14/04/2017

Ứng dụng công nghệ B.I.M trong quản lý dự án đầu tư xây dựng

Ông Lê Như Thạch – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bcons chia sẻ việc ứng dụng mô hình thông tin xây dựng B.I.M trong việc thiết kế, thi công và quản lý xây dựng.

– Mô hình thông tin xây dựng B.I.M có đặc điểm gì nổi bật, thưa ông?

– B.I.M (Building Information Modeling) là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành, bảo trì của công trình.

Trong xây dựng, các thông tin về kích thước, thông số kỹ thuật, giá thành, khả năng thi công, tiến độ thi công, nhu cầu huy động vật tư, nhân lực… của từng bộ phận công trình được tích hợp trong một cơ sở dữ liệu thống nhất, có thể dễ dàng truy cập, điều chỉnh.

Từ đó, các bên tham gia vào dự án có thể lựa chọn, thay đổi và bổ sung những thuộc tính cho công trình; cơ sở dữ liệu do một bên thay đổi được tự động cập nhật vào cơ sở dữ liệu chung, đảm bảo tính thống nhất của dự án.

polyad

Ông Lê Như Thạch Thạch – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bcons trong lễ khánh thành Bcons Tower vào ngày 18/3.

– Việc ứng dụng công nghệ này trong lĩnh vực xây dựng tác động như thế nào đến cho các bên liên quan?

– B.I.M cung cấp cái nhìn tổng thể, rõ ràng về công trình, giúp các bên liên quan đến dự án đưa ra các quyết định phù hợp, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả công việc. Điều này sẽ hạn chế việc thay đổi thiết kế hoặc trong quá trình xây dựng

Nội dung trong mô hình B.I.M là các thông tin tham số, có thể thay đổi theo ý người dùng. Khi có nhu cầu cần sửa lại thiết kế, mô hình, đối tượng liên quan như khối lượng, bản vẽ và tính toán sẽ được cập nhật lại. Điều này sẽ hiệu quả với các thiết kế phải sửa đổi nhiều trong quá trình phê duyệt cũng như thi công thực tế.

Công nghệ B.I.M cho phép các bên tham gia có cơ hội tiếp xúc sớm với dự án, đồng thời dễ dàng nhận ra những điểm thiết kế không phù hợp, không đồng bộ của từng bộ môn thiết kế. Điều này giúp thiết kế chính xác, giảm thiểu khả năng xung đột trong quá trình triển khai của dự án.

B.I.M mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho tất cả các bên liên quan khi triển khai một dự án. Trong đó, đội ngũ thiết kế có thể giảm chi phí thiết kế và sản xuất. Nhà thầu có thể phối hợp tốt hơn với đơn vị liên quan hay chi phí lập dự toán và quản lý mua sắm hiệu quả. Ngoài ra, chủ đầu tư có thể tính toán chắc chắn hơn các kết quả đầu ra liên quan đến chi phí dự án, thời gian và vận hành bảo trì.

– Bcons đã đạt được thành tựu gì trong quá trình triển khai công nghệ B.I.M?

– Từ năm 2013 đến nay, không chỉ triển khai và ứng dụng công nghệ B.I.M, Bcons còn xây dựng bộ máy theo hướng thành thạo ứng dụng công nghệ quản lý B.I.M, nâng cao hiệu quả công việc, hoàn thành quy trình kiểm soát, quản lý trên tất cả dự án. Nhờ vậy, thương hiệu Bcons được nhiều khách hàng và nhà đầu tư trong nước biết đến qua các dự án như khách sạn 5 sao Sacom Resort, chung cư cao tầng Samland Airport, nhà xưởng sản xuất Sam Cường, tòa nhà quỹ đầu tư phát triển Bình Dương…

Nằm trong top 20 công ty thiết kế, thi công xây dựng dân dụng và công nghiệp, Bcons hướng đến mục tiêu trở thành công ty ứng dụng B.I.M hàng đầu lĩnh vực thiết kế, thi công và quản lý xây dựng trong 3 năm tới.

polyad

Trụ sở chính công ty Bcons tại Bcons Tower – 4A/167A đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM.

– Thực tiễn ứng dụng và chuyển giao công nghệ B.I.M của Bcons gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

– Việc ứng dụng B.I.M gặp nhiều khó khăn hơn thuận lợi. Đó là do đội ngũ quản lý chưa có kiến thức và kinh nghiệm quản lý bằng mô hình B.I.M; các đơn vị phối hợp (chủ đầu tư, nhà thầu…) thiếu nhà quản lý B.I.M có kinh nghiệm và làm tăng chi phí đầu tư ban đầu cho việc đào tạo đội ngũ thiết kế và trang thiết bị. Sau khi áp dụng cho nhiều công trình, công nghệ này giúp tiết kiệm 67% thời gian thiết kế, không còn tình trạng phát sinh chi phí vì đã lường hết các tình huống và thời gian thi công nhanh.

– Xu hướng Design & Build (thiết kế và thi công) đang được các nhà thầu xây dựng ưu tiên sử dụng, xem đó như một lợi thế để cạnh tranh. Vậy Bcons sẽ ứng dụng xu hướng này như thế nào?

– Với việc ứng dụng B.I.M vào quản lý thiết kế và thi công, phương pháp đấu thầu Design & Build mang lại nhiều lợi ích cho nhà thầu và chủ đầu tư.

Cụ thể, chủ đầu tư có thể giảm chi phí quản lý và giám sát, tối ưu hóa thiết kế và tiết kiệm thời gian thi công, giảm thiểu chi phí phát sinh.

Các nhà thầu có thể tối ưu hóa thời gian thiết kế và thi công, giảm chi phí không cần thiết vì thiết kế sát thực tế với biện pháp thi công mà nhà thầu đang ứng dụng đồng thời lường trước được các khó khăn xảy ra trong quá trình thi công mà không tốn thời gian dừng lại để xử lý. Với công nghệ quản lý B.I.M, việc Design & Build càng thuận lợi hơn, giúp các chủ đầu tư tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư.

polyad

Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và sân Golf (Sacom Resort) tại khu vực Hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

– Lĩnh vực xây dựng mang lại bao nhiêu % trong tổng số doanh thu của công ty?

– Tổng doanh thu năm 2016 của Bcons gần đạt 100 tỷ đồng, trong đó thiết kế và thi công xây dựng chiếm 80%. Từ năm nay, Bcons sẽ có thêm 2 loại doanh thu mới từ cho thuê văn phòng và đầu tư bất động sản. Dự kiến, tổng doanh thu 2017 là 200 tỷ đồng, trong đó thiết kế và thi công xây dựng chiếm 80%. Hiện nay, doanh thu hàng năm tăng trưởng 100%.

– Ông có thể chia sẻ định hướng phát triển của công ty trong thời gian tới?

– Hiện nay, 50% các dự án thi công xây dựng của Bcons là từ đấu thầu công khai. Về kinh nghiệm, Bcons có đủ kinh nghiệm thi công nhà xưởng, nhà cao tầng, các công trình có nhiều hơn 2 tầng hầm và 22 tầng cao. Bên cạnh đó, Bcons đang hợp tác với Công ty PPSN – một công ty tư vấn thiết kế của Thái Lan, triển khai các dự án ứng dụng B.I.M. Hiện, công ty bắt đầu triển khai dự án hợp tác đầu tiên là ứng dụng B.I.M cho việc quản lý thi công một bệnh viện tại Bangkok với quy mô 15 tầng.

Huệ Chi/Vnexpress.net