Vật liệu xây dựng truyền thống cần những công trình nghiên cứu khoa học
Với các giá trị đặc trưng của nền văn minh lúa nước, kiến trúc truyền thống Việt Nam được biết đến qua cách sử dụng tinh tế các nhóm vật liệu riêng. Các vật liệu truyền thống này cơ bản đều có nguồn gốc từ thiên nhiên và gắn bó bền vững với thiên nhiên nhưng dưới bàn tay sử dụng tài tình của những người thợ dân gian. Thông qua các kinh nghiệm được đúc kết và kế thừa lâu đời đã tạo nên nhiều nét đặc trưng đặc sắc trong việc ứng dụng với các công trình xây dựng trong kiến trúc truyền thống.
Vật liệu xây dựng truyền thống trong kiến trúc Việt Nam
Tranh tre gỗ lạt: Tài nguyên xứ sở đã nuôi dưỡng tập quán xây dựng của người Việt. Để làm nhà dựng cửa, trước là khai thác trên rừng sau là người ta trồng cây lấy gỗ, tre, luồng, giang, mây, nung vôi, đóng gạch, ép ngói… Cánh thôn quê nói: “có trăm tre, nhăm nhe làm nhà”, là ý nhấn mạnh thứ vật tư quan trọng nhất, đủ làm nên bộ khung nhà truyền thống.
Nhà tranh tre nứa lá mát về mùa hạ ấm về mùa đông, dẻo dai chịu đựng gió bão, mưa ngàn. Khắp miền quê đâu cũng sẵn tre nứa. Họ nhà tre loại nào cũng đắc dụng: bương, vầu thân to cật dầy, đốt ngắn, chống khoẻ thì làm cột. Tre đằng ngà đặc ruột dẻo thân dùng làm đòn tay, xà tử, dạ cửa, bậu cửa. Mai trúc thân thẳng vỏ dày, gốc ngọn bằng bặn thì được bổ bẻ, chẻ đều để lát sàn, thưng vách… Nứa mỏng mềm thì đập dập thành ra lợi bản trải mái lợp hay đan phên ngăn, ken tấm dại. Rồi nứa tép, trúc cành, giang, mây, song… thứ nào cũng được việc cả. Tre ngâm độ sáu tháng – một năm dưới bùn ao, vớt lên mềm dễ uốn vặn, để khô đi chống mối mọt tốt. Lại có thể luộc mây tre, chẻ lấy lạt rồi gác bếp cho khói xông… Cây tre thật xứng với tính tình chịu thương chịu khó của người Việt.
Cao cấp hơn tre là gỗ. Đinh, lim, sến, táu, vàng tâm, mộc lan là những hạng gỗ rừng lý tưởng để cất dựng đền miếu, đình chùa, cung điện. Trong dân gian thì phổ thông là xoan, mít, chò, keo, dổi, hồng sắc, bạch đàn… Người thôn quê xưa có tính lo xa: khi dựng vợ cho con trai, bao giờ cũng gây sẵn bụi tre, hàng xoan hay vài gốc mít nơi trước sân, mép vườn, bờ ao. Nhắm chừng 10 -15 năm sau con cái có vật liệu làm nhà mới, vừa vặn thời gian chuyển đổi thế hệ nông trang. Xoan cao cây thân dài và thẳng, đoạn dưới làm cột, đoạn trên làm xà, kèo, hoành, bậu. Gỗ xoan thấm sẵn nhựa đắng, chịu được mối mọt. Chả thế có câu “Nhà gỗ xoan – quan ông nghè”.
Cái lợp cũng sớm được người xưa quan tâm tìm kiếm hoặc chế tác cho ngôi nhà khung tre gỗ nhiều gian dĩ, sao cho thích hợp với độ dốc mái và sự phân chia các tấm mái, tầng mái. Đó có thể là rơm, rạ hay lá cọ (lá gồi) lá mía, lá dừa, cỏ tranh, phên nứa, cói bổi… Chẳng hạn, nhà lợp cói (thông dụng ở Thái Bình) chống dột rất tốt. Trong nhà luôn mát mẻ vì các lớp sợi cói qua thời gian dính kết lại thành tấm xốp liền. Sau mỗi lần lợp chừng 5 năm, khi cói xẹp xuống người ta lại phủ lên trên mái cũ một lớp cói nữa. Cứ thế lớp mái cói có thể dày từ 0,3m – 0,5m. Ở một số địa phương nam Trung bộ, Nam bộ, trên rui mè ken dày có khi người ta đổ một lớp đất sét rồi lợp lá dừa nước lên trên. Đất sét cách nhiệt, chống cháy tốt. Nhưng, cái chính là tại lá dừa mềm, mỏng không thể đánh tranh, khi khô nước mưa dễ lọt qua, nên đất sét có tác dụng làm cứng mái và chống thấm. Cao cấp hơn, người ta xẻ gỗ thành ván mỏng để lợp…
Gạch nung và gốm: Gạch đất nung dùng xây nhà thì nhiều thứ lắm. Ngoài loại chữ nhật thường còn có gạch hộp kích thước lớn và nhẹ; gạch múi bưởi để cuốn vòm, xây cổng; gạch thước thợ; gạch hình tròn, đa giác; gạch có mộng dùng bó vỉa, gạch rộng bản nung già lát nền nhà đại khoa, gạch lá nem lót dưới ngói lợp…
Khi biết nung gạch làm nhà (ước đoán từ cuối thời Đông Sơn), cũng là lúc người Việt biết nung ngói lợp. Ngói lợp nhà phong phú không kém: ngói ri, ngói âm dương, ngói hình vảy rồng, ngói uyên ương cong hình lòng máng, ngói mũi hài đơn, mũi hài kép, ngói chiếu (miếng lợp phẳng) còn gọi là ngói bản… Quý hơn cả là ngói lưu ly, thứ ngói tròn như ống tre tráng men trắng, men màu sắc vàng, sắc xanh đẹp bền muôn thuở. Khi lợp mái người ta nối các ống ngói lại, đầu ống ngoài cùng được gắn viên lưu ly có hình chữ thọ. Thời xưa, vua chúa mới được dùng ngói lưu ly… Thời nay thì vô thiên lủng, ai cũng có thể được dùng.
Khỏi nói gạch nung và gốm bao giờ cũng là vật liệu bao che, chất liệu trang trí được ham chuộng. Vì vẫn đất Việt ấy, người Việt ấy mà ra. Càng ngày cái mộc mạc ấm cúng của gạch nung và gốm càng cuốn hút người ta. Đương nhiên các nhà thiết kế là người sớm nắm bắt điều đó để thể hiện trong tác phẩm của mình. Cái đáng quý là từ những chất liệu phổ cập khắp chợ cùng quê thuở nào, gạch nung và gốm đã đường hoàng hiện diện tại những muôn mặt công trình từ nhà ở tư nhân, chỗ vui chơi giải trí, chốn sang cả, khánh tiết hẳn hoi. Và đường nhiên cả ở những công trình tôn giáo hiện đại – mảnh đất màu mỡ để cánh thổ mộc thời nay thi thố tài nghệ làm nhà làm cửa để mồ để mả mà bấy nay đã là tiếng thơm của kiến trúc truyền thống Việt.
Đá tự nhiên và cấu trúc gỗ đá kết hợp: Ở Việt Nam, từng phát hiện một số khối đá lớn, có dấu tích bàn tay người xưa dịch chuyển, đẽo gọt, gia giảm, khía rãnh theo hình thù nào đó và được xếp đặt một cách “có ý thức kiến trúc”. Các khối đá kiểu ấy rải rác ở Xín Mần (Hà Giang), Hoà An (Cao Bằng), Na Hang (Tuyên Quang), Sa Pa (Lào Cai), Lục Nam (Bắc Giang), Tiên Du (Bắc Ninh), Sóc Sơn (Hà Nội)… Trong đó Bãi đá Sa Pa, do các nhà khảo cổ người Pháp phát hiện hồi 1924-1926 được xem là hệ thống đồ sộ nhất bộc lộ rõ ý đồ megalithic. Các megalithic khác thì có mộ cổ Hàng Gòn (huyện Long Khánh – Đồng Nai, niên đại phỏng chừng 2.500 – 3.900 năm về trước), dolmen Tam Đảo – Vĩnh Phúc, thuộc Văn hóa Đông Sơn muộn, niên đại TK II-III. Rồi các mộ cổ Đống Thếch ở huyện Kim Bôi – Hoà Bình, lần lượt xây dựng từ nửa đầu thế kỷ XIII trở đi…
Các kiến trúc đá kể trên được coi là sự hiếm lạ trong dòng chảy cội nguồn kiến trúc Việt. Thực tế người Việt không thường xuyên tìm đến chất liệu đá – thứ vật liệu lý tưởng của kiến trúc vĩnh cửu. Nhưng nói, theo tập quán xây dựng của người Việt đá không được ưu tiên thì đúng hơn. Vì, nhiều dân tộc khác ở Đông Nam Á, châu Á với môi trường sống và tài nguyên tương tự, mà từ thời thái cổ, trung cổ họ đã có thể làm nên những kiệt tác vĩ đại bằng đá hay kết hợp đất đá kiểu đền hang, đền núi. Trong khi đó, kiến trúc đá thuần tuý ở Việt Nam đa phần là các tháp Phật giáo, một số đạt chiều cao đôi ba chục mét, còn lại là tháp nhỏ, cầu đá, giếng đá, trụ biểu, lan can, chân tảng… Cũng có một số kiến trúc bán lộ thiên – đền hang bằng đá ở Ninh Bình và mấy nơi khác, nhưng số lượng ít, kích cỡ chỉ như đền miếu nhỏ.
