21/07/2015

Triển khai Luật Xây dựng 2014: Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, tập trung cao độ xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước, đặc biệt là những chính sách, thể chế cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tăng cường quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư

Trong thời gian qua, Bộ đã chủ trì soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, cụ thể hóa các chính sách mới, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho DN, người dân, tạo lập môi trường thông thoáng khi tiếp cận thủ tục, dịch vụ công.

Bộ Xây dựng đã chủ động đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ, hoàn thành 100% việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm các thủ tục hành chính được ban hành thực sự cần thiết, hợp pháp và hợp lý. Các thủ tục hành chính được rà soát, cải cách, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, giảm tối đa về thời gian, hồ sơ và chi phí cho DN và người dân.

Trong năm 2014, Bộ Xây dựng đã hoàn thành trình Quốc hội thông qua 03 dự án Luật quan trọng gồm: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản với quan điểm, tư tưởng đổi mới mang tính đột phá nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng. Sau khi ban hành 3 Luật mới nêu trên, số lượng thủ tục hành chính giảm đi đáng kể, từ 93 bộ thủ tục hành chính xuống còn 42 thủ tục hành chính, thời gian thực hiện giảm 30%, tạo hiệu quả tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Mặc dù lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình với nhiều nhóm thủ tục khác nhau, thuộc trách nhiệm giải quyết của nhiều Bộ ngành và địa phương nhưng trong phạm vi quản lý của mình, Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho DN, người dân triển khai dự án được thuận lợi, góp phần chống thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn. Từ khi Luật Xây dựng được ban hành đã giảm, lồng ghép được 6 thủ tục, giảm thời gian thực hiện các thủ tục trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và giai đoạn thực hiện đầu tư là 105 ngày.

Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, theo Luật Xây dựng 2014, thời gian thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án giảm từ 30 ngày xuống 25 ngày làm việc, thời gian phê duyệt quy hoạch không quá 15 ngày làm việc.

Quy định về việc cấp phép xây dựng cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Theo đó, giấy phép quy hoạch xây dựng hoặc văn bản chấp thuận bổ sung quy hoạch chỉ cấp đối với dự án chưa có trong quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị được phê duyệt. Còn khu vực đã có quy hoạch ngành, quy hoạch chi tiết được phê duyệt thì không yêu cầu phải xin cấp giấy phép quy hoạch hoặc văn bản chấp thuận bổ sung quy hoạch. Đặc biệt, Luật Xây dựng 2014 và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP đã bỏ thủ tục thỏa thuận kiến trúc quy hoạch và thủ tục cấp chứng chỉ quy hoạch được quy định trước đây, giảm thời gian thực hiện 40 ngày.

Theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP thì khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định dự án, cơ quan đầu mối thẩm định dự án có trách nhiệm tổ chức thẩm định và đồng thời lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan theo cơ chế một cửa liên thông, không gửi nhiều đầu mối và thực hiện riêng từng thủ tục như trước đây. Thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, thỏa thuận về cấp điện, cấp nước và ý kiến của các ngành có liên quan đến dự án được thực hiện đồng thời với quá trình thẩm định dự án, giảm thời gian thực hiện là 45 ngày.

Trong giai đoạn thực hiện dự án, thủ tục hành chính cũng được giảm đáng kể. Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 đã quy định cụ thể về hồ sơ, nội dung, thẩm quyền và thời hạn thẩm định thiết kế, dự toán; xác định rõ cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan có liên quan về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và các nội dung khác theo cơ chế một cửa liên thông. Đối với công trình lưới điện trung áp, các cơ quan chuyên môn về xây dựng không thẩm định thiết kế dự toán.

Luật Xây dựng 2014 đã có bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng theo cơ chế một cửa. Hiện DN và người dân chỉ phải nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng và đến nhận kết quả tại cơ quan cấp phép.

Hồ sơ cấp giấy phép xây dựng được quy định cho từng loại công trình theo hướng đơn giản và dễ thực hiện…