26/03/2021

Vi phạm trật tự xây dựng: Tăng mức xử phạt để răn đe

Mặc dù tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm xuống còn 2,13% trong năm 2020 nhưng thực tế số lượng công trình vi phạm vẫn ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Số lượng vi phạm lớn
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, chỉ tính từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay, huyện đã ra quân cưỡng chế xử lý vi phạm về đất đai, TTXD đối với gần 30 trường hợp, tập trung ở các xã Thụy Lâm, Nguyên Khê, Uy Nỗ… “Tất cả các trường hợp này đều là những vi phạm trên đất công ích và đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho người dân theo Nghị định 64/NĐ-CP, có tính chất phức tạp vì nhiều lần xử lý xong lại tiếp tục tái phạm” – ông Nguyễn Anh Dũng cho hay.
xlyvipham

Cưỡng chế vi phạm TTXD tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh. Ảnh: Doãn Thành

Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, thời gian gần đây, vi phạm về TTXD trên địa bàn TP vẫn diễn biến phức tạp, không chỉ các hộ gia đình vi phạm trên đất nông, lâm nghiệp mà ở những dự án lớn của DN cũng thường xảy ra tình trạng trên. Trong năm 2020, lực lượng thanh tra đã thiết lập hồ sơ đối với 628 trường hợp vi phạm trên đất nông, lâm nghiệp. Trong đó đã xử lý xong 520 trường hợp, số còn lại đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền.
Đối với công trình nằm trong dự án, đã thiết lập hồ sơ xử lý 402 trường hợp, giải quyết được 300 trường hợp, trong đó một số công trình vi phạm nổi cộm như: Dự án khu chung cư để bán và văn phòng làm việc cho thuê, tại số 35B Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân) do Công ty CP Đầu tư & Phát triển nhà Hà Nội số 41 và Tổng Công ty Thành An làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở thấp tầng Romantic Park (Tây Hồ) do Công ty TNHH Phát triển Bắc Sơn làm chủ đầu tư; Dự án chung cư cao tầng khu nhà ở cán bộ công nhân viên Công ty Cơ khí ô tô, xe máy Thanh Xuân (Hà Đông) do Công ty TNHH MTV Nam Triệu làm chủ đầu tư…
“Đa số các trường hợp vi phạm TTXD liên quan đến vấn đề bức xúc dân sinh. Vì vậy, trong quá trình xử lý vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đặc biệt là những trường hợp vi phạm đã hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng, dẫn đến việc xử lý gặp nhiều khó khăn, dễ gây khiếu kiện phức tạp” – ông Nguyễn Việt Dũng nói.
Một số quy định còn bất cập
Theo Thanh tra Sở Xây dựng, việc xử lý những công trình vi phạm TTXD trên địa bàn TP trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, một phần do quy định còn bất cập. Đơn cử, tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP đã thống nhất về hành vi vi phạm, quy trình xử lý tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý TTXD đô thị.
“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bộc lộ một số hạn chế như: Một số hành vi vi phạm mức phạt cao không phù hợp thực tiễn quản lý; thời hạn ngừng thi công 60 ngày ở những công trình không phép, sai phép chưa đáp ứng được với các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, quy trình bắt buộc áp dụng cho tất cả các hành vi vi phạm TTXD (ngừng thi công sau 60 ngày) là chưa phù hợp với thực tiễn quản lý…” – ông Nguyễn Việt Dũng nhìn nhận.
Để khắc phục những hạn chế trên, Sở Xây dựng đã tham mưu cho TP Hà Nội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Cùng với đó, chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND, mức phạt tiền về một số hành vi vi phạm TTXD được đề xuất tăng so với trước từ 2 – 10 lần.
Cụ thể, hành vi xây dựng không che chắn hoặc để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống khu vực xung quanh, mức phạt là 2 – 4 triệu đồng, tăng gấp 2 lần. Xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật, mức phạt 60 – 80 triệu đồng, tăng 8 – 10 lần. Hành vi thi công xây dựng sai phép, mức phạt cũng tăng gấp đôi, trong đó trường hợp cải tạo nhà ở sai phép phạt tiền 12 – 20 triệu đồng, xây dựng mới sai phép phạt từ 40 – 80 triệu đồng.
Đặc biệt, trường hợp xây dựng không phép, mức xử phạt 80 – 120 triệu đồng, cao gấp 4 lần trước đây… “Cũng như Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND, mức xử phạt tại dự thảo nghị quyết mới của HĐND TP Hà Nội vẫn sẽ cao gấp đôi so với quy định tại nghị định của Chính phủ” – ông Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm.
“Để khắc phục tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như sửa đổi quy định xử phạt phù hợp với tình hình vi phạm hiện nay, quy định cần phải có tính răn đe, xử lý nghiêm và nặng. Đồng thời, cần phải mạnh tay xử lý các công trình vi phạm xây dựng; làm quyết liệt, triệt để. Nhưng để thực hiện được tinh thần này cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp chính quyền địa phương.” – Luật sư Trương Anh Tú – Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Doãn Thành/Kinh tế Đô thị