(KTVN) – Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 164/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Công điện nêu rõ, trong thời gian tới, việc lấy ý kiến nhân dân đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tiếp tục thực hiện cho đến khi dự án luật được Quốc hội thông qua.
Ảnh minh họa
Để bảo đảm việc tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến của nhân dân bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (đồng thời gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội) theo đúng thời gian đã nêu trong kế hoạch của Chính phủ, chậm nhất trước ngày 20/3/2023.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung mọi nguồn lực để tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, toàn diện, khách quan tất cả ý kiến của nhân dân, bảo đảm chất lượng và thời hạn đã nêu. Hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ trước 1/4.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết ngày 15/3, đã có 7.979 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân dân của Bộ. Chương “Chế độ sử dụng các loại đất” của dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất với 1.209 ý kiến.
Nội dung góp ý nhiều nhất tập trung vào các chương: Chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.
Tuyết Ngân