Nhìn chung trong nghệ thuật truyền thống, vật liệu đá thường xuất hiện ở các hạng mục hạ tầng hay tôn trí nội ngoại thất. Thành công hơn cả phải kể đến các cung điện, tông miếu phong kiến, rồi phần triều, phần tẩm ở những lăng mộ vua chúa, quý tộc thời xưa. Nhưng dù là công trình đá thuần tuý hay công trình kết hợp đá – gạch – gỗ thì sự hiện diện của granit, đá xanh, đá trắng, đá vôi, sa thạch bao giờ cũng làm nổi bật lên vẻ đẹp bền vững và khiến cho chúng trở nên danh giá.
Vang dội nhất là thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa. Chỉ trong ba tháng của năm 1397 bằng lao dịch mồ hôi xương máu, ngày ngày kề cổ bên lưỡi gươm tàn bạo của Hồ Quý Ly người xưa đã dựng nên quần thể kiến trúc đá lừng lẫy nhất trong lịch sử kiến trúc nước nhà. Khiến cho sau này Louis Bezacier phải ca ngợi: thành Tây Đô là một trong những tác phẩm đẹp nhất của nền kiến trúc Việt Nam. Tiếp lời ông, chúng ta – những hậu duệ của trăm họ Đại Việt có thể tự hào nói rằng: thành Nhà Hồ là một trong số công trình bằng đá đẹp nhất Đông Nam Á, mà không sợ quá lời.
Ở thế kỷ XVII-XVIII thì có Tổ hợp Bảo tàng Đá (nằm trên đất 3 huyện của tỉnh Bắc Giang). Đó là cả một cụm 46 lăng mộ cổ bằng đá, mà lăng mộ nào cũng to, cũng đẹp. Trong đó huyện Hiệp Hoà 26 lăng, huyện Việt Yên 15 lăng và huyện Tân Yên 5 lăng. Đáng chú ý, nghệ thuật điêu khắc đá nước ta đạt tới đỉnh cao cổ điển chính là qua những lăng mộ ấy. Thế kỷ 19 thì xuất hiện nhiều âm phần vua Nguyễn ở Huế, rồi tòa phương đình và nhà nguyện Trái tim Đức mẹ của nhà thờ Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Tiếp sang đầu TK 20 có lăng Hoàng Cao Khải, lăng Hoàng Trọng Phu ở Thái Hà Ấp (Hà Nội)…
Cá biệt, trong một quần thể nào đó có khi xuất hiện một, hai hạng mục đơn lẻ có thể hoàn toàn bằng đá xanh, đá vôi. Nhưng đó chẳng qua chỉ là sản phẩm mô phỏng cấu trúc gỗ (có khi đến từng chi tiết), nên chúng luôn ít ỏi và đóng vai trò thứ yếu. Còn như kiến trúc đá ong thì phổ biến trong nhà ở dân gian. Những thành trì có tiếng như thành Xương Giang, thành nhà Mạc, thành Sơn Tây; trong Nam có các tòa thành Hoàng đế, Diên Khánh, Biên Hoà… thì cũng đều có kết hợp đá – đá ong – gạch – gỗ.
Về loại công trình kết hợp đá – gạch – gỗ, vang dội nhất trong lịch sử là quần thể kiến trúc đô thị thời Lê Tương Dực – Cửu Trùng Đài, mà vẻ lộng lẫy vàng son, muôn mái vờn mây của nó thì đời nay chỉ được biết qua truyền thuyết. Nhưng riêng chuyện “phải huy động hàng trăm thuyền lớn chở đá từ Champa ra Thăng Long ròng rã 3 tháng trời mới đủ dùng” cũng đủ giúp hậu thế mường tượng Cửu Trùng đài kỳ vĩ trên nền bệ đá đồ sộ nhường nào.
Nhân nhắc đến hai công trình hoàn toàn bằng đá là tòa phương đình và nhà nguyện Trái tim Đức Mẹ của quần thể Phát Diệm, chợt nhớ: bẵng đi non ba thế kỷ kể từ ngày xây dựng thành nhà Hồ, người nước Nam mới trở lại với dương cơ hoàn toàn bằng đá. Tạm lấy mốc thời gian bắt đầu cho sự trở lại ấy là năm 1687, năm mà linh mục Langlois cho xây dựng nhà thờ bằng đá (dài 49m, rộng 15m) lớn nhất Đàng Trong tại Phủ Cam – Tp Huế. Công trình ấn tượng đến mức tín đồ ngày ấy đã gọi Langlois là Cha Vêrô Đá, khác nào như một lời ngợi ca tài kiến trúc của ngài. Tròn hai trăm năm sau (1887) linh mục Harmon lại cho xây dựng nhà thờ Truông Dốc ở huyện Phự Mỹ, tỉnh Bình Định bằng đá và đá ong. Rồi tiếp đến là những công trình có tên tuổi như nhà thờ đá Sa Pa (thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai. 1895), hay công trình công trình kết hợp đá, đá ong, gạch như tu viện Tà Phìn (xã Tà Phìn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. 1942)… Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là nhà thờ chánh tòa Nha Trang (Tp. Nha Trang) xây dựng 1928 – 1941, do linh mục Louis Vallet chủ trì thiết kế thi công. Mặc dù ở công trình này chỉ dùng đá chẻ lát nền và sân, còn toàn bộ các bức tường nhà thờ xây bằng táp lô xi măng, song cả cấu trúc lẫn hình thức của nó hoàn toàn thuộc về nghệ thuật kiến trúc đá… Còn lại đến ngày nay, trừ những công trình Quốc phòng và lăng mộ, có thể nói những tòa nhà to lớn đồ sộ, với hầu hết bộ phận chi tiết làm nên cấu trúc chính của công trình đều bằng đá chính là một số nhà thờ Công giáo.
Đành rằng xưa nay người Việt ta hễ có điều kiện thì khai thác đá, đặng tận dụng các ưu việt của nó trong xây dựng bền vững. Song le việc kiến tạo này ít được duy trì thường xuyên, nhất là đối với kiến trúc thế tục. Chả cứ ở vùng xuôi mà ngay cả những nơi gần gặn rừng núi tiện bề khai thác đá xây dựng, cũng vậy. Có thể là do 3 nguyên nhân sau:
+ Ít nhân lực: cho đến cuối thế kỷ XIV, kể về lãnh thổ nước Đại Việt ta chỉ dàn trải ở đồng bằng, trung du và miền núi Bắc bộ và bắc Trung bộ ngày nay với số dân ít ỏi, sinh sống rải rác. Lại chưa có một tổ chức cộng đồng đủ mạnh để có thể huy động số rất đông người cần thiết cho khai thác, chế tác và thi công kiến trúc đá lớn. Vốn đòi hỏi rất nhiều tay nghề từ thành thục đến tuyệt xảo.
+ Khả năng khai thác đá rất hạn chế còn do hệ thống đường bộ, đường thuỷ và phương tiện vận tải yếu kém. Lại trong hoàn cảnh mưa bão lụt lội thường xuyên, khó lòng di chuyển hàng nghìn hàng vạn khối đá từ chỗ khai thác đến nơi xây dựng.
+ Trong tiến trình lịch sử ngàn năm, người Việt luôn trong quá trình “về xuôi” hay tiến sâu vào các châu thổ để theo nghề trồng lúa nước, rồi về sau là chăn nuôi trồng trọt nói chung – sinh kế quyết định sự tồn tại và phát triển của họ…Và đây là nguyên chính khiến người Việt đã chọn ngôi nhà tre gỗ làm sở trường kiến trúc truyền thống của mình.
Để gửi lại cho đời sau…
Giữa hôm nay vẫn gạch đá, tranh tre gỗ lạt ấy mà mẹo làm nhà vẫn mỗi nơi mỗi khác. Vả lại cùng một chất liệu truyền thống thì cách thể hiện nó khi ở đài cơ, gian điện, ốc đính hay trang trí, tôn trí cũng đã khác nhau nhiều lắm. Nhất là trong Nghệ thuật kế thừa truyền thống. Rồi còn vẽ kiểu Kiến trúc đô thị ra làm sao để lấy “đất” mà phô diễn chất liệu truyền thống nữa! Để gửi lại tinh hoa của cha ông, cần phải tìm hiểu nghể thổ mộc cho ra nhẽ rồi mới tính đến chuyện to tát giải pháp…
Ngay đến một người thợ, một hiệp thợ mà với đồ lề thổ mộc khác đi thì nhà cửa mồ mả họ dựng lên cũng có thể khác đi. Biết đâu cái đẹp truyền thống có phần ở đó? Thậm chí người ta không chịu học hỏi kỹ thuật quý báu của người xưa mà thay vào đó bằng ham chuộng thao tác bán thủ công học lỏm tây tàu. Lại còn chuyện nghệ thuật Việt mà bươn chải trong mớ đề tài trang trí kiến trúc ngoại bang thì đâu còn là chính mình. Chưa kể vật liệu, chất liệu loạn hết cả lên, người đời không biết đâu mà lần cho ra thể loại này khác. Chả lẽ cứ phóng cái đình làng mấy chục lần to tướng là vớ được một Trung tâm văn hóa thời thượng hay sao?
Đành rằng công chúng kiến trúc khắp chợ cùng quê ngó nghiêng nhiều mỗi khi ngang qua vài công trình hiện đại na ná truyền thống. Cũng phải thôi, thấy hay con mắt ai chả à vào. E rằng không ít quý vị trong số đó, người Nam ta hẳn hoi mà lại thích khoe sự sành điệu chất liệu kiến trúc bằng cái nhỡn tiền tò mò hám của lạ của cánh du lịch ngoại quốc. Trong khi đất lề quê thói, hát hò đàn đúm mỗi nơi mỗi khác… Nguyên cái việc bệ nguyên xi một nếp nhà từ làng này sang làng nọ, thì đã như một sự xuất khẩu nghệ thuật rồi.
Hoài của, dấu ấn bàn tay thổ mộc tài hoa bị khuất mắt người đời. Nếu để mắt đến thứ kiến trúc đô thị phô trương truyền thống rởm thì không khéo nhầm lẫn vật liệu xây dựng với chuyện cổ tích. Chất liệu cái thì giả bộ ông cụ non, cái thì cưa sừng làm nghé. Tỉa tót gọt rũa chẳng ra đâu vào đâu, treo đầu dê bán thịt gì chả biết! Cùng lắm gắng gượng đôi ba ngón nghề xạo. Thói thường, thiết kế nhập tâm thì ra cái hồn, thiết kế xạo chỉ ra ngón nghề bắt chước.
Nhà tầm tầm thì bươn chải cho mon men đến kiến trúc phú quý đời xưa, nhà khá giả lại sưu tập cái khốn khó của chất liệu ra điều ăn diện ngầm, lắm của chìm. Người miền xuôi dân mạn ngược đua nhau dựng nhà rường Huế, chốn phồn hoa đô hội bỗng chất ngất nhà Rông. Cái ân tình của chất liệu truyền thống bị biến thái tréo ngoe, lạ lẫm. Nhìn vào tức anh ách. Nói dại, rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu và Con người muôn thuở – những tài nguyên hàng đầu của Kiến trúc đô thị nước nhà dễ mai một sớm chiều.
Rõ ràng những vật liệu truyền thống trong kiến trúc Việt Nam đang đổi mới, đang có nhiều những xáo trộn. Song cũng cần được nhìn nhận để tiếp thu phát triển những mặt tích cực, hạn chế những vấn đề chưa phù hợp, để tạo ra những truyền thống mới cho giai đoạn hiện nay của vật liệu kiến trúc truyền thống Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, hòa nhập quốc tế mà vẫn phát huy được bản sắc dân tộc. Nhưng để có những giải pháp sử dụng vật liệu nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng, phù hợp với đặc điểm lịch sử, kinh tế, xã hội và khí hậu của từng vùng miền, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên cũng cần có nhiều hơn nữa những công trình khoa học nghiên cứu. Rất cần những nội dung cụ thể để kế thừa và phát huy các giá trị vật liệu xây dựng truyền thống – những tinh hoa của nghề thổ mộc của cha ông từ quá khứ cho kiến trúc đương đại và tương lai, giúp tránh. Và, những gì tương tự nơi kho báu phát minh của các nhà khoa học – lực lượng tiền phong, lôi kéo giới kiến trúc sư đương đại nước nhà trên đường sáng tạo./.
Kts. Đoàn Khắc Tình
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM