05/01/2024

Vai trò của kiến trúc trong việc thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn

(KTVN 247) – Phát triển du lịch nông thôn đang là xu hướng phù hợp trong bối cảnh đô thị hoá đang làm cho bản sắc nông thôn ngày càng nhạt nhoà. Vai trò của kiến trúc trong việc phát triển du lịch nông thôn, rộng hơn nữa là vai trò giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của địa phương theo hướng phù hợp với đời sống và phương thức sản xuất dương đại, đang được chú trọng hơn trong thời gian gần đây. Trong đó, kiến trúc thân thiện với môi trường, hàm chứa đặc trưng địa phương, được thiết kế theo hướng độc đáo sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất được dùng để quảng bá du lịch nông thôn.

Để giúp độc giả có được góc nhìn rõ hơn về vấn đề “kiến trúc thúc đẩy du lịch nông thôn” Tạp chí Kiến trúc Việt Nam có cuộc phỏng vấn với Ông Lê Đức Viên – Kiến trúc sư chuyên nghiên cứu về lĩnh vực Kiến trúc dân gian Việt Nam và Chủ nghĩa kiến trúc vùng miền.

PV: Tầm quan trọng về phát triển du lịch nông thôn đã được nêu bật trong những năm gần đây tại Việt Nam, trong đó kiến trúc phục vụ du lịch nông thôn cũng đang được chú ý nhiều hơn. Vậy ông có thể cho độc giả biết kiến trúc có vai trò thúc đẩy du lịch nông thôn như thế nào?

KTS Lê Đức Viên: Cùng với quá trình từng bước phát triển khu vực đô thị, những năm gần đây Việt Nam tiếp tục chú trọng đến việc phát triển khu vực nông thôn, mà tiêu biểu là thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Là một trong các nội dung quan trọng về phát triển nông thôn mới, Du lịch nông thôn đã có những bước tiến quan trọng, hướng đến thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Thực tiễn phát triển du lịch nông thôn cho thấy rằng cần có sự phối hợp trên nhiều phương diện, không chỉ thúc đẩy riêng về du lịch mà còn cần có sự đóng góp quan trọng từ các công tác khác, từ phát triển nông-lâm-ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, văn hoá địa phương, cho đến quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng… Trong đó, kiến trúc, mà đặc biệt là kiến trúc có liên quan trực tiếp đến hoạt động du lịch nông thôn, đóng góp một vai trò không hề nhỏ trong sự phát triển chung.

Kiến trúc mới mang đặc trưng bản địa (Hà Giang)

Với vai trò là một thực thể thiết yếu về công năng và nổi bật về hình thái trong tổng thể không gian, kiến trúc có một vị thế quan trọng trong việc tạo dựng thương hiệu cho một vùng nông thôn. Ở các vùng này, do mật độ thấp, kiến trúc thường xuất hiện với một vị thế trung tâm, được con người chú ý đến nhiều hơn, sự tươi đẹp của cảnh quan thiên nhiên hay cảnh quan nông nghiệp không những không làm giảm đi sự quan trọng của kiến trúc, mà ngược lại còn tôn vinh sự tồn tại của kiến trúc. Trong bối cảnh kiến trúc đô thị từ miền Bắc đến miền Nam, từ vùng cao đến vùng biển đều đang chạy theo xu thế tương đồng, thì những kiến trúc có đặc trưng rõ ràng, có những nét riêng biệt của các vùng nông thôn dễ được con người tìm hiểu và ghi nhớ hơn. Bên cạnh đó, kiến trúc cũng là kết tinh các yếu tố bản địa, không gian kiến trúc thể hiện được phương thức sinh hoạt và quan niệm về các mối quan hệ, hình thái kiến trúc thể hiện được quan niệm thẩm mỹ, kết cấu và cấu tạo thể hiện được trình độ kỹ thuật và khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên… Bởi vậy, kiến trúc là một thực thể rất phù hợp để truyền tải các giá trị địa phương đến với du khách, những người về nông thôn để tìm lại những ký ức, những trải nghiệm, những giá trị đang dần bị mai một trong cuộc sống đương đại. Từ các yếu tố trên, có thể thấy, muốn du lịch nông thôn có điểm nhấn, gây được ấn tượng, tạo dựng được hình ảnh đặc thù, thì sự thúc đẩy từ khía cạnh kiến trúc là một phần không thể thiếu, trong đó, mỗi đơn thể kiến trúc phục vụ du lịch đều phải phát huy được tối đa vai trò và giá trị của mình.

Kiến trúc có thể được xem như là một phương tiện quảng bá hiệu quả cho du lịch nông thôn, là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thu hút du khách. Ngoài những kiến trúc vốn có của địa phương, ở đây chúng ta đặc biệt đề cập đến những kiến trúc tham gia trực tiếp vào việc phục vụ du lịch, như trung tâm tiếp đón, nhà cộng đồng, nhà trưng bày, cơ sở sản xuất, trang trại, địa điểm ăn uống, lưu trú… Những kiến trúc này càng thể hiện được sự độc đáo thì càng khơi dậy được sự tò mò, háo hức, từ đó thu hút được du khách đến trải nghiệm. Tuy vậy, hiện nay chúng ta chưa chú trọng nhiều đến khía cạnh này, các kiến trúc phục vụ du lịch hiện nay đa phần còn sơ sài, chưa được chú trọng đầu tư một cách rộng rãi mà chỉ mới thực hiện được ở một số nơi trọng điểm, hoặc chỉ được thực hiện một cách tự phát, nhỏ lẻ và chưa nhận được sự tư vấn từ các đơn vị chuyên nghiệp, nên hiệu quả còn rất hạn chế.

PV: Kiến trúc được xem như phương tiện quảng bá hiệu quả cho du lịch nông thôn. Như vậy, theo ông kiến trúc sư nói chung và người dân ở các địa phương cần phải làm gì? thực hiện như thế nào để mô hình du lịch nông thôn phát huy hiệu quả, thu hút được du khách?

KTS Lê Đức Viên: Những năm qua tôi đã đi khá nhiều nơi từ Bắc đến Nam để khảo sát về kiến trúc dân gian, quá trình này một mặt giúp tôi đích thân trải nghiệm và cảm nhận sâu sắc giá trị của từng loại hình kiến trúc đặc sắc khác nhau của các vùng miền, nhưng một mặt cũng làm tôi thấy đau đáu khi nhìn rõ sự tàn phá của đô thị hoá đối với các kiến trúc đó. Sự mai một của những yếu tố mang tính truyền thống là điều hiển nhiên không thể tránh khỏi, nó là quy luật vận hành tự nhiên của xã hội loài người. Tuy nhiên, trong khi chúng ta chưa thực sự nhận diện đầy đủ về giá trị kiến trúc truyền thống, chưa định hình được hướng phát triển bản sắc kiến trúc Việt Nam một cách rõ ràng, phải đi áp dụng nhiều loại hình kiến trúc chưa hoàn toàn phù hợp với bản địa, sao chép tràn lan một cách thiếu chọn lọc, thì sự mai một đó lại là một điều rất đáng tiếc. Sự thay đổi của kiến trúc cũng thể hiện sự thay đổi của phương thức sinh hoạt và cả quan niệm về nhiều mặt đời sống, bởi vậy, muốn thu hút được du khách đến tìm hiểu về đời sống nông thôn, chúng ta phải chọn lọc, gìn giữ, và phát huy những giá trị kiến trúc vừa phù hợp với cuộc sống đương đại, vừa bao hàm được những giá trị độc đáo riêng biệt của vùng. Thiết nghĩ, điều trước tiên và quan trọng nhất trong phát triển kiến trúc Việt Nam nói chung, và trong phát triển kiến trúc làm động lực thúc đẩy du lịch nông thôn nói riêng, là đừng đánh mất bản sắc. Một khi đã nhận diện, gìn giữ và phát huy được bản sắc kiến trúc địa phương, chắc chắn chúng ta sẽ nâng cao được hiệu quả quảng bá, thu hút du khách ngày một nhiều hơn.
Đối với người dân địa phương, cần duy trì và phát huy những phương thức sản xuất và sinh hoạt mang tính đặc trưng, đồng thời những phương thức đó phải phù hợp với điều kiện mới. Chúng ta cần hiểu rõ rằng du khách đến với du lịch nông thôn, ngoài các nhu cầu về trải nghiệm môi trường tự nhiên và môi trường nông nghiệp, thì việc tìm hiểu và trải nghiệm đời sống người dân nông thôn là một nhu cầu cực kỳ quan trọng. Nếu nông thôn cũng chỉ có những ngôi nhà như thành phố, con người cũng sinh hoạt không khác gì thành phố, thì chắc chắn rằng sẽ chẳng có mấy người muốn đến và trải nghiệm điều mà họ đã quen thuộc. Ở đây chúng ta không níu giữ những điều đã trở nên lạc hậu hay bất tiện nghi, chúng ta vẫn phát triển theo hướng hiện đại, làm cho cuộc sống tiện nghi hơn, nhưng cùng với đó là phải nắm bắt được điều gì là bản sắc để giữ gìn và phát triển. Tất nhiên điều này là không hề dễ dàng, cần có sự định hướng cụ thể từ các ban ngành địa phương và sự phối hợp của các đơn vị chuyên môn thì mới có thể đạt hiệu quả cao.

Đối với các kiến trúc sư, tôi nghĩ cần phải tham gia sâu hơn nữa vào công cuộc phát triển kiến trúc nông thôn, đặc biệt là với các kiến trúc phục vụ cho các dịch vụ du lịch. Là người có chuyên môn, kiến trúc sư phải nghiên cứu và nắm rõ được các đặc trưng vùng, từ đó áp dụng vào trong thực tiễn thiết kế kiến trúc. Khi kiến trúc đã có yếu tố du lịch, nó không đơn thuần chỉ giải quyết vấn đề công năng, mà còn mang trọng trách truyền đạt bản sắc, gây ấn tượng về phương diện thẩm mỹ. Các công trình phải đạt được tính độc đáo, mới lạ, mà vẫn phải toát lên được vẻ đẹp và linh hồn của địa phương nơi nó được dựng nên. Ngay cả những trang trại chăn nuôi, cơ sở sơ chế nông sản, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ… cũng hoàn toàn có thể trở thành những công trình đặc sắc. Bản thân tôi đã từng tham gia vào một trong những hạng mục thiết kế các trại chăn nuôi tại mô hình Công xã nông nghiệp Sun Commune tại Chiết Giang, Trung Quốc. Tất cả những công trình kiến trúc phục vụ du lịch và sản xuất nông nghiệp ở đây được chú trọng đầu tư về thiết kế một cách mạnh mẽ, với sự tham gia của các giáo sư, kiến trúc sư đến từ nhiều trường đại học danh tiếng. Điều này đã tạo nên những tác phẩm kiến trúc mang tính đột phá cho địa phương, gây được sự chú ý cả trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp lẫn lĩnh vực nghiên cứu kiến trúc.

Hoạt động nông nghiệp gắn liền với kiến trúc (Hà Nội)

Sự thành công của mô hình này ở Trung Quốc cũng như nhiều mô hình khác đã được thực hiện ở Hàn Quốc, Nhật Bản có thể trở thành những bài học có giá trị tham khảo lớn dành cho sự phát triển của kiến trúc trong du lịch nông nghiệp nông thôn Việt Nam. Một khi sự tham gia của kiến trúc sư đã hình thành nên được một chuỗi những công trình vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc, nó sẽ không chỉ có tác dụng trước mắt về việc thu hút và phục vụ du khách, mà về lâu dài nó còn có khả năng định hướng cho sự phát triển của kiến trúc trong vùng. Người dân có thể học hỏi và áp dụng vào kiến trúc của mình, từ đó hình thành nên một hệ thống kiến trúc vừa độc đáo riêng biệt, lại vừa có tính thống nhất về đặc trưng vùng.

PV: Việc phát triển Du lịch nông thôn đang được thực hiện từ nhiều phía theo “Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” của Chính phủ. Cần những giải pháp nào dể kiến trúc thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn? 

KTS Lê Đức Viên: Về phương diện bản sắc kiến trúc, cần có sự nhìn nhận đúng đắn và hành động mạnh mẽ hơn nữa. Vấn đề phát triển kiến trúc cũng tương tự như vấn đề phát triển cá nhân con người, nếu chúng ta không dừng lại, quan sát, suy ngẫm để hiểu rõ bản thân mình, thì chúng ta chỉ luôn sống trong một trạng thái mơ hồ, thiếu định hướng và mục tiêu, hoặc giả sử là có đi chăng nữa, đôi lúc chúng ta cũng sẽ giật mình tự hỏi rằng hướng đi và mục tiêu đó có rõ ràng và chính xác như những gì ta thật sự mong muốn hay chưa.

Tôi cho rằng trong bối cảnh xu thế kiến trúc tương đồng, vô cảm, thiếu nội hàm, đang tấn công mạnh mẽ vào mọi ngóc ngách của kiến trúc Việt Nam, thì việc nhận diện và phát triển bản sắc kiến trúc là một hướng đi bức thiết phải thực hiện. Cách làm là nghiên cứu rõ đặc điểm nổi bật của vùng, như điều kiện tự nhiên, văn hóa – xã hội, kinh tế – kỹ thuật, để sáng tạo nên những công trình vừa đảm bảo yếu tố độc đáo, tiện nghi, đương đại, vừa phù hợp với đặc trưng vùng miền, từ đó tạo được điểm nhấn kiến trúc đặc biệt cho vùng.

Về phương diện công năng, cần lấy yêu cầu về đời sống nông thôn làm nền tảng chính, lấy yêu cầu về du lịch làm yếu tố bổ sung và hoàn thiện. Thiết kế công năng kiến trúc phải phù hợp với đời sống sản xuất nông nghiệp của địa phương, phải là nơi người dân địa phương cảm nhận được đúng tinh thần, cảm xúc, tự hào về cốt cách văn hoá của vùng mình. Đồng thời với đó, kiến trúc vẫn đáp ứng được yêu cầu cao về cơ sở vật chất và trải nghiệm tinh thần của khách du lịch. Kiến trúc tham gia vào việc hình thành mối liên hệ chặt chẽ giữa hai yếu tố đời sống nông thôn và dịch vụ du lịch thì sẽ tạo được sự thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển.

Về phương diện phát triển lâu dài, cần tạo được hệ sinh thái kiến trúc bền vững và cộng đồng bền vững. Ngày nay, con người thường chạy theo những lợi ích trước mắt mà xem nhẹ sự phát triển vững về lâu dài, kiến trúc sư cần kiên trì quan niệm về môi trường xanh, kiến trúc xanh. Khi tiến hành thiết kế, chúng ta phải tôn trọng và gìn giữ môi trường tự nhiên, tạo lập môi trường sản xuất xanh, phát triển kiến trúc xanh. Tận dụng tối đa các nguồn lực tại địa phương, như vật liệu tại chỗ, nhân công cùng kỹ thuật truyền thống địa phương, vừa giảm thiểu chi phí xây dựng, vừa tạo được sự gắn kết cộng đồng, làm cho người dân luôn cảm thấy tự hào và có trách nhiệm đối với các công trình nổi bật trong vùng. Làm được điều này thì không chỉ kiến trúc mà cả du lịch cũng sẽ có cơ hội phát triển một cách bền vững, hạn chế tình trạng ăn xổi, làm mất niềm tin từ du khách như hiện nay.

