Từ Ego đến Eco trong sự kiện triển lãm “Ego – Người” 2022 by Ngô Xuân Bính
(KTVN 242) – Hoành tráng và ấn tượng là cảm nhận của Tôi khi tham dự sự kiện triển lãm “EGO – NGƯỜI” của Họa sỹ Ngô Xuân Bính trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022.
Để hiểu hơn về chủ đề của sự kiện “EGO – NGƯỜI”, ta có thể hình dung tính cách con người qua 3 thành tố. Theo Sigmund Freud, một bác sĩ về thần kinh và là nhà tâm lý học người Áo (người đặt nền móng và phát triển học thuyết phân tâm học), ba thành tố này bao gồm: Bản năng – ID (cái ‘NÓ’), Bản ngã – EGO (cái ‘TÔI’), và Siêu ngã – SUPEREGO (siêu ‘TÔI’), kết hợp với nhau hình thành nên sự phức tạp trong tính cách con người.
Theo đó Ego là phần lý trí của tính cách, và như tựa đề của Họa sỹ trong lời giới thiệu tại triển lãm: “EGO – NGƯỜI” không chỉ là cái tôi bản ngã; Rộng hơn, đúng hơn về tâm lõi của vũ hằng là “Bản thể cộng đồng” – sự tự đến, tự nhận thức: Vô thức Ego nhân loại.
Tôi gặp Anh vào dịp Hà Nội kỷ niệm 68 năm Giải phóng Thủ đô, sau những ngày được nới lỏng bởi dịch COVID, dường như có mối liên kết vô hình nào đó, Anh Em ngồi đàm đạo mà muốn thời gian ngừng trôi. Anh là con người đa tài và toàn năng với 5 chữ SỸ: Giáo sư Viện Sỹ – Bác Sỹ – Võ Sỹ – Thi Sỹ – Họa Sỹ. Khi tận mắt được chiêm ngưỡng các tác phẩm, gia tài các công trình nghiên cứu và sáng chế đồ sộ mà Anh đã hoàn thành khiến Tôi thực sự kính phục.
Trong con người Anh có một sức hút đặc biệt, một tâm hồn sung mãn, phong phú và không màng danh lợi. Dù cuộc sống không phải lúc nào như mong muốn, nhưng không than phiền, không oán trách, dám nhìn thẳng vào sự thăng trầm của cuộc đời, vinh nhục không kinh sợ. Đó là tầng thứ nội tâm bản thân, bao dung thiện lương loại tâm cảm ân hồi báo lại mọi thứ mình có được trong sinh mệnh.
Trở lại với không gian triển lãm choáng ngợp bởi hơn 300 bức tranh cùng các tác phẩm điêu khắc trên nhiều chất liệu, được trưng bày kín cả không gian 3.000m2 tại tầng 2 của Bảo tàng Hà Nội, nhưng đặc biệt hơn ở đó chỉ trưng bày duy nhất tác phẩm của Họa sỹ Ngô Xuân Bính.
Hòa cùng dòng người tham dự và thưởng lãm cho Tôi một cảm nhận cuộc sống nhiều hơn những ánh mặt trời, ít đi một chút mây mù âm u, hiểu được một bước chân kiên định và vững vàng. Cũng ở đó, những tác phẩm dưới bề ngoài đơn giản nhưng thể hiện ra một dung nhan thanh tú, một phong thái say đắm lòng người, nó là một loại kết hợp hoàn mỹ giữa trí huệ và tâm hồn. Cho dù hình tướng thế nào, đều mang theo một vẻ đẹp mê đắm lòng người, vẻ đẹp thật sự, là một loại khí chất từ trong ra đến ngoài.
Có những tác phẩm mang lại cảm nhận nét kiêu sa, phóng khoáng, phiêu dật, ma mị. Thích một dáng người, bắt đầu bởi dung nhan và chìm vào trong vẻ tài hoa tao nhã, hút hồn bởi vẻ đẹp một cách siêu thực, nhưng trung thành bởi nhân phẩm. Tạo nên các tác phẩm đó phải là từ người từng trải các loại trên đường đời của sinh mệnh mà thể hiện ra một loại phong thái điềm đạm, an nhiên, trút bỏ đi vẻ ngoài mà trình hiện ra khí chất EGO đi cùng năm tháng.
EGO trong Họa sỹ Ngô Xuân Bính là cảm quan phức hợp với “Tướng” “Pháp” muôn hình, nhưng Ego – bản thể: phải là “Tướng” thể tự nhiên, hòa hợp với tự nhiên, thắng bản ngã, không cao ngạo – trí thông, trí nhân vươn đến cộng đồng – con người cao cả – nhân quần; là đến từ việc học hỏi tri thức, trải nghiệm đời người và đắp nặn của cuộc sống; là tượng trưng của sự tự tin, tự lập và tao nhã; loại phẩm chất này là đến từ lĩnh ngộ về sinh mệnh, là sự lắng đọng và tích lũy của đời người.
Dự cảm nghệ thuật điêu khắc vĩ mô đa chiều, tranh bích họa và ảo ảnh ánh sáng nhờ kỹ thuật số – thuật toán với nhiều kích thước hoành tráng cũng như về số lượng và kích cỡ đảm đương không nhỏ cho tính thực thi của thông điệp “Đô thị kỷ nguyên mới” với: Trường không gian nối kết thị giác; Trường năng lượng thụ cảm chia sẻ; Trường đồng hướng thị giác thẩm mỹ… và kích thích trí huệ của người thưởng lãm.
Chưa ai có thể nghe được tiếng thời gian, nhưng có lẽ đều cảm nhận được sự sống động của nó từ sâu thẳm tâm can. Nghệ thuật đô thị “EGO – NGƯỜI” lấy con người làm trung tâm, biểu lộ những khát vọng, mới mẻ, thúc đẩy con người mới, đổi mới chính mình và thôi thúc sự sáng tạo, tạo ra các giá trị hiện tại và tương lai sẽ diễn ra theo dòng chảy từ EGO (cái ‘TÔI’) đến ECO – Ecology (Hệ sinh thái).
Họa sỹ Ngô Xuân Bính, “Người lữ hành” đã mang đến cho không gian văn hóa cư trú mới những kết nối tổng hòa, thu hẹp khoảng cách giữa “EGO” với “ECO”, mở ra cái nhìn hoàn toàn mới về hệ sinh thái, môi trường sống xung quanh và là một phần không thể thiếu trong dòng chảy nghệ thuật đương đại nhưng không làm mất đi nét văn hóa đặc trưng và hồn cốt dân tộc. Hãy bắt đầu từ việc thay đổi góc nhìn, xem xét lại vị trí của mình trong hệ thống vận hành của cuộc sống, thực hành lối sống hòa hợp với môi trường xung quanh, bao gồm con người, không gian, thiên nhiên… và đừng cố tách biệt mọi thứ. Mỗi phần của tổng thể đều có chức năng nhất định và chỉ khi kết hợp với nhau mới có thể mang lại sự phát triển bền vững./.
KTS Trần Vũ Minh – Phó CT Chi Hội Kiến trúc Việt Nam