TPHCM có Quy chế quản lý kiến trúc đô thị mới
Kiến trúc đô thị TPHCM đã chính thức được quản lý bởi Quy chế mới gồm 04 chương, 17 điều và 19 phụ lục. Quy chế quản lý kiến trúc đô thị TPHCM sẽ quản lý cảnh quan đô thị, kiến trúc các công trình xây dựng theo khu vực và phân loại từng công trình để quản lý riêng như: Nhà phố, biệt thự… đây cũng là cơ sở để cấp phép và quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố (trừ các điểm dân cư nông thôn).
Quy chế quản lý kiến trúc TPHCM đã được phê duyệt ngày 28/12/2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/01/2022, thay thế các quy định trong lĩnh vực quản lý kiến trúc đô thị đã được UBND Thành phố ban hành trước đây. Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho biết: Quy chế gồm 04 chương, 17 điều và 19 phụ lục. Quy chế đưa ra định hướng chung kiến trúc toàn bộ thành phố, đặc biệt là khu trung tâm hiện hữu Quận 1, 3, 4 và Bình Thạnh có quy mô 930ha và được quy hoạch phân chia thành 5 phân khu, điều chỉnh phát triển cao tầng ở khu vực lõi trung tâm hiện hữu, giảm bớt sự quá tải hạ tầng, đồng thời hạn chế tác động xấu đối với cấu trúc đô thị và các di sản kiến trúc.
Theo đó, phân khu 1, lấy công viên 23/9 làm điểm nhấn chính trung tâm kết nối với các không gian quảng trường, không gian ngầm, không gian các công trình văn hóa, các công trình kiến trúc di tích lịch sử… khai thác hiệu quả sử dụng của hệ thống các tuyến metro. Tăng tối đa hệ số sử dụng đất trong khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật hài hòa về kiến trúc cảnh quan đô thị.
Phân khu 2, có diện tích khoảng 212ha, là trục trung tâm với chủ yếu các công trình mang chức năng văn hóa lịch sử. Các công trình tại trục đường Lê Duẩn được khống chế chiều cao để không ảnh hưởng tầm nhìn giữa Dinh Độc Lập và Thảo Cầm Viên. Ưu tiên các công trình bảo tồn và phát huy những giá trị kiến trúc, không gian kiến trúc cảnh quan có giá trị văn hóa lịch sử của thành phố.
Phân khu 3 là khu dọc theo sông Sài Gòn (bờ Tây), trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, diện tích khoảng 248,34ha. Khu này tập trung phát triển nhà cao tầng ở một số điểm (khu vực) nhằm thu hút đầu tư. Dành mặt đường Tôn Đức Thắng (đoạn dọc công viên bến Bạch Đằng) làm nơi đi bộ và xe điện và phần đường cho phương tiện giao thông (đường tôn Đức Thắng) xuống phần đường hầm.
Phân khu 4, gồm các một phần Quận 1, Quận 3 là khu vực có nhiều nhà biệt thự với diện tích khoảng 232,3ha. Nơi đây, sẽ quản lý chặt hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình… thành phố khuyến khích bảo tồn không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng có giá trị văn hóa lịch sử và giá trị đô thị trên địa bàn Quận 3 nhằm giữ gìn bản sắc đô thị TPHCM.
Phân khu 5, khu vực lân cận phân khu 1 về phía Nam (một phần Quận 1 và 4), diện tích khoảng 117,5ha với đa số nhà phố hiện hữu. TPHCM cho phép phát triển công trình cao tầng ở các khối gần nhà ga Metro Bến Thành, dọc đường Hàm Nghi, kênh Bến Nghé, và đoạn nối dài đường Nguyễn Thái Học sang Quận 4.
Quy chế quản lý kiến trúc TPHCM còn quy định rất rõ tất cả các khu vực, tuyến đường của thành phố (trừ các điểm dân cư nông thôn) như: trung tâm tổng hợp chính mới Thủ Thiêm có chức năng chính là trung tâm thương mại, tài chính, giải trí…; Trung tâm phía Đông thành phố (khu vực phường Long Bình, Quận 9 giáp với trục cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây) có diện tích khoảng 280ha được định hướng phát triển theo mô hình sinh thái với điểm nhấn là các tuyến đường cao tốc và đường sắt kết nối với sân bay quốc tế mới.
Trung tâm phía Nam thành phố hiện đã có khu A đô thị Nam thành phố là đô thị kiểu mẫu. Quy chế quản lý kiến trúc đô thị mới khuyến khích khu vực này tôn tạo cảnh quan dọc kênh rạch, nghiên cứu đào hồ tạo cảnh quan, giảm diện tích xây dựng tầng trệt để đưa mảng xanh vào công trình, tăng không gian công cộng và tăng diện tích thẩm thấu nước tự nhiên…
Trung tâm phía Bắc thành phố (thuộc khu đô thị Tây – Bắc Thành phố) được xác định là “lá phổi” xanh của thành phố vì thế khu vực này sẽ tập trung tạo nên không gian cây xanh, mặt nước là chủ yếu. Khu vực có địa hình trũng (tiếp giáp tỉnh Long An) sẽ dành xây dựng nhà thấp tầng kết hợp với cây xanh và mặt nước, đầu tư sân golf, công viên sinh thái. Phía Bắc nơi có nền đất cao và vững chắc sẽ xây dựng nhà cao tầng.
Khu vực phía Tây thành phố có trung tâm là khu trung tâm huyện Bình Chánh với diện tích khoảng 200ha, tập trung nhiều đầu mối giao thông liên vùng và công cộng. Trong tương lai, thành phố xác định khu vực này sẽ tập trung các hoạt động thương mại, dịch vụ… và dân cư. Kiến trúc công trình. tận dụng các đặc điểm địa hình tự nhiên như kênh rạch, sông nước và phát huy những giá trị sinh thái cùng đặc trưng văn hóa lịch sử.
Quy chế mới còn định hướng cho trung tâm của khu vực phụ phía Bắc là huyện Hóc Môn (50ha) và trung tâm của khu vực phụ phía Nam là huyện Nhà Bè (khoảng 50ha).
Bên cạnh việc quy định cụ thể các quy chuẩn về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng để quản lý kiên trúc đô thị thành phố, Quy chế cũng quy định về kiến trúc các loại hình công trình làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng; cung cấp thông tin quy hoạch – kiến trúc và phục vụ công tác quản lý Nhà nước có liên quan; là cơ sở để xác định chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc cho các công trình nhà ở riêng lẻ và các công trình khác thuộc phạm vi quy định tại quy chế này. Bên cạnh đó, Quy chế còn phân loại các công trình quản lý riêng như nhà phố, biệt thự… là cơ sở để cấp phép xây dựng. Từ đây người dân dễ dàng căn cứ vào quy hoạch và quy chế kiến trúc để tìm hiểu công trình của mình sẽ được xây dựng như thế nào.
Với Quy chế này, kiến trúc và không gian đô thị TPHCM sẽ được phát triển theo định hướng, đồng bộ, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hoá dân tộc, đặc trưng kiến trúc đô thị Sài Gòn – TPHCM.
Mai Thanh/BXD