Các chuồng trại chăn nuôi với kiến trúc độc đáo (Trung Quốc)

PV: Khi thực hiện các dự án về quy hoạch kiến trúc du lịch nông thôn, ông thấy những vướng mắc hoặc rào cản nào dẫn đến khó khăn cho chủ doanh nghiệp hoặc người dân?

KTS Lê Đức Viên: Trong quá trình khảo sát và tiếp xúc với nhiều nhà cổ ở nông thôn, tôi nhận thấy mặc dù giá trị kiến trúc rất cao nhưng nhiều gia đình không có đủ điều kiện kinh tế để duy tu bảo dưỡng thường xuyên, khiến kiến trúc ngày càng xuống cấp. Rất nhiều căn nhà vì lý do này mà dần dần biến mất, để lại sau đó là những nỗi tiếc nuối và hoài niệm. Một số trường hợp thì có khả năng gìn giữ kiến trúc, có làm du lịch từ kiến trúc, nhưng với nỗ lực tự thân hạn chế, họ thường không thể duy trì lượng khách một cách đều đặn để có thu nhập ổn định. Cần lắm những sự hỗ trợ kịp thời về các phương án duy tu bảo dưỡng các công trình kiến trúc có giá trị ở địa phương, đồng thời cần sự hỗ trợ đồng bộ về quy hoạch du lịch để người dân được tham gia và có nguồn thu nhập tốt từ chính ngôi nhà của mình.

Có trường hợp chủ đầu tư muốn thực hiện mô hình homestay nhà tranh vách đất để tạo dựng lại không gian xưa, nhưng sau phải dừng dở dang vì không đảm bảo được các tiêu chuẩn PCCC như đối với nhà xây bằng vật liệu mới hơn. Để tháo gỡ những vướng mắc này, chúng ta cần phải nghiên cứu và đề xuất những tiêu chuẩn riêng phù hợp đối với các dạng kiến trúc trong khu vực du lịch nông thôn, một mặt đảm bảo được các quy định cơ bản về kiến trúc, một mặt vẫn tạo được không gian thiết kế đột phá, thúc đẩy sáng tạo đối với kiến trúc sư.

Ngay nơi tôi đang sống cũng là vùng được quy hoạch là khu du lịch văn hoá, làng nghề, phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương. Tuy nhiên, qua nhiều năm, sự đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả vẫn chỉ mới dừng ở mức độ cục bộ, chưa kích hoạt được tổng thể du lịch của cả vùng. Kiến trúc chưa được nhận dạng rõ ràng, chưa có công trình trọng điểm gây ấn tượng về du lịch, các cơ sở làng nghề còn tồn tại với quy mô nhỏ, chưa tạo được nguồn thu nhập đáng kể cho người dân từ hoạt động du lịch.

Vấn đề nằm ở chỗ, việc phát triển về văn hoá, làng nghề, nếu không thực hiện nhanh chóng hơn và có sức lan toả hơn, thì một khi những người nắm giữ linh hồn văn hoá, những người nghệ nhân cao tuổi dần ra đi, rất khó để có thể kế thừa và xây dựng lại những giá trị quý báu vốn có này.

Đây chỉ là vài ví dụ sơ khởi trong rất nhiều những vướng mắc liên quan đến thực tiễn phát triển du lịch nông thôn. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện một cách khoa học, đồng bộ, khắc phục những khó khăn còn tồn tại để đạt được hiệu quả cao hơn nữa. Tôi nghĩ rằng Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển du lịch nông thôn, giai đoạn 2021-2025, mới chỉ là sự khởi đầu cho công cuộc phát triển nông thôn của nước nhà. Trong những giai đoạn tiếp theo, chắc chắn chúng ta sẽ có những chính sách cụ thể và quyết liệt hơn nữa để thực hiện được các mục tiêu cụ thể. Trong đó, kiến trúc tiếp tục đóng vai trò là một trong những lĩnh vực hạt nhân góp phần vào sự phát triển chung của nông thôn Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn KTS đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!