05/05/2020

TPHCM đẩy nhanh việc thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận, huyện

Việc thành lập thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện quản lý là cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hoạt động công vụ hiện nay.

Sở Nội vụ TPHCM vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP về Đề án thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận, huyện.

Từ năm 2013, lực lượng lực lượng Thanh tra xây dựng quận – huyện, phường – xã – thị trấn đã sáp nhập về Thanh tra Sở Xây dựng TP.

Sau khi sáp nhập, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại một số địa phương còn phức tạp, do công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận – huyện, phường, xã – thị trấn còn hạn chế. Trong một số trường hợp, quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa Đội Thanh tra địa bàn quận – huyện với UBND quận – huyện, phường, xã – thị trấn chưa thống nhất, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Việc xử lý công trình vi phạm Gia Trang quán - Tràm Chim resort (Bình Chánh) rất gian nan Ảnh: LÊ PHONG

Việc xử lý công trình vi phạm Gia Trang quán – Tràm Chim resort (Bình Chánh) rất gian nan Ảnh: LÊ PHONG

Ngoài ra, biên chế lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng lớn (gần 1.000 biên chế), được bố trí phân tán tại khối cơ quan Sở Xây dựng và 24 Đội Thanh tra địa bàn quận, huyện khác nhau dẫn đến công tác nắm bắt tư tưởng, tâm tư tình cảm và công tác quản lý, giáo dục công chức, Thanh tra viên, nhân viên chưa kịp thời, còn hạn chế.

Các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ; Quy tắc ứng xử, nội quy cơ quan trong lực lượng Thanh tra xây dựng phải phê bình, kiểm điểm, kỷ luật vẫn còn nhiều. Cụ thể, trong 6 năm (2013-2019) có 409 trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, nội quy cơ quan trong lực lượng thanh tra xây dựng phải phê bình, kiểm điểm, kỷ luật.

Trong đó có 14 công chức bị buộc thôi việc, các mức còn lại là cảnh cáo, khiển trách, phê bình… Đặc biệt, có cán bộ bị khởi tố trách nhiệm hình sự như trường hợp ở Nhà Bè…

Cũng trong 6 năm lực lượng này được chuyển về Sở Xây dựng, TP có khoảng 15.000 vụ vi phạm xây dựng. Riêng xây dựng không phép là hơn 8.500 trường hợp , chiếm 71% tổng số công trình vi phạm trên toàn TP.

Tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt hành chính còn thấp. Từ năm 2013 đến 2017 có 55%; từ năm 2018 đến 2019 tỷ lệ dưới 50%.

Theo Sở Nội vụ, từ các quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý cho thấy, chính quyền địa phương là cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm chính trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị nên cần thiết có một lực lượng chuyên môn, chuyên trách để giúp chính quyền địa phương thực hiện công tác này.

Do đó, việc thành lập thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện quản lý là cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hoạt động công vụ hiện nay.

TPHCM thành lập lực lượng Thanh tra xây dựng trực thuộc UBND các quận – huyện và xã phường theo Quyết định 89 của Thủ tướng năm 2007. Đến năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 26 quy định Thanh tra xây dựng còn hai cấp là Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở. Theo đó, toàn bộ thanh tra xây dựng tại TPHCM đưa về Sở Xây dựng quản lý với khoảng 1.000 biên chế. Ở cấp quận, phường chỉ còn các Đội trật tự đô thị phụ trách trật tự lòng đường, vỉa hè.

Việc này đã tạo “khoảng trống” phối hợp giữa Sở Xây dựng và chính quyền địa phương – là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xây dựng trái phép ngày càng phức tạp. Vì vậy, TPHCM đã xin ý kiến Thủ tướng cho thí điểm lập lại Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND các quận – huyện như trước đây.

Tháng 2-2019, Thủ tướng đồng ý cho TPHCM thực hiện thí điểm. Cuối năm ngoái, khi UBND TP gửi tờ trình về đề án, Chính phủ yêu cầu lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương có liên quan và có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ.

 Phan Anh/Người lao động