14/11/2022

Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2022 công bố kết quả cuộc thi Designed by VietNam lần thứ ba

(KTVN) – Tối ngày 11/11 tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế (TP Huế), Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – VietNam Design Week 2022 chủ đề “Những Kỳ vọng Mới” đã chính thức khép lại với lễ công bố và trao giải cuộc thi Designed by VietNam lần thứ ba. 

Ông Phan Ngọc Thọ – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thay mặt địa phương chính đăng cai VNDW2022 phát biểu

Giải Nhất cuộc thi đã thuộc về nhà thiết kế trẻ Ngô Gia Khang với tác phẩm “Your Choice” (lĩnh vực Thiết kế Truyền thông). Theo đánh giá của ban giám khảo, tác phẩm Your Choice đã khắc hoạ chân tướng một vấn đề nhức nhối của xã hội Việt Nam hiện đại. Rối Loạn Tâm Lý Vị Thành Niên Thành Niên. Hiệu ứng đồ hoạ sinh động với lựa chọn màu sắc mạnh bạo tạo hiệu ứng cấp thiết cho vấn đề phức tạp của thời đại. Nó đưa ra những liên hệ hình ảnh trực diện để bất kỳ ai đều có thể soi chiếu. Bộ thiết kế nhận diện có tính biểu tượng như những phép ẩn dụ bằng hình ảnh để hỗ trợ chúng ta không chỉ nhận dạng những nguyên nhân, biểu hiện, hành vi rối loạn tâm lý mà còn đưa ra những gợi ý về giải pháp để hỗ trợ và khắc phục. Hơn nữa, Your Choice đã khơi gợi lòng trắc ẩn và sự thấu cảm của toàn xã hội, của những người xung quanh đối với những nạn nhân bị rối loạn tâm lý. Bộ thiết kế này là đại diện xuất sắc cho sự sáng tạo mang tác động xã hội. 

Giải Nhất được trao cho tác giả Ngô Gia Khang với tác phẩm “Your Choice”

Giải Nhì thuộc về tác phẩm “Khắc Nhập” (lĩnh vực Thiết kế Trang phục) của tác giả Trần Xuân Hiến. “Đây là một bài dự thi thiết kế hoàn chỉnh cả về hình thức đến nội dung. Tác giả đã chứng tỏ sự lành nghề của mình trong từng tiểu tiết của thiết kế. Vốn hiểu biết về tính chất của từng chất liệu đã thể hiện rất rõ nét qua việc phối hợp và kiểm soát hai chất liệu dân gian với nhau. Chất liệu sừng trâu cứng nhắc và chất liệu tre linh hoạt. Sáng và tối. Thô và sắc. Tác giả còn biết tận dụng và tìm cách để tôn vinh những tính chất có thể thường bị cho là nhược điểm như đầu mặt tre, phần sừng trâu trầy xước. Nhà thiết kế cũng thể hiện một thái độ nghiêm túc và một tinh thần làm việc dấn thân đến phút cuối. Sự cầu toàn trong Khắc Nhập đã đưa thiết kế đạt đến độ hoàn chỉnh cả về hình thức đến nội dung, cấu trúc đến tỉ lệ. Ý tưởng của Khắc Nhập không chỉ được thể hiện thành công qua mỗi một sản phẩm tách biệt mà qua cả một chuỗi sản phẩm thống nhất. Một bài dự thi có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao. Có thể đi vào cuộc sống ngay lập tức!” – giám khảo Vũ Thảo cho biết.   

Giải Nhì được trao cho tác giả Trần Xuân Hiến với tác phẩm “Khắc Nhập”

Bộ sưu tập “Phục” của tác giả Trần Nhật Anh giành giải Ba với ý tưởng táo bạo – biến những đầu lọc thuốc vô dụng thành một chất liệu mang tính trang trí cao. Không chịu bỏ cuộc sau nhiều lần thử nghiệm thất bại đã khẳng định bản lĩnh bền bỉ của nhà thiết kế trẻ đến từ Tp Hồ Chí Minh, nơi nguồn nguyên liệu truyền thống hạn hẹp hơn nhưng nguồn nguyên liệu tái chế lại rất dồi dào. Vải tồn kho, quần áo đã qua sử dụng và rác thải sinh hoạt là những vấn nạn nan giải của rất nhiều đại đô thị khắp nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam. Giải quyết vấn đề của xã hội là một trong những trọng trách mới của nhành thiết kế nói chung và đặc biệt là ngành thời trang nói riêng. Trang phục giá trị không chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đơn thuần mà còn có những “biệt vụ” như là hàn gắn đứt gãy của con người với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế. Ngoài ra, “Phục” còn là một trong những bài dự thi đã thể hiện hoàn chỉnh kỹ năng trình bày trong đó có đồ hoạ, bố cục và tạo kiểu, đại diện cho thái độ sáng tạo của giới trẻ: phá cách nhưng đầy trách nhiệm. 

Giải Ba được trao cho tác giả Trần Nhật Anh với bộ sưu tập “Phục”

Sáu giải Khuyến khích thuộc về tác phẩm “Ya Ya” (lĩnh vực Thiết kế Trang phục) của AVANA Vietnam, “Lộc” (Thiết kế Vật dụng & Trang trí) của tác giả Hồ Thị Thu Hà, “Bench 22” (Thiết kế Đồ nội thất) của tác giả Trần Ngọc Thạch, “Rong Rong Chơi Chơi” (Thiết kế Công cộng) của tác giả Nguyễn Công Minh Thức, “Bản giao hưởng Hà Nội” (nhánh đề bài HaNoi Design City – Hà Nội đẹp từng centimet) của nhóm tác giả Nguyễn Anh Đức, Trần Thanh Hải, “Trạm xe đạp sinh thái E.T” (nhánh đề bài Thiết kế không gian tiện ích dành cho xe đạp ở Huế) của nhóm tác giả Nguyễn Việt Hùng, Trần Thanh Hải, Nguyễn Anh Đức. Giải Bình chọn online thuộc về tác phẩm “Thức” của tác giả Nguyễn Ngọc Lê. 

Các tác giả đoạt giải cuộc thi Designed by VietNam 2022 (lần thứ ba) cùng chụp ảnh lưu niệm

Triển lãm TOP25+ cuộc thi Designed by VietNam năm nay diễn ra trong không gian Di Luân Đường của Quốc Tử Giám – Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã mang lại cho khách tham quan một sự trải nghiệm mới về công trình di sản, cổ vật, với những tác phẩm thiết kế mới của các nhà thiết kế trẻ Việt Nam. 

Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (VietNam Design Week) là chương trình thường niên được tổ chức lần đầu tiên năm 2020 do VietNam Design Group và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) chủ trì tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gồm chuỗi các hoạt động như cuộc thi Designed by VietNam, triển lãm, hội thảo, workshop, mở xưởng (open studio), trình diễn (design show) nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng tại Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam nói chung và gia tăng giá trị sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Với chủ đề “Những Kỳ vọng Mới” (Beyond Expectations), Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2022 – lần thứ 3 mong muốn tạo ra một thế giới mới cho những con người mới, đưa tinh thần sáng tạo, tính đột phá và chủ nghĩa cá nhân trong thiết kế đặt lên hàng đầu; hướng đến tối ưu hoá sự cân bằng trong tư duy sáng tạo; kết hợp các thành phần chất liệu, các giá trị cũ, mới, các thủ pháp sáng tác hiện đại và truyền thống – thành thục và đột phá, đồng thời giảm thiểu tác hại tiêu cực đến nguồn lực và môi trường. 

Ông Lê Việt Hà – Chủ tịch VietNam Design Group, đồng trưởng ban tổ chức tổng kết Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2022

Ông Lê Việt Hà – Chủ tịch VietNam Design Group, đồng trưởng ban tổ chức chia sẻ: “Tuần lễ Thiết kế Việt Nam được hình thành với mong muốn đi tìm một sân chơi chung, nơi có sự gặp gỡ công – tư, thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà thiết kế. Mục tiêu cuối cùng là để xã hội được hưởng thụ những giá trị ấy, qua đó góp phần nâng cao dân trí và phát triển kinh tế.”

PV