Vì sao chất lượng không khí tại các đô thị lớn ngày càng ‘xấu’?
Thời gian gần đây, chất lượng không khí ở các đô thị lớn, nhất là Nội luôn nằm trong mức “kém,” thậm chí ngưỡng “nguy hiểm,” song đến nay vẫn là câu chuyện “biết rồi, nói mãi” chưa có hướng xử lý.
Số liệu quan trắc chất lượng không khí trên ứng dụng online Pam Air, tại Hà Nội trong sáng 24/9. (Ảnh: Chụp màn hình)
Sau hai ngày cuối tuần “thở phào” trong bầu không khí dễ chịu, sáng 24.9, nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội lại “đỏ rực” màu ô nhiễm. Tại TPHCM và một số tỉnh vùng ven, chất lượng ô nhiễm không khí tuy đã giảm, nhưng vẫn hiếm thấy “màu xanh” – màu không khí trong lành trên trên ứng dụng online Pam Air – “bản đồ ô nhiễm không khí”.
Đáng nói là, hiện trạng các đô thị lớn thường xuyên chịu cảnh bầu không khí nhiễm bẩn bởi khí thải và bụi mịn đã xảy ra từ lâu, song đến nay vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi,” chưa thể giải quyết, bởi các hoạt động kiểm soát ô nhiễm tại hầu hết các địa phương vẫn còn hạn chế.
Chất lượng không khí ngày càng “xấu”
Liên tiếp những tháng gần đây không khí ở thành phố Hà Nội luôn nằm trong mức “kém” với chỉ số chất lượng không khí (AQI) phổ biến từ 100 – 200. Ở ngưỡng ô nhiễm này, con người có thể bị ảnh hưởng sức khỏe, nhóm người nhạy cảm (người già, trẻ em) có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Đáng chú ý, có thời điểm, chỉ số AQI đo được ở khu vực Đại sứ quán Mỹ (Láng Hạ) lên tới 204. Đây là ngưỡng “xấu,” rất nguy hại cho sức khỏe, cảnh báo sức khỏe ở tình trạng khẩn cấp. Người dân có nhiều khả năng bị ảnh hưởng.
Tương tự, chỉ số bụi mịn PM 2.5 có thời điểm dao động từ 90 đến 140, đây được xem là mức “nguy hiểm.” Riêng điểm quan trắc Hàng Đậu, AQI duy trì mức trên 150 trong 3 ngày liên tiếp. Còn kết quả do hệ thống quan trắc của Đại sứ quán Mỹ đặt tại quận Đống Đa cho thấy, chỉ số bụi PM 2.5 có thời điểm đã đạt đỉnh 183.
Đến thời điểm 8 giờ sáng nay (24.9), số liệu quan trắc không khí trên ứng dụng online Pam Air cho thấy chất lượng không khí ở phần lớn các khu vực tại nội thành Hà Nội nằm trong ngưỡng “kém,” với chỉ số AQI từ 151-175. Trong đó, một số điểm có chỉ số chất lượng không khí kém nhất là Tràng Tiền, Võ Chí Công, Xã Đàn, Văn Cao…
Báo cáo nghiên cứu hiện trạng môi trường quốc gia chuyên đề môi trường đô thị do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cũng cho thấy, hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, trong đó ô nhiễm do khói bụi là là vấn đề nổi cộm, đáng lo ngại nhất.
Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí tại các đô thị được xác định là do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của dân cư, xử lý rác thải rắn, đặc biệt là các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào như đốt rơm rạ, hay hoạt động phát thải của các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh lân cận.
Trong số các nguồn phát thải làm “bẩn” không khí đô thị, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như xe mô tô, xe gắn máy đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm không khí. Các khí thải chủ yếu là SO2, NO2, bụi (TPS, PM10, PP2,5).
Chỉ riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, có đến 70% lượng khói và bụi gây ô nhiễm không khí là do hoạt động giao thông vận tải. Với hơn 4 triệu phương tiện giao thông (tính đến năm 2016), hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng phát thải CO2, và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không quan sát được.
Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng (khu chung cư, đô thị, sửa chữa cầu đường, vận chuyển vật liệu) diễn ra rầm rộ trong những năm qua cũng là nguồn gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ với mức ô nhiễm bụi rất cao.
Đáng lưu ý là, hiện nay tại các đô thị vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp nằm trong nội thành. Các nhà máy này thường quy mô nhỏ và vừa, có công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu thiết bị lọc bụi và xử lý khí thải độc hại.
Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân góp phần làm ô nhiễm “bầu không khí đô thị” bởi các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch làm tăng nồng độ các chất ô nhiễm không khí như: Khí thải từ của các nhà máy nhiệt điện chủ yếu từ khu vực lò hơi có chứa nhiều chất ô nhiễm; mùi và khí thải từ các bãi thải lộ thiên; đặc biệt là tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ gặt.
