08/12/2022

TPHCM liên kết vùng khi điều chỉnh quy hoạch chung

TPHCM đang khẩn trương thúc đẩy công tác lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Tại hội thảo “Tiến tới đồ án quy hoạch chung TPHCM, những vấn đề và giải pháp cho hạ tầng đô thị và liên kết các chức năng trong vùng” diễn ra ngày 7-12 tại TPHCM, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết các mục tiêu, điều chỉnh quy hoạch chung TP phải phù hợp với toàn vùng TPHCM (TPHCM và các tỉnh lân cận: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh…).

TPHCM đang khẩn trương thúc đẩy công tác lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lưu ý liên kết vùng khi làm quy hoạch

“Điều chỉnh quy hoạch chung TP phải đáp ứng yêu cầu chung của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội TP, tập trung các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề đô thị hiện nay như dân số, nhà ở, hạ tầng, môi trường… để thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng an ninh” – ông Cường nói.

Tại hội thảo, ông Cường gợi ý cho các chuyên gia nhiều vấn đề về quy hoạch mà hội thảo cần tập trung. Theo đó, ông Cường cho rằng hội thảo cần tập trung thảo luận những phương án, giải pháp phân bổ, bố trí các chức năng quy hoạch của TPHCM tại các khu vực có tiếp giáp với các tỉnh xung quanh.

“Cần sự kết nối hợp lý, phân bổ, thực hiện đồng bộ, phối hợp, bổ trợ, bổ sung cho nhau, qua đó đặt quy hoạch chung TPHCM trong tổng thể để có các kế hoạch, chiến lược, giải pháp, định hướng phát triển đồng bộ, hiệu quả, khả thi cho TPHCM và các tỉnh trong vùng” – ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho rằng hệ thống hạ tầng đô thị cần đột phá, bổ sung tầm nhìn mới trong thời gian tới, vừa phải đáp ứng cho cuộc sống người dân, doanh nghiệp, vừa phải đáp ứng các nhu cầu, định hướng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, theo hướng bền vững, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

“Chúng ta phải trả lời nhiều câu hỏi về quy hoạch: Chức năng là gì, vị trí nào, bố trí ở đâu, quy mô ra sao, hoặc chúng ta đưa ra giải pháp gì, công cụ nào để chúng ta quản lý, thực hiện quy hoạch. Chúng ta phải điều phối thế nào, phân bổ nguồn lực, chủ thể nào phải tham gia thực hiện để đảm bảo được tính khả thi của quy hoạch” – ông Cường góp ý.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý về hạ tầng kỹ thuật số, cần đồng bộ cơ sở dữ liệu để thực hiện mục tiêu xây dựng TP thông minh, đô thị sáng tạo, tương tác cao.

Tìm bản sắc đô thị cho TPHCM

Góp ý tại hội thảo, ông Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nêu quan điểm: “Chúng ta nên lưu ý về bản sắc đô thị TPHCM, nó có ba yếu tố: Các di tích lịch sử văn hóa – di tích cách mạng, đô thị vùng sông nước, tiểu đô thị”.

Theo ông Hải, bản sắc đô thị là câu chuyện quan trọng, các khu vực cần bảo tồn như Bến Nhà Rồng hay điểm dấu ấn trong quy hoạch qua các thời kỳ trong đô thị là các công trình cao tầng… “Rồi đô thị sông nước, hình ảnh trên bến dưới thuyền, dấu ấn quy hoạch này nằm ở đâu trong bản đồ quy hoạch TPHCM… tôi chưa thấy những dự án mang tầm dấu ấn lịch sử đô thị sông nước” – ông Hải nói.

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho biết quy hoạch lần này khác so với các lần trước khi nhiều tỉnh, thành đều đang làm quy hoạch. “Lâu nay chúng ta phát triển quy hoạch đơn lẻ như quy hoạch giao thông thì giao Sở GTVT nhưng quy hoạch tích hợp thì liên kết vùng phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội” – ông Sơn phân tích.

Ví dụ, làm một con đường thì quan tâm đến sự phát triển hai bên con đường. Như metro số 1, quanh tuyến có trường học, xe buýt, trung tâm thể thao… đảm bảo nhu cầu người dân.

“Chúng ta thấy TPHCM lớn nên nghĩ rằng cái gì cũng lớn nhất nhưng cảng biển lớn nhất nằm ở Bà Rịa-Vũng Tàu, sân bay lớn nhất nằm ở Đồng Nai, ga xe lửa lớn nhất nằm ở Bình Dương. Chúng ta hoàn toàn không sở hữu hạ tầng lớn đó nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tác động và tận dụng các hạ tầng đó để phát triển nếu chúng ta có những kết nối tốt” – ông Sơn đánh giá.

KTS Ngô Quang Hùng, Viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, cũng cho rằng định hướng không gian vùng là rất quan trọng cho điều chỉnh quy hoạch chung. “Cấu trúc không gian vùng liên kết trên các hành lang tăng trưởng, có cực tăng trưởng trên các hành lang đó, có hành lang xanh chúng ta phải bảo tồn. Điểm nhấn là vùng đại đô thị trung tâm, gắn chặt với không gian của TP, nếu TPHCM không liên kết là đại thảm họa” – ông Hùng khẳng định.

Theo ông Hùng, khi đặt nghiên cứu TPHCM trong vùng đặc biệt là hạ tầng giao thông công cộng, ta phải tìm cho bằng được mô hình cho vùng TPHCM phát triển bền vững.

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, cho biết hội thảo ghi nhận 14 ý kiến vào 20 bài tham luận chứa đựng nhiều thông tin, quan điểm lớn về hạ tầng, cao độ nền…

Nhiều nội dung góp ý khớp với nhiệm vụ được gầy công xây dựng và Thủ tướng phê duyệt. “Chúng ta không thể giải quyết hết mọi vấn đề trong một kỳ quy hoạch, vì nguồn lực không có vì vậy phải cân đối nguồn lực để có đồ án khả thi” – ông Nhã nói.

Kiên Cường/Pháp luật TPHCM