Đồng thời, các ý kiến trao đổi tại hội thảo sẽ giúp Thành phố hoàn chỉnh đầu bài sơ bộ, gửi đến các nhà đầu tư nhằm thu hút sự quan tâm và kêu gọi cùng tham gia thi thiết kế, cũng như tiếp tục tham gia đầu tư về hạ tầng, đầu công nghệ cao, đầu tư khởi nghiệp sáng tạo vào khu đô thị sau này.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc xây dựng khu đô thị sáng tạo đầu tiên của TPHCM sẽ được xây dựng tại phía Đông TPHCM, bao gồm Quận 9, Quận 2, Quận Thủ Đức, có diện tích 212 km2, dân số khoảng 943.390 người, mật độ dân số 4.448 người/km2, triển khai trong giai đoạn 2018 – 2020.
Trong đó, Quận 2 có diện tích 50 km2, dân số khoảng 155.234 người, mật độ dân số 3.105 người/km2. Quận 9 có diện tích 114 km2, dân số khoảng 263.486 người, mật độ dân số 2.311 người/km2. Quận Thủ Đức có diện tích 48 km2, dân số khoảng 524.670 người, mật độ dân số 10.930 người/km2.
Ba trụ cột để phát triển thành công khu đô thị sáng tạo là khu vực công, khu vực đại học, khu vực tư nhân. Đối với khu vực công, chính quyền giữ vai trò “bà đỡ”, định hướng phát triển khu đô thị sáng tạo, thông qua công tác quy hoạch phát triển đô thị, cấu trúc đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, trước hết là hạ tầng giao thông; thực hiện quy trình, thủ tục hành chính theo nguyên tắc một cửa, thực hiện chế độ ủy quyền đầy đủ cho cán bộ, công chức giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp nhanh nhất.
Đối với khu vực đại học, Đại học Quốc gia TPHCM cùng với các trường đại học trên địa bàn thành phố là hạt nhân tri thức sáng tạo, cần phải có chương trình, kế hoạch, đề tài để hợp tác, gắn kết với khu vực tư nhân, trước hết là với các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp, để kết nối giữa khu vực tri thức sáng tạo với nhu cầu của khu vực sản xuất.
Còn khu vực tư nhân là động lực của khu đô thị sáng tạo, cũng là đối tượng thụ hưởng các thành quả. Doanh nghiệp tư nhân, trong đó có doanh nghiệp bất động sản, là nhà đầu tư các dự án, công trình đáp ứng các tiêu chuẩn của khu đô thị sáng tạo.
Báo Đầu tư Bất động sản