TPHCM muốn xây bảo tàng nghìn tỷ
Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM vừa có tờ trình gửi Thường trực UBND TP về Đề án xây dựng Bảo tàng TP.
Theo Sở này, đây cũng là thể hiện mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP về xây dựng một công trình văn hóa chuyên ngành có giá trị tiêu biểu, có quy mô, kiến trúc phản ánh được những đường nét kiến trúc nghệ thuật Việt Nam, cư dân Nam Bộ.
Sở Văn hóa – Thể thao TP đề xuất xây Bảo tàng TP rộng 8 ha với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng tại Khu Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc, quận 9.
Bảo tàng TP có tổng diện tích khoảng 52.000 m2, gồm khối trưng bày chính (5 chủ đề về vùng đất Sài Gòn từ trước thế kỷ XVII cho đến nay) và khối trưng bày chuyên đề (lịch sử – xã hội; văn hóa – nghệ thuật, nhân vật lịch sử – văn hóa…).
Đây cũng là nơi trưng bày có thời hạn các chuyên đề nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị ngoại giao, giới thiệu hiện vật mới. Không gian trưng bày ngoài trời sẽ có các hiện vật thể khối lớn; không gian khám phá sáng tạo dành cho học sinh – sinh viên, thiếu nhi…
Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2020-2025.
Do đây là công trình trọng điểm, Sở Văn hóa – Thể thao TP kiến nghị được áp dụng một số cơ chế đặc thù như: Cho phép mời tư vấn quản lý dự án, tư vấn thiết kế, có thể mời tư vấn nước ngoài, đề xuất các phương án thiết kế kiến trúc để lựa chọn nhưng không tổ chức thi quốc tế.
Bảo tàng TP hiện hữu (trên đường Lý Tự Trọng) được đề xuất tiếp tục duy trì hoạt động thường xuyên. Do công trình này đã xuống cấp nên sẽ được trùng tu, cải tạo một số hạng mục cấp thiết nhất và sẽ trở thành chi nhánh của bảo tàng mới, theo báo Người lao động.
Trước đó, hồi tháng 10/2018, UBND TPHCM đã trình HĐND chủ trương đầu tư dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch. Dự kiến công trình này sẽ sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư khoảng 1.508 tỷ đồng.
Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng, trong đó khán phòng lớn 1.200 chỗ và khán phòng nhỏ 500 chỗ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, TP HCM là một thành phố văn minh hiện đại, ngoài đầu mối giao lưu về kinh tế xã hội thì cũng rất cần những công trình văn hóa xứng tầm nhằm giao lưu các giá trị văn hóa.
“Trước đây vào thời Pháp thuộc, TP HCM có 3 nhà hát: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát thành phố), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc thành phố) và Nhạc viện thành phố. Nay chỉ còn Nhà hát thành phố còn giá trị của một nhà hát đúng nghĩa, các nhà hát xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế”, ông Liêm lý giải.
Ông Liêm cũng cho rằng, xây dựng nhà hát còn nhằm đáp ứng và nâng cao trình độ thưởng thức văn hóa ghệ thuật cho hơn 10 triệu người dân và hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm, với vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài ra, dự án còn góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân TP trong bối cảnh hội nhập với quốc tế.
Câu chuyện khác
Chia sẻ quan điểm với Đất Việt về chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng của TPHCM, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM bày tỏ băn khoăn, liệu đã đến thời điểm xây dựng công trình này hay chưa?.
Theo ông Cương, TPHCM đang chịu sức ép về vốn, nhiều công trình chống ngập, metro chậm tiến độ, nhiều dự án chỉnh trang đô thị chưa thể triển khai vì thiếu vốn.
“Trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn chế, đang có nhiều thứ khó khăn, quá tải cần phải ưu tiên hơn như bệnh viện, giao thông…, liệu lúc này có phải là lúc ưu tiên làm nhà hát hay không?
TPHCM có nhiều nhà hát, liệu chúng có sáng đèn hàng đêm, đã hoạt động hết công suất và hiệu quả? Nhà hát mới xây lên liệu có thoát tình trạng ấy?
Chừng nào các nhà hát của TP còn khai thác được, còn chỗ trống và chưa khai thác hết công suất thì vẫn nên tận dụng chúng. Đến lúc dự báo sẽ xảy ra tình trạng quá tải trong nhà hát, không đủ chỗ cho người xem, giống như kẹt xe trên đường, thấy được tính khẩn cấp thì hãy tính tới xây nhà hát mới.
Tất nhiên, nếu TP đủ sức làm được để kích thích phát triển văn hóa, nghệ thuật, phát triển tri thức, có một nhà hát lộng lẫy, hoành tráng cũng là điều tốt nhưng cũng chỉ nên ở mức độ nào đó.
Bây giờ nhu cầu người dân đối với loại hình nghệ thuật bác học chưa phải là nhiều, bỏ hơn 1.500 tỷ đầu tư xây nhà hát rồi lại đắp chiếu thì rất uổng”, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM trăn trở.
Báo Đất Việt