều năm nghiên cứu vấn đề này cung cấp thông tin, dưới đây là trích phần kết luận của nghiên cứu đó.
Với tình hình giao thông của thành phố Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng các công trình giao thông ngầm là cần thiết. Song, các công trình giao thông ngầm cần phải có quy hoạch tổng thể, có tính toán dự báo tới các vấn đề có thể xảy ra trong giai đoạn thi công và thời gian công trình đi vào vận hành khai thác. Việc quy hoạch tuyến metro và các nhà ga đi cùng là vấn đề hệ trọng liên quan tới nhiều lĩnh vực trong đời sống đô thị Hà Nội.
Bài viết sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan về việc đặt ga metro C9 bên cạnh hồ Hoàn Kiếm, vài nét sơ lược về trầm tích trẻ (trầm tích Hệ Thứ tư) của thành phố Hà Nội.
Thành phố Hà Nội nằm gần trung tâm đồng bằng Sông Hồng, được cấu tạo từ các trầm tích trẻ có bề dày khá lớn phủ trên các đá gốc cát kết, sét kết, cuội kết của Neogen. Bề dày của lớp phủ trầm tích trẻ trong khu vực Hà Nội thay đổi trong khoảng từ 80-90m đến 130-150m. Phân bố phía dưới cùng và phủ trực tiếp trên các đá gốc Neogen là các trầm tích trẻ thuộc tầng Hà Nội bao gồm cát hạt từ trung đến thô lẫn dăm sạn và cuội, sỏi. Phần phía trên của lát cắt với bề dày 35-45-50m được cấu thành bởi các đất mềm rời có nguồn gốc, thành phần, tính chất rất khác nhau, phân bố theo diện và chiều sâu rất phức tạp. Bảng 1. tóm tắt cấu tạo địa tầng của thành phố Hà Nội.
Phần trên | Tầng Thái Bình, Hải Hưng và Vĩnh Phú.
Đa dạng về nguồn gốc, tuổi, thành phần, tính chất và đặc điểm phân bố cả theo diện và theo chiều sâu. |
Đất dính, đất rời, đất đặc biệt
Nguồn gốc sông, sông –biển, hồ lầy ven biển. Tuổi Holoxen, Pleixtoxen Bề dày thay đổi. |
Phần dưới |
Tầng Hà Nội |
Cát, cuội, sỏi
Phân bố từ độ sâu hơn 30m Nước phong phú |
Tầng Hà Nội là các trầm tích với thành phần chủ yếu là cát cuội sỏi. Bề mặt nóc của trầm tích này nằm ở độ sâu trong khoảng 40-50m với bề dày chừng 40-70m. Đây là tầng chứa nước đặc biệt phong phú và là nguồn cấp nước cho toàn khu vực đồng bằng. Tất cả các giếng khai thác nước trong Hà Nội đều bơm hút từ tầng chứa nước này.
Nằm trên tầng cuội sỏi Hà Nội là các trầm tích có thành phần chủ yếu từ các đất mềm dính. Các trầm tích sét này phủ trực tiếp lên cát cuội sỏi. Độ sâu phân bố nóc của tầng thay đổi từ 5m đến 20-30m, tăng dần từ bắc xuống nam, từ tây sang đông. Các trầm tích loại sét này tạo thành mái cách nước cho tầng chứa nước cát cuội sỏi Hà Nội ở phía dưới.
Tiếp đến là các trầm tích sét đồng nhất chứa hữu cơ, trạng thái sẻo mềm, màu xám xanh đặc trưng ở phía trên và trầm tích bùn, đất chứa nhiều tàn tích thực vật trạng thái chảy ở phía dưới. Các trầm tích này có mức độ thành đá yếu, chưa cố kết, tính chất cơ lý thuộc loại đất yếu nên thường bị biến dạng nhiều dưới tác dụng của các lực ngoài (tải trọng công trình,..). Đây là nguồn gây lún chủ yếu cho toàn khu vực dưới tác dụng của quá trình bơm hút khai thác tầng chứa nước nằm dưới nó. Nghiên cứu đặc điểm phân bố và tính chất cơ lý của tầng đất này cho phép ta dự báo nguy cơ gây lún bề mặt đất trong vùng Hà Nội.
Trên cùng là trầm tích hình thành do tác dụng bồi lắng của mạng sông hiện đại. Chúng phủ trực tiếp lên hoặc là các trầm tích yếu trên với cấu tạo mặt cắt điển hình cho các trầm tích sông phía trên là các đất dính (sét, sét pha). Trầm tích sông hiện đại cũng là nguồn gây lún cần chú ý khi tính toán dự báo nguy cơ lún bề mặt của vùng Hà nội dưới tải trọng công trình và các dự án khai thác nước dưới đất.
Các nghiên cứu về sự hình thành các hồ nước lớn của Hà nội đã chỉ ra có sự liên quan chặt chẽ với nhau, liên quan tới các dòng sông cổ. Sự chuyển dịch của lòng sông Hồng từ Tây Nam lên Đông Bắc đã để lại hai hồ là Hồ Tây và hồ Yên sở, đồng thời kéo theo nó là một loạt các hồ được hình thành trên khu vực bãi bồi thấp như hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu, hồ Thiền Quang…..Bởi vậy, các hồ này đều có liên thông thủy lực với các dòng sông cổ của Hà Nội.
Như vậy, khi xây dựng ga metro C9 bên cạnh hồ gươm sẽ có một số vấn đề có thể xảy ra cần lưu ý:
- Chiều sâu xây dựng công trình nằm trong tầng cách nước của tầng chứa nước Hà Nội (tầng bảo vệ tầng chứa nước của Hà Nội), sẽ phá hủy tầng cách nước. Cần có các giải pháp kỹ thuật hữu hiệu bảo vệ nguồn nước dưới đất quí giá này.
- Nhà ga C9 thuộc dự án đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được xây dựng bên cạnh hồ Gươm. Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m, khi xây dựng nhà ga, công tác đào bới sẽ dẫn đến sự liên thông thủy lực với các dòng chảy cổ quanh khu vực hồ Gươm, dễ gây mất nước hồ.
- Công tác thi công nhà ga C9 với ga dài 150m, rộng 21,4m, sâu 50m. Khoảng cách ngắn nhất tới tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, cần hạ thấp mực nước dưới đất, cùng các rung động khi thi công các công trình này sẽ bị ảnh hưởng. Các công trình xung quanh hồ Gươm sẽ khó tránh khỏi bị biến dạng và hư hại. Đặc biệt chú ý các công trình dọc phố Hàng Khay và phố Tràng Tiền nơi phân bố nhiều thấu kính bùn.
- Xét trên góc độ môi trường đô thị thì việc đặt nhà ga C9 bên cạnh hồ Gươm là chưa phù hợp với quy hoạch đô thị của Hà Nội. Các phố xung quanh hồ Gươm đã được quy hoạch thành phố đi bộ, khu vực này đã trở thành công viên Hồ Gươm. Vào những ngày cuối tuần, nơi đây luôn quá tải về lượng người; nay lại đặt thêm ga metro thì lượng người qua lại sẽ cực quá tải, nếu xảy ra hỏa hoạn hoặc tai nạn thì sẽ là thảm họa khôn lường.
Với những vấn đề đã nêu trên , chúng tôi cho rằng nên chuyển ga C9 khỏi khu vực hồ Gươm và đặt tại những vị trí có điều kiện địa chất và thủy văn phù hợp hơn.
Nguyễn Quốc Thành/Viện Địa chất – Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam