26/07/2016

TP Hồ Chí Minh xây dựng smart city

Chiều 25/7, làm việc với đơn vị hợp tác thực hiện dự án thành phố thông minh, chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng đây là yêu cầu cấp bách để đáp ứng nhu cầu và mang lại hiệu quả cho những hoạt động của thành phố. Smart city sẽ khiến chính quyền có những quyết định mang tính tối ưu và mang lại sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, hiện các ngành các cấp đã xây dựng cơ sở dữ liệu để chuẩn bị tiến trình này, như Thông tin truyền thông, Giao thông vận tải hay Y tế. Sắp tới, thành phố sẽ tính toán để tập hợp và xây dựng cho được một trung tâm cơ sở dữ liệu chung. Thậm chí, ông Phong cho rằng TP HCM phải hướng đến kết nối dữ liệu đối với các bộ ban ngành của trung ương.

Các ban ngành góp ý cho cho dự án thành phố thông minh. Ảnh: Ngọc Hậu
Các ban ngành góp ý cho cho dự án thành phố thông minh. Ảnh: Ngọc Hậu

Ông Phong đưa ra ví dụ, TP HCM có đến 8 triệu người và 6 triệu phương tiện vận chuyển cá nhân thì chuyện tắc đường là đương nhiên. Khi trở thành thành phố thông minh, trên cơ sở dữ liệu, ngành giao thông có thể điều tiết tự động để giảm thiểu được tình trạng này.

Ông Phong cho biết sẽ để đối tác tham gia ngay từ đầu xây dựng đề án. Trên cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm của đối tác, đề án sẽ được phát huy nguồn lực.

“Thành phố thông minh là vấn đề nóng trong bối cảnh dân số gia tăng và đòi hỏi phải tăng trưởng nhanh”, ông Phong nói và cho biết thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo xây dựng smart city do Bí thư Thành ủy chủ trì, Ban điều hành xây dựng do Chủ tịch UBND TP chủ trình. “Đây là thời điểm chín muồi để xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh”, ông Phong khