02/10/2019

Trước ngày Luật Kiến trúc bước vào cuộc sống

(Tạp chí KTVN 225) – Vậy là giấc mơ 25 năm của giới KTS hành nghề chuyên nghiệp giờ đã thành sự thật. Luật Kiến trúc, bộ luật chủ yếu đề cập đến môi trường hành nghề của giới KTS Việt Nam đã được Quốc hội thông qua. Và bắt đầu từ ngày 01/07/2020 Luật Kiến trúc sẽ chính thức đi vào đời sống xã hội. Từ thời điểm này đến ngày đó, không ai mơ hồ về chuyện sẽ còn hàng khối công chuyện phải thực hiện. Đó là việc biên soạn các văn bản dưới luật (thông tư, nghị định…) nhằm tạo các hành lang luật pháp cụ thể, chi tiết, rõ ràng để vận hành Luật một cách chính xác và có hiệu quả tích cực nhất.

Khu vực ven đô TPHCM

Khu vực ven đô TPHCM

Luật Kiến trúc ra đời không hề vô hiệu hoá các quy định hợp lý của các luật khác trong lĩnh vực làm nghề kiến trúc. Các đối tượng của Luật Kiến trúc vẫn đồng thời tuân thủ bộ Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu… Chính điều này đòi hỏi phải có thông tư, nghị định tương ứng để điều phối hài hoà với môi trường luật pháp tổng thể. Và thiết thực nhất, phải đơn giản hoá hành vi và quy trình thực thi luật cho các đối tượng, trong đó có KTS là một đối tượng quan trọng.
Thông qua tìm hiểu về vận hành Luật Kiến trúc sư của các nước trong khu vực và một số nước có nền kiến trúc tiên tiến khác, xin trình bày ở đây vài suy nghĩ về chất lượng cần có của các thông tư, nghị định sắp ra đời, phục vụ việc vận hành Luật Kiến trúc.

Hiển nhiên, trong bộ luật căn bản, không thể đi quá sâu vào chi tiết. Vì điều đó sẽ làm phân tán sự thông hiểu cấu trúc căn bản của Luật, khó cho quá trình soạn thảo và thông qua. Đặc biệt, sẽ gò bó sự thích nghi của Luật trong điều kiện phát triển không ngừng của xã hội. Mặt khác, thiếu thông tư, nghị định sẽ dẫn đến tình trạng diễn giải Luật chủ quan, thiếu nhất quán.

Kiến trúc cao tầng khu đô thị mới hiện đại khu vực ven đô thị tại TPHCM

Kiến trúc cao tầng khu đô thị mới hiện đại khu vực ven đô thị tại TPHCM

Với Luật Kiến trúc, để đi vào cuộc sống, nhất thiết phải có các nội dung quan trọng sau đây cần đến nghị định, thông tư hoặc “sách trắng” được phổ biến rộng rãi:

Hợp đồng trách nhiệm chuẩn và nội dung bắt buộc các bước của gói tư vấn

Tư vấn thiết kế hiện nay vẫn đang dùng chung mẫu hợp đồng với nhà thầu xây dựng theo Thông tư 08/2016/TT-BXD ngày 10/03/2016 hướng dẫn về hợp đồng tư vấn xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành (dựa trên tiêu chí hợp đồng FEDIC).
Vì công việc KTS được hoàn thành với trách nhiệm và đạo đức làm nghề cá nhân, nên phải có định hướng về nội dung tư vấn tối thiểu bắt buộc để tránh thiệt thòi cho chủ đầu tư (vốn không thể hiểu chi li về công việc của tư vấn). Hoặc xa hơn, phù hợp với giá trị thiết kế phí tối thiểu khi thực hiện.

Bộ quy tắc ứng xử về đạo đức hành nghề KTS

May mắn là chúng ta không phải tự nghĩ ra mà đã có nhiều nước có kinh nghiệm thực hiện từ nhiều năm trước. Cần biết rằng, những tiêu chuẩn tinh tế về đạo đức thì không bao giờ các quy định hành chính có khả năng bao hàm quản lý được hết, nhất là mức độ trách nhiệm ngoài các khung định lượng của 1 hợp đồng dân sự (Các quy định về đạo đức hành nghề cần rõ ràng, thực tế, không đại ngôn, duy mỹ – Giống như lời thề Hippocrates).

