TPHCM sẽ là đô thị hạt nhân
TPHCM là đô thị có diện tích đứng thứ 2 cả nước chỉ sau Hà Nội, nhưng lại có dân số đông nhất nước. Do đó, thành phố đã có những đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế và hình thành mạng lưới đô thị vùng. Bởi vậy công tác quản lý quy hoạch kiến trúc đóng vai trò quan trọng không chỉ riêng với TPHCM mà còn là động lực đối với cả nước.
Đô thị hiện đại của cả nước
Trong bài phát biểu tại buổi Hội thảo về quản lý quy hoạch – kiến trúc TPHCM, ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, 40 năm qua TPHCM đã từng bước hình thành được hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đáp ứng các yêu cầu phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Môi trường, kiến trúc cảnh quan đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn những nét đặc sắc riêng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM vừa qua cũng khẳng định: “Xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á”.
Vì vậy, thời gian tới TPHCM tập trung thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước vào đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông; giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng; kết nối hạ tầng các tỉnh, thành phố trong vùng; tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng, hạn chế tác hại biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tổ chức lại đời sống dân cư đồng thời với việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu đô thị vệ tinh theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng TPHCM cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kết nối vùng nhằm huy động thêm nguồn lực cũng như tạo sự lan tỏa trong vùng. Bởi theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, TPHCM giữ vai trò đầu tàu về kinh tế – xã hội, là đô thị hạt nhân, chủ đạo của vùng và khu vực. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, ngày càng hình thành rõ nét đô thị văn minh, hiện đại. Không gian đô thị không ngừng được mở rộng, nhiều công trình được chỉnh trang, xây dựng mới có quy mô hiện đại, đáp ứng được yêu cầu mỹ quan, thân thiện môi trường.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, để xây dựng TPHCM sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á, một trong những nhiệm vụ quan trọng thành phố cần tập trung thực hiện là làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch; tập trung chỉ đạo và có những giải pháp đủ mạnh để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông. Giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập nước; kết nối hạ tầng các tỉnh, thành phố trong vùng; tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng, hạn chế tác hại biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tổ chức lại đời sống dân cư đồng thời với việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu đô thị vệ tinh theo hướng văn minh, hiện đại, tâp trung phát triển nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội.
Cần làm tốt công tác quy hoạch
Theo định hướng quy hoạch từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung đa cực, mở rộng về hai hướng chính là Đông và Nam, cùng hai hướng phụ khác là Tây Bắc và Tây – Tây Nam. Theo đó, trong tương lai TPHCM sẽ hình thành 4 đô thị khu vực, tương ứng với hướng Đông là khu đô thị công nghiệp công nghệ cao (quận 9), hướng Nam là khu đô thị Cảng Hiệp Phước Nhà Bè, hướng Tây – Bắc là đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi, hướng Tây – Tây Nam là đô thị Tân Tạo – Tân Kiên, Bình Chánh.
Theo TS Nguyễn Minh Hòa – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM, thành phố cần gắn công tác quy hoạch với tái cấu trúc và phân bổ dân cư. Bởi TPHCM vẫn còn là cục nam châm có sức hút mạnh mẽ, nhất là dân số nhập cư. Tuy nhiên dân số vẫn tập trung “vón cục” ở một số khu vực gây quá tải cục bộ lên hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. “Điển hình chỉ 2 tuần cuối tháng 5/2013 ở huyện Bình Chánh đã có khoảng 1.500 căn nhà xây dựng trái phép, không phép. Thực tế này đã chứng minh việc thiếu sự quan tâm đầu tư hạ tầng của chính quyền và buông lỏng quản lý. Cùng đó là giá đất khu vực này rẻ nên người dân đã ồ ạt kéo về mua đất xây nhà. Vì vậy, TPHCM cần thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng chiến lược giảm tải cho khu vực trung tâm, đồng thời tạo sức hút ở những khu vực mới để phân bổ dân cư hợp lý”, TS Hoà thẳng thắn chia sẻ.
Muốn làm được như vậy, theo ông Hòa, TPHCM cần kiên quyết không cho xây dựng các cao ốc ở khu trung tâm, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển ở khu vực ngoại thành. Xây dựng các khu dân cư mới ở phía Đông – Bắc, Tây – Bắc và phía Nam nhằm giãn dân và phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Tập trung nguồn lực tài chính thiết lập một vài trung tâm mới hoành tráng, hiện đại, có khả năng chia sẻ với quận 1, 3 hiện nay. Bởi vào những ngày lễ tết người dân thường ập trung vào các quận trung tâm để vui chơi giải trí gây quá tải về hạ tầng giao thông, mất an toàn về an ninh trật tự và có nguy cơ cháy nổ cao.
Vì vậy để trở thành đô thị có chất lượng sống tốt đòi hỏi TPHCM phải có chương trình phát triển đô thị đồng bộ, chất lượng các đồ án quy hoạch tốt cùng với lộ trình thực hiện hợp lý. Cùng đó là các khu vực phát triển đô thị khoa học có chính sách thu hút phát triển phù hợp sẽ là cơ sở động lực để TPHCM phát triển đúng tầm giữ vững vai trò đầu tầu kinh tế không những trong nước mà còn là một trong những trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á.
(Theo Báo xây dựng)