Hiện tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ gặt đã trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi,” xảy ra ở hầu hết các tỉnh ở Đồng bằng Sông Hồng, đặc biệt là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương,… Đây được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng khói mù ngột ngạt, dày đặc bao quanh thành phố Hà Nội.
Theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, việc đốt rơm rạ bừa bãi ngoài đồng ruộng, nhất là rơm rạ vẫn còn tươi sẽ tạo ra nhiều khí thải độc hại vào môi trường. Những loại khí thải chủ yếu được tạo ra như Dioxit cacbon (CO2), Cacbon monoxide (CO), khí Methane (CH4), các Oxit nitơ (NOx, N2O) và bụi hay chất dạng hạt (như TPM, PM10, PM2,5).
Kiểm soát ô nhiễm chưa phát huy hiệu quả
Trong buổi sáng nay (24.9), nhìn từ trên cao, thành phố Hà Nội bị bao phủ một màn sương mờ mịt. Truy cập trên ứng dụng online Pam Air càng thấy rõ hơn chất lượng không khí tại các khu vực nội thành Hà Nội đều nằm trong ngưỡng “kém” với chỉ số AQI phổ biến từ 151-175.
Theo Tổng cục Môi trường, có nhiều nghiên cứu tại Hà Nội đã chỉ ra rằng, hiện tượng nghịch nhiệt là một trong các nguyên nhân chính làm cho nồng độ các chất ô nhiễm (đặc biệt là bụi PM2.5) tăng cao đột biến. Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện chất lượng không khí tại một khu vực nhất định cần phải phân tích, đánh giá số liệu quan trắc của nhiều thông số liên tục trong ngày và trong năm.
Và để lý giải chính xác điều kiện khí tượng nào gây ra hiện tượng nồng độ bụi tăng cao đột biến cần có các nghiên cứu chuyên sâu đặc biệt là ứng dụng các mô hình chất lượng không khí.
Trong khi đó, theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, với mục tiêu tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện các hoạt động kiểm soát ô nhiễm không khí vẫn còn những hạn chế do nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu. Tại các công trình xây dựng, việc thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường không nghiêm. Thậm chí đã có quy định về che chắn bụi tác các công trường xây dựng, nhưng thực tế chỉ… thực hiện trên giấy.
Đối với hoạt động giao thông, hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng phương tiện giao thông vẫn chỉ tập trung chủ yếu cho các phương tiện mới đưa vào lưu hành; việc khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch, phương tiện giao thông thân thiện với môi trường chưa phát huy hiệu quả. Tại các huyện ngoại thành, người dân vẫn còn duy trì thói quen đốt rơm rạ vụ mùa… đã khiến khói bụi lan vào nội thành.
“Chính vì vậy, tại nhiều đô thị, chất lượng môi trường không khí chưa thấy rõ sự cải thiện,” báo cáo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các giải pháp ưu tiên giải quyết như tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường nhằm kiểm soát việc phát tán bụi tại các điểm thi công xây dựng; tăng cường phun nước, quét đường, kiểm tra chặt chẽ việc rửa sạch, vệ sinh các phương tiện trước khi vào khu vực nội thị.
Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, xử lý loại bỏ các phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng; khuyến khích cộng động dân cư sử dụng nhiên liệu sạch trong sinh hoạt; đảm bảo duy trì diện tích cây xanh đô thị; giảm thiểu khí thải từ hoạt động xử lý chất thải rắn tại các điểm bãi chôn lấp; khuyến cáo người dân không đốt rơm rạ sau vụ mùa.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xử lý triệt để và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư. Có hệ thống giám sát, kiểm soát khí thải ống khói đối với các cơ sở công nghiệp tại các khu vực lân cận.
“Với các giải pháp trên, tôi tin nếu thực hiện đồng bộ, chất lượng không khí sẽ được cải thiện,” Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nói.
Từ góc độ chuyên gia, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội giao thông quá đông đúc, công trình xây dựng quá nhiều đã gây ra lượng bụi rất lớn. Vì vây, Hà Nội cần phải tìm cách để giảm mật độ lưu thông của các phương tiện cá nhân, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, đưa kỹ thuật tiên tiến vào xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng để giảm phát sinh bụi; kiểm soát việc xử lý khí thải ngay từ cơ sở, trong các nhà máy, các khu công nghiệp. Đặc biệt, ở ngoại thành, người dân thường có thói quen đốt rơm rạ, vì thế chính quyền phải có biện pháp khuyến cáo, thậm chí ngăn chặn tình trạng này để hạn chế phát thải khói bụi.
Các đô thị lớn cũng cần nghiên cứu và trồng thêm nhiều cây xanh hơn nữa để tạo nên “lá phổi xanh” điều hòa không khí, bảo vệ môi trường.
Hùng Võ/Người đô thị