04/12/2018

TS Phạm Sỹ Liêm – Một người yêu quý Hà Nội đã dứt áo ra đi

Cách đây nửa thế kỷ , khi mới chỉ là đứa trẻ chúng tôi đã biết TS Phạm Sỹ Liêm đã cùng với cộng sự của ông thực hiện thành công công trình nhà ở lắp ghép đầu tiên của Việt Nam. Ngôi nhà nhỏ bé nằm cạnh con mương Nam Khang bên đầu hồi trường Đại học Bách Khoa, khiêm tốn ẩn mình giữa đám lau sậy đã trở thành niềm tự hào lớn lao của kỹ thuật xây dựng… giữa bộn bề đất nước còn chia cắt.

Chỉ ít năm sau Hà nội đã tầng tầng lớp lớp các khu nhà lắp ghép nối tiếp nhau vươn lên trời cao, những ngôi nhà biểu tượng cho sự tiến bộ của ngành xây dựng và cũng là niềm vui hạnh phúc của bao gia đình “dọn đến căn nhà mới, mà chúng tôi vừa xây xong”. Ngôi nhà nhỏ ấy đã ám ảnh chúng tôi về  sứ mạng sau này lớn lên sẽ tham gia vào đội quân vinh dự “xây những ngôi nhà cao cao mãi” cho Hà Nội mến yêu.

TS Phạm Sỹ Liêm,  phát biểu tại tọa đàm “Xây dựng Luật Quy hoạch để nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững – Những quan điểm chủ đạo”. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

TS Phạm Sỹ Liêm, phát biểu tại tọa đàm “Xây dựng Luật Quy hoạch để nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững – Những quan điểm chủ đạo”. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)

Trong những năm đầu vào nghề, chúng tôi được biết ông là những người thầy giáo đầu tiên đào tạo cho các thế hệ kỹ sư xây dựng đầu tiên của Việt Nam. Mặc dù không có may mắn được ông trực tiếp dạy dỗ, nhưng mỗi khi có dịp, chúng tôi tìm đến ông để được nghe ông kiến giải những thách thức mới  trong tiến trình phát triển đô thị Việt Nam… Chúng tôi mới thực sự ngạc nhiên về sự uyên bác của ông không chỉ là kỹ thuật xây dựng mà  là những  nghiên cứu về đô thị, một lĩnh vực mà ông dành nhiều thời gian nghiên cứu.

Ông nghiên cứu chính sách  về nhà ở trong quá trình phát triển đô thị của  Trung Quốc, Đài Loan, cho đến những vấn đề bảo tồn hệ sinh thái kết hợp phát triển  nông nghiệp  công nghệ cao trong  tiến trình đô thị hóa tại châu Âu, châu Á, những mô hình quản trị đô thị trong lịch sử nhân loại và cả những  phát hiện mới nhất của lý thuyết kinh tế hiện đại, đặc biệt là “Tân kinh tế học thể chế” một tác phẩm tổng hợp các vấn đề liên quan và gắn kết với nhau thuộc các lĩnh vực kinh tế, xã hội học, triết học, chính trị, thể chế, quản lý, văn hóa…

Khi cuốn sách mới xuất bản, chúng tôi đã được ông trao tặng và nhắn gửi: “Sau 30 năm đổi mới, nền kinh  thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước hình thành và phát triển, nhưng nhận thức của chúng ta về một số vấn đề, nhất là lý luận về sở hữu và thành phần kinh tế, về mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, về vai trò của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể , kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài… còn chưa đầy đủ, chậm đổi mới. Khi tìm hiểu đường lối phát triển nền kinh tế thị trường của nước ta, tôi nhận thấy Tân kinh tế họ thể chế (New Institutional  Economics- NIE) có thể giúp đưa ra cách tiếp cận lý luận cần thiết cho hoạt động xây dựng, đổi mới thể chế. Tại Trung quốc, một nước có nền kinh tế chuyển đổi, các cuốn sách về Tân kinh tế học thể chế cũng chỉ mới xuất hiện vào đầu thế kỷ XXI . Ở Việt Nam, Chương trình giảng dạy Fulbight có bài giới thiệu vắn tắt về khái niệm thể chế và chi phí giao dịch khi giảng về chính sách công, tuy vậy nhìn chung Tân kinh tế học thể chế còn ít được biết đến. Tôi nghĩ rằng việc giới thiệu môn học mới mẻ này vào nước ta vào lúc này là cần thiết và kịp thời .

Cuốn sách này là kết quả quá trình học tập và nghiên cứu của tôi trong hơn mười năm nay, trước hết nhằm giải quyết các vấn đề thể chế quản lý và phát triển đô thị trong nền kinh tế thị trường”.

Chúng tôi cũng thưa với ông về công việc của chúng tôi đang giúp đào tạo những kiến thức mới trong quản trị đô thị cho các lãnh đạo xã phường. Ông nhắn nhủ “Nếu có thể giản lược đi, làm thế nào để anh em quản lý tiếp cận một cách ngắn gọn và dễ hiểu, hy vọng giúp họ đỡ vất vả khi phải thực hành quản trị đô thị ở cấp cơ sở”. Chúng tôi biết làm được việc này vô cùng khó khăn, vì để hoàn thành tác phẩm Tân kinh tế học thể chế, TS Phạm Sĩ Liêm đã phải tham khảo hơn 200 nghiên cứu của các nhà kinh tế học hàng đầu thế giới, ông nghiên cứu  tài liệu bằng  bốn ngôn ngữ: Hoa, Nga, Anh Pháp để cô đúc trong cuốn sách 262 trang…

Từng chữ, từng câu đã chắt chiu tinh giản, tuy vậy chúng tôi cũng xin hứa với ông sẽ cố gắng để thực hiện, coi đây là lời hứa cũng là trách nhiệm của thế hệ kế tiếp, với vị trí và cách làm của mình để tiếp bước ông, những người từng  mở đường xây dựng Hà Nội vươn lên những tầm cao mới, để Hà Nội mai này phát triển thịnh vượng, ổn định, bền vững và khôn ngoan hơn.

4

TS Phạm Sỹ Liêm trao đổi với Ban Biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

KTS Trần Huy Ánh – Thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam