Ứng dụng công nghệ GIS trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng sẽ cung cấp thông tin trực quan, kịp thời cho lãnh đạo TP.HCM, các sở, ban, ngành, quận, huyện về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, điều hành, ra quyết định.
UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đề án ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn thành phố nhằm mục tiêu liên thông, đồng bộ, thống nhất các dữ liệu, ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng, tạo thuận lợi cho công tác quản lý đô thị của các sở ngành, quận huyện.
Hiện nay có một số đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn TPHCM đã từng bước ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng
Đồng thời, cung cấp thông tin trực quan, kịp thời cho lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, điều hành, ra quyết định. Công khai thông tin về đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn thành phố cho người dân, doanh nghiệp theo quy hoạch.
Ứng dụng công nghệ GIS tập trung vào một số nội dung như: Xây dựng kiến trúc tổng thể, chi tiết hệ thống GIS, viễn thám về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng. Rà soát, bổ sung, cập nhật cơ sở dữ liệu, xây dựng ứng dụng quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng.
Song song đó, ứng dụng công nghệ GIS còntích hợp, liên thông cơ sở dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng. Xây dựng các công cụ trực quan hóa, phân tích, thống kê, công khai dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng. Xây dựng quy chế vận hành, liên thông dữ liệu, cập nhật và khai thác dữ liệu đất đai, quy hoạch và xây dựng. Hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ứng dụng GIS, viễn thám phục vụ quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Theo UBND thành phố, GIS, viễn thám ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạch định các chính sách, chiến lược của một vùng lãnh thổ, hỗ trợ quản lý nhà nước trong rất nhiều lĩnh vực. Có thể nói, đó là những công cụ không thể thiếu đối với một đô thị thông minh nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát sự phát triển đô thị, kinh tế, xã hội.
Đến nay, một số đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố đã từng bước ứng dụng công nghệ GIS, viễn thám trong các lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng. Các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Xây dựng đã mang lại hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước của các sở, ban, ngành và quận, huyện…
Phạm Đức/Doanh nghiệp Việt Nam