TPHCM: Nỗ lực ổn định thị trường đất đai
Ngay từ đầu năm 2022, thị trường đất đai tại TPHCM bắt đầu sôi động trở lại. Hiện tại, giá đất đang có dấu hiệu tăng mạnh do hiệu ứng từ vụ đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm từ cuối năm 2021. Trong bối cảnh đó, UBND TPHCM sẽ tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch sử dụng đất hiệu quả để thị trường phát triển ổn định.
Đất có dấu hiệu tăng giá
Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, hiện nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM, giá đất đang tăng khá mạnh, đặc biệt là ở thành phố Thủ Đức. Đơn cử, đường Võ Văn Ngân, đoạn gần ngã tư Thủ Đức (phường Linh Chiểu) đang có giá dao động ở mức 160-180 triệu đồng/m²; trong khi ghi nhận trong tháng 12-2021, mức giá chỉ đạt cao nhất 150 triệu đồng/m². Ở khu vực xa trung tâm hơn như tại đường Tô Ngọc Vân (phường Tam Phú), hiện giá đất đã lên 80-120 triệu đồng/m²; trong khi cuối năm 2021, mức giá ở ngưỡng 60-80 triệu đồng/m².
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), sự kiện đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức) ngày 10-12-2021 có thể gây tác động tiêu cực đối với sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Hiện đã có thông tin về một số chủ đầu tư “té nước theo mưa”, dừng bán hàng hoặc chấp nhận chịu phạt hợp đồng để “găm” hàng, nghe ngóng chờ cơ hội tăng giá.
“Ngay sau đấu giá, giá đất tại thành phố Thủ Đức đã tăng mạnh. Giá đất quá cao thoát ly giá trị thực không phù hợp với quy luật giá trị và thực tiễn của thị trường bất động sản. Điều này có thể vừa gây thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa gây bất lợi cho chính các chủ đầu tư. Vì nếu đưa ra giá bán nhà, đất quá cao mà không được thị trường chấp nhận sẽ gây nguy cơ tăng lượng hàng tồn có giá trị lớn”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhận định.
Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, là thành phố trực thuộc TPHCM mới được thành lập nên hạ tầng đô thị của Thủ Đức đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trong giai đoạn này, thành phố Thủ Đức chú trọng phát huy nguồn lực đất đai nhưng cần có giải pháp định giá đất đúng giá trị mới có thể tận dụng các lợi thế về nguồn lực nội tại để thu hút đầu tư.
Quy hoạch chiến lược, sử dụng đất hiệu quả
Theo HoREA, việc nhiều cá nhân, tổ chức “găm” giữ đất là một trong những nguyên nhân khiến giá đất liên tục leo thang. Chính vì vậy, HoREA kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiên quyết xử lý thu hồi đất đối với các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, cũng như các luật liên quan. Đơn cử, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 chưa quy định cụ thể về điều kiện “có năng lực tài chính”, hoặc điều kiện “không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai” của nhà đầu tư để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, theo các luật sư, cần xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, bảo đảm nguyên tắc giá đất “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”. Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, tác động của sự kiện đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (đặc biệt giá trúng đấu giá lô số 3-12) là tín hiệu để cơ quan lập pháp thấy rằng cần phải sửa đổi cơ bản một số quy định của pháp luật, nhằm loại bỏ tình trạng bỏ cọc, bỏ thầu, gây nhiễu loạn thị trường.
Về giải pháp căn cơ, UBND TPHCM đang hoàn thiện Đề án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM Nguyễn Thanh Nhã cho hay, trong đề án điều chỉnh quy hoạch này, thành phố chú trọng đến quy hoạch chiến lược, gắn với nguồn lực trong thực thi quy hoạch. Nguồn lực đất đai giữ vai trò then chốt, vừa bảo đảm được sử dụng hiệu quả, vừa tạo ra các nguồn lực khác như nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng…
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2022 và các năm tiếp theo, thành phố triển khai quy hoạch và xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (ở thành phố Thủ Đức) và triển khai đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021-2030. Thành phố sẽ chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích lớn để phục vụ phát triển đô thị. Giải pháp quan trọng là cộng hưởng được các nguồn lực phát triển, thu hút đầu tư xã hội và cải thiện thực chất môi trường đầu tư để ổn định, phát triển thị trường đất đai.