Công việc thực sự của một KTS có kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp tốt là tránh được nhiều rủi ro cho chủ đầu tư (CĐT) trong vòng đời hàng trăm năm của công trình kiến trúc. Công việc thầm lặng đó có chất lượng cao khi KTS có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm cao từ đạo đức nghề nghiệp tự thân. Thầm lặng vì khối lượng công việc đó KTS tự ràng buộc mình chứ không thể phô bày hết cho CĐT biết như hình thức kiến trúc thấy được.

Ngoài những quy định pháp luật rõ ràng trong hành nghề, chuẩn mực đạo đức KTS cần được đề cập trong các mối quan hệ: (i) KTS với CĐT; (ii) KTS với cộng đồng; (iii) KTS với đồng nghiệp. Sự cần thiết này xuất phát từ vị trí tế nhị của KTS: ký hợp đồng dân sự với 1 người (1 chủ thể) nhưng phải làm việc bằng trách nhiệm với cả cộng đồng xã hội về ứng xử văn hóa, truyền thống, lịch sử…

Bộ quy tắc ứng xử về đạo đức hành nghề, điều phối bởi một hội đồng phụ trách (trong Luật Kiến trúc, giao cho Hội KTS Việt Nam). Hội đồng này cần có quyền đề nghị cấp phép cũng như thu hồi giấy phép hành nghề đối với KTS vi phạm nghiêm trọng đạo đức ứng xử trong làm nghề. Đây là việc bảo vệ uy tín làm nghề của cả giới KTS đối với xã hội, cần thiết nhưng không thay thế các cơ chế hành chính thông qua các Luật khác. Có như vậy mới hạn chế những loại tiêu cực triền miên trong môi trường kiến trúc. Đó là tình trạng ký hợp đồng có nội dung tùy tiện với khách hàng; Không thực hiện đầy đủ công đoạn tư vấn, tranh việc thiếu lành mạnh với bạn đồng nghiệp; Nhận hoa hồng từ nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu gây thiệt hại cho CĐT; Làm vai trò sân sau cho các cấp quản lý chuyên môn tiêu cực; Ký tên cho những đồ án không do mình đích thân thực hiện nhận hoa hồng…

Danh bạ KTS hành nghề hợp lệ hàng năm

Danh bạ này được công bố trên phương tiện truyền thông và có trang web truy cập rộng rãi. Việc thuê tư vấn ngoài danh bạ này là vi phạm bị chế tài đối với nhà đầu tư. Ngoài số giấy phép hành nghề cấp mới, bên cạnh đó KTS đang hành nghề phải hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định hàng năm để hợp lệ hoá giấy phép hành nghề liên tục của mình. Việc này Luật Kiến trúc có quy định trách nhiệm đề xuất thuộc Hội KTS Việt Nam.

Bộ đơn giá thiết kế phí tối thiểu có giá trị cập nhật hàng năm

Điều tế nhị của tiêu chuẩn thiết kế phí trong tư vấn kiến trúc là không thể trả đồng giá cho mọi KTS khi làm cùng một quy mô và chủng loại công trình. Bởi vì đây là sáng tạo, là kinh nghiệm, là uy tín riêng của mỗi KTS. Xét theo các loại lao động nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, điện ảnh… cũng không thể ra giá cát-sê đồng hạng cho mọi nghệ sĩ. Nếu chúng ta chấp nhận thực tế nói trên thì KTS làm tư vấn theo một quy định thiết kế phí chung là không thực tế và không thúc đẩy sáng tạo trong lao động sáng tạo kiến trúc. Vì như vậy là đánh đồng sáng tạo và kinh nghiệm của mọi KTS. Theo kinh nghiệm chung của thế giới và khu vực, họ soạn thảo và hiệp thương với các ngành có trách nhiệm xã hội (tài chính, lao động dịch vụ…) ban hành bộ đơn giá thiết kế phí tối thiểu hàng năm (nếu không có thay đổi thì xác nhận có giá trị trong năm kế tiếp).

Bộ đơn giá là khung tham khảo chi phí (%) tối thiểu theo loại kiến trúc và quy mô đầu tư. Đương nhiên cùng với bộ đơn giá là mẫu hợp đồng tư vấn chuẩn (mục 1) quy định về nội dung tối thiểu các gói sản phẩm tư vấn hoặc nội dung khối lượng hoàn thành.

Ban hành bộ đơn giá thiết kế phí tối thiểu để làm giới hạn dưới về khối lượng công việc cơ bản mà một KTS bình thường phải thực hiện. Giá trị uy tín, kỹ năng, kinh nghiệm của mỗi KTS sẽ là phần điều chỉnh tăng theo thỏa thuận giữa KTS và CĐT. Cũng có nghĩa, không một KTS nào được phép ký dưới chi phí tối thiểu kể cả bằng cách giảm công việc mà hợp đồng tư vấn chuẩn đã liệt kê.

Mục đích của bộ đơn giá thiết kế phí tối thiểu là một đòn bẩy cùng lúc ngăn chặn những KTS làm ăn gian dối và khuyến khích tài năng, trải nghiệm nghề và kỹ năng cao của một số KTS đã thành danh, làm gương phấn đấu cho các lớp KTS tiếp theo.

Kiến trúc cảnh quan khu phố cổ Hà Nội cần được nghiên cứu để có những giải pháp cải tạo, bảo tồn cụ thể

Kiến trúc cảnh quan khu phố cổ Hà Nội cần được nghiên cứu để có những giải pháp cải tạo, bảo tồn cụ thể

Quy chế thi tuyển phương án kiến trúc (concours)

Là một phương cách hiệu quả để chọn lọc được những ý tưởng thiết kế độc đáo cho các công trình quan trọng, cơ hội để các KTS chưa có tên tuổi chứng minh năng lực bổ sung vào nguồn nhân lực sáng tạo kiến trúc. Quy chế thi tuyển phương án kiến trúc từ lâu đã có vận hành. Ngoài mặt tốt là chọn được phương án xứng đáng ở một số cuộc thi. Tiêu cực hoặc thiếu hiệu quả vẫn xảy ra. Những nội dung này nêu ra dưới đây có ý nghĩa như đơn đặt hàng cho bộ quy chế thi kiến trúc mới.
– Đề tài và nội dung thi không được đầu tư đúng mức, soạn chung chung, không nhắm được đúng “vấn đề” đáng thi (thường là một thách thức rõ ràng về ý tưởng mới, về một hay vài mâu thuẫn nổi bật của công trình như khu đất khó, bị ràng buộc bởi một công nghệ hay vật liệu bắt buộc, bị giới hạn bởi khả năng đầu tư, có tính biểu tượng đặc thù…)

– Với cuộc thi tổ chức một vòng, các tác giả phải tốn kém rất nhiều trong công việc thể hiện, với xác suất được giải rất thấp; không kích thích được nhu cầu thi thố của các tác giả. Chưa kể giải thưởng không hấp dẫn, có khi chỉ là một lời hứa sẽ ưu tiên đàm phán “ký kết hợp đồng” vào giai đoạn tiếp theo… nếu được giải.

– Thành phần Ban Giám khảo không đủ tạo niềm tin hoặc không công khai ở bước đầu, gây e ngại cho một số KTS nghiêm túc.

– Một vài cuộc thi không giấu được ý đồ hợp thức hóa một phương án đã chọn trước và đã nghiên cứu thực hiện từ trước thời gian quy định rất lâu!

– Phương án dự thi phải có bì thư kín báo giá thiết kế phí dự định. Đây là một hình thức đấu giá kín, coi thường giá trị lao động nghiêm túc của người làm sáng tạo.

– Bản quyền tác giả rất mờ nhạt trong hầu hết các cuộc thi phương án kiến trúc. Thậm chí nhiều cuộc thi khẳng định (với một chi phí giấy mực rất không đáng kể ) tất cả ý tưởng thuộc quyền sử dụng của CĐT dù được giải hay không!

Từ một số bất cập nêu trên, quy chế thi tuyển phương án kiến trúc nên nhắm vào thi tuyển ý tưởng kiến trúc và dành sự đầu tư về tổ chức cũng như chi phí cho nội dung này. Danh sách người dự thi sẽ được thu hẹp lại cho vòng tiếp theo (nếu có) với nội dung trình bày kỹ hơn (phương án kiến trúc).

Tổ chức thi nghiêm túc rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Vì vậy, nếu dự án không có yêu cầu đặc biệt về ý tưởng mà chỉ cần công năng sử dụng chuyên ngành là chính thì chỉ nên chọn KTS có uy tín, kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp để mời đàm phán thực hiện. Điều này thể hiện quyền hạn và trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như sự trân trọng đối với những nhà kiến trúc có uy tín, thúc đẩy họ làm việc với sự hưng phấn sáng tạo hơn.

Nhà thờ Cửa Bắc - công trình kiến trúc có giá trị của Hà Nội

Nhà thờ Cửa Bắc – công trình kiến trúc có giá trị của Hà Nội

Quản lý nhà nước đồng bộ về kiến trúc xây dựng

Luật kiến trúc sẽ không phát huy hết hiệu quả nếu quản lý Nhà nước không có quy định quản lý đồng bộ về đầu tư kiến trúc xây dựng. Trong đó cần làm rõ hơn thời gian vừa qua ở mấy điểm:

Cần xác định sự độc lập tương đối của các lĩnh vực tư vấn chuyên ngành khác và tư vấn kỹ thuật trong một đồ án thiết kế kiến trúc như: Kết cấu, kỹ thuật và thiết bị (điện, nước, điện lạnh, điện nhẹ, chống sét, PCCC, cảnh quan, nội thất, furniture, graphic design, khối lượng và dự toán…)

Độc lập tương đối có nghĩa là các loại tư vấn ngoài kiến trúc có thể được quản lý độc lập với gói tư vấn kiến trúc. Nhưng “tương đối” vì KTS tác giả kiến trúc có nghĩa vụ và quyền phê duyệt các công việc của tư vấn kết cấu, tư vấn kỹ thuật và tư vấn khác về tính phù hợp ý tưởng kiến trúc.

– Trong trường hợp thiết kế 2 bước, KTS tác giả phê duyệt cả bản vẽ chi tiết thiết kế thi công của nhà thầu.

– Việc độc lập hóa tư vấn thứ cấp và tư vấn kỹ thuật không loại trừ việc KTS tác giả nhận tổng thầu các khâu sau kiến trúc, nếu có thỏa thuận giữa KTS và CĐT.

Quyền tác giả (quyền nhân thân) được xác định cho KTS thực hiện ý tưởng kiến trúc và hoàn thành đến khâu thiết kế cơ sở. Quyền tác giả gắn liền với quyền và trách nhiệm phê duyệt sự tương thích của các nhà tư vấn thứ cấp với ý tưởng kiến trúc của mình.

Quyền tác giả (quyền nhân thân) được công nhận bằng sự thỏa thuận chuyển nhượng nếu KTS tác giả được đề nghị và chấp thuận cho nhà tư vấn khác quyền khai triển ý tưởng của mình với một chi phí phù hợp.

Quy trình tiếp nhận, thẩm tra, phê duyệt hồ sơ thiết kế kiến trúc cần tương thích với các điều trên. Việc quyết toán chi phí cho các công đoạn thiết kế cũng cần quy định hợp lý tương tự để KTS không bị lệ thuộc vào tiến độ các công đoạn của nhà tư vấn khác, tránh tâm lý thỏa hiệp với chất lượng không cao vì nôn nóng được chi trả phí thiết kế chung.

Kết luận

Việc soạn thảo các văn bản Nhà nước quan trọng như nghị định, thông tư là một việc đặc thù đòi hỏi kỹ năng chuyên ngành cao, không chỉ là rạch ròi những con số tính toán chi phí. Trên đây chỉ là một số ý kiến phát sinh từ thực tế làm nghề của một KTS trong thời gian dài trước khi có Luật Kiến trúc. Rất mong có sự đồng cảm của các nhà soạn thảo, nhuần nhụy hóa vào hệ thống và cấu trúc các dự thảo nghị định, thông tư sắp ra đời, góp phần đưa Luật Kiến trúc sớm phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội nói chung, môi trường hành nghề KTS chuyên nghiệp nói riêng.
Luật Kiến trúc, vì một nền kiến trúc lành mạnh, xứng đáng với di sản kiến trúc ngàn năm văn hiến là mong ước của bao nhiêu tấm lòng. Mong thay !./.