30/08/2019

Vành đai công nghiệp Thủ đô và những hệ lụy tới môi trường

Trận cháy tại một nhà máy công nghiệp lâu năm vừa xảy ra đã bộc lộ những khiếm khuyết “chết người” trong quy hoạch công nghiệp của Thủ đô.

Hơn hai mươi năm trước, khi quy hoạch khu công nghiệp – khu công nghệ cao của miền Bắc Việt Nam – “người ta” chọn Hòa Lạc cách nội thành Hà Nội khoảng 25-35km làm nơi xây dựng. Nhưng mười năm sau, nơi này lại nằm trong vùng phát triển của Thủ đô. Đó vẫn là điều mừng bởi đây là khu công nghiệp ít gây ô nhiễm môi trường nhất.

Ngược lại, các khu công nghiệp gây ô nhiễm nặng nề lại đặt sát Hà Nội, có khu còn lọt thỏm giữa trung tâm. Cụ thể: phía Tây Hà Nội có khu công nghiệp Thượng Đình; phía Nam là khu công nghiệp Vĩnh Tuy – Thanh Trì – Minh Khai, Văn Điển; phía Tây Bắc có khu công nghiệp Chèm; phía Đông Bắc (bên kia Sông Hồng) có các nhà máy xe lửa Gia Lâm, các nhà máy thuộc khu công nghiệp Yên Viên, Đông Anh…

Vụ cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đang có nguy cơ xấu về môi trường.     Ảnh Hoàng Minh

Vụ cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đang có nguy cơ xấu về môi trường. Ảnh Hoàng Minh

Những bất cập này nhanh chóng bộc lộ khi Hà Nội phát triển nhanh và mạnh. Bởi thế, sau khi Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt, vấn đề di dời các các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn 12 quận huyện đã được đặt ra.

Năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành, nhưng sau 2 năm, tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2018, số liệu báo cáo được đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở.

Sự chậm trễ trong công tác di dời này càng khiến nhiều nhà quản lý sốt ruột. Nhiều nơi, cơ sở sản xuất công nghiệp nằm lọt thỏm giữa các khu dân cư đông đúc. Hàng vạn dân bao quanh phải sống trong môi trường ô nhiễm kéo dai. Đó là chưa kể những nguy cơ do cháy nổ, khí thải từ sản xuất công nghiệp…

Tầm nhìn quy hoạch còn bị phá vỡ nhanh chóng khi số lượng các khu, cụm công nghiệp tăng nhanh. Theo phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội sẽ có 33 khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (KCNC). Thế nhưng, sau những điều chỉnh, đến nay, Hà Nội đã có 38 Khu, Cụm công nghiệp. Sự phát triển nhanh và mạnh này đã góp phần vào gia tăng giá trị tăng trưởng của Thủ đô, song cũng đặt môi trường đô thị của thành phố vào nhiều thử thách  với những nguy cơ tiềm ẩn.

Nhìn vào danh mục các Khu cụm công nghiệp trên địa bàn Thủ đô có thể thấy, bốn bề Hà Nội đều phát triển các khu công nghiệp. Nghĩa là bất cứ hướng gió nào, vào mùa nào – nội thành Thủ đô cũng phải chịu không khí công nghiệp gây ô nhiễm. Chính những khu công nghiệp này là thủ phạm gây lên bao hệ lụy về môi trường sống. Và mới nhất, vụ cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (28/8) đã và đang để lại nhiều hệ lụy chưa thống kê được.

Đó mới chỉ là hệ lụy từ một vụ cháy. Sẽ còn những nguy cơ dài lâu và nguy hiểm hơn khi để kéo dài nhiều khu vực sát khu công nghiệp, công trường xây dựng… có nồng độ bụi cao gấp 7-10 lần tiêu chuẩn cho phép. Chỉ số ô nhiễm bụi trung bình qua các năm tại những điểm dân cư cạnh các khu công nghiệp mới thành lập đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,3 – 2 lần.

Không chỉ thế, nguồn thải từ các khu công nghiệp là tác nhân lớn gây ô nhiễm nguồn nước. Các mẫu nước đều có nồng độ ô nhiễm BOD5, COD cao hơn từ 7-10 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Nơi nhiều nhà máy hoạt động và rau xanh Hà Nội vẫn được trồng trọt trên vùng đất và nước đó. Và nguy cơ rau xanh nhiễm khuẩn, nhiễm các chất độc hại là thường trực.

Sản xuất công nghiệp đang đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhưng nếu công nghiệp (do con người tạo ra) lại làm suy giảm chất lượng sống của chính con người, buộc chúng ta phải bỏ rất nhiều tiền của khắc phục – thì sự tăng trưởng công nghiệp còn được mấy ý nghĩa?

Ngọc Lý/Báo Tài nguyên và Môi trường