Trùng tu TAND TP.HCM: Giữ nguyên kiến trúc cổ
Thời gian gần đây, người dân TP.HCM và giới chuyên gia bảo tồn băn khoăn khi thông tin về công trình tòa án nhân dân (TAND) thành phố chuẩn bị sửa chữa lớn. Nhiều người cho rằng, khi tiến hành sửa chữa liệu có giữ được kiến trúc vốn có của tòa nhà hay làm biến dạng nó giống như một số công trình đã từng làm trước đó trên cả nước. Ông Thái Văn Tuấn – Chánh Văn phòng TAND TP.HCM khẳng định: Vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu, kể cả “màu áo”.
Chính diện TAND TP.HCM.
Lão hóa theo thời gian
Tọa lạc tại số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TAND TP.HCM được Pháp xây dựng gần Khám lớn (nay là Thư viện Tổng hợp) từ năm 1881 – 1885 bởi KTS Foulhoux – Giám đốc Sở Công chánh theo bản vẽ của KTS Bourard (Pháp). Tòa nhà lúc đầu được xây theo hình chữ H, gồm 2 tầng và một tầng hầm. Mỗi tầng với chiều cao 5,2m để đón nhận những luồng gió từ không gian thoáng đãng quanh khuôn viên lùa vào các hành lang dẫn vào các phòng làm việc. Công trình không giống như các tòa án Pháp đương thời, thường mang tính đường bệ, uy nghi, nghiêm khắc và ít trổ cửa, tất cả những gì có thể diễn đạt được chức năng của tòa án. Ngược lại, kiến trúc ở đây khá cởi mở với hàng hiên chạy suốt bề ngang. Có thể nói độc nhất là hình trạm nổi trang trí trên ô trán tường, nói lên chức năng của tòa nhà. Tượng nữ thần Thémis oai vệ tay phải cầm gương, tay trái tựa lên sách Luật, bao quanh bởi một nam và một nữ công dân Việt Nam, tượng trưng cho quần chúng.
Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục trong công trình đã bị xuống cấp như cột tường bong tróc, mái ngói cũ thấm dột, máng xối bị mục nát… Nên từ lâu lãnh đạo TAND TP.HCM đã lên ý tưởng trùng tu, chuẩn bị hồ sơ và đến năm 2006 thì được đồng ý chủ trương. Sau đó, hồ sơ tu bổ, tôn tạo cũng được lập dưới sự khảo sát hướng dẫn của các cơ quan chức năng chuyên môn. Khó khăn nhất hiện nay là chủ đầu tư vẫn chưa tìm được đơn vị có kinh nghiệm tu bổ di tích công sở cổ để tiến hành trùng tu theo kế hoạch. Và phương án trùng tu được tính toán kỹ nhằm tránh tác động đến kết cấu, kiến trúc của tòa nhà.
Trùng tu giữ nguyên kiến trúc cổ
Kiến trúc sư Lê Quang Ninh cho biết, công trình tòa án thành phố có tuổi đời khá lâu nên cần bảo tồn để giữ nét đẹp của kiến trúc cổ. “Đây là công trình kiến trúc Đông Dương nên khi sửa chữa cố gắng giữ lại phong cách kiến trúc đó, nhất là màu sắc. Phong cách màu sắc xưa của Sài Gòn là dùng màu vàng đất, hơi ngả sang dương tính ửng hồng. Công trình này cần giữ tông màu đó”, KTS Ninh chia sẻ.
Cổng sắt cũng đã hoen rỉ.
Ông Tuấn cho biết, phương án sữa chữa tòa nhà được thực hiện theo từng hạng mục cụ thể mà trước hết là tháo dỡ các công trình nhà xét xử hình sự, nhà xét xử 2, 3, nhà xe, căng-tin, bảo vệ. Tu bổ nguyên trạng các khối nhà tòa án xây dựng năm 1881, năm 1961 và hai dãy nhà làm việc. Đối với các cửa sổ và cửa ra vào đã xuống cấp nhưng còn khả năng sử dụng cần tiến hành tu bổ, sửa chữa những bộ phận bị hư hỏng, xuống cấp, tái sử dụng các bộ phận kiến trúc có giá trị lịch sử như khóa cửa… Bảo tồn tối đa các mảng tường có trang trí hoa văn, chỉ trát lại các mảng tường đã bong tróc. Có biện pháp bảo vệ ngói lợp mái, cấu kiện gỗ vì, kèo, mái trong quá trình tháo dỡ để tái sử dụng khi khả năng sử dụng vẫn còn chứ không phải thay mới hoàn toàn.
Tòa nhà nấp sau lùm cây phía trước.
Vật liệu xây dựng cũng được các chuyên gia phân tích lấy đúng nguyên mẫu đặt các doanh nghiệp trong nước cung cấp, sản xuất. “Thực hiện đúng nguyên tắc bảo tồn di tích và Luật Di sản thì phần nào phá vỡ cảnh quan phải tiến hành tháo dỡ ngay. Như vậy, hai khu nhà xây mới trong khuôn viên tòa án phải đập bỏ, chỉ giữ lại nguyên trạng khối nhà chính. Màu tường cũng cho đục lấy mẫu ở nhiều lớp để nghiên cứu tìm ra chuẩn màu đang có hiện nay. Tuyệt đối, trong vôi vữa nghiêm cấm sử dụng các loại hóa chất làm phá hủy kết cấu thiết kế. Công tác tu bổ đang được các chuyên gia lên kế hoạch hoàn thiện tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất, dù khó cũng phải làm, làm sao vừa đảm bảo phục hồi tốt giá trị nguyên gốc của di tích, vừa hạn chế tối đa việc thay mới để công trình hoàn thành đáp ứng được kỳ vọng của người dân”, ông Tuấn khẳng định.
Hàng rào phía sau góc đường Nguyễn Du
Cao Cường/Báo Xây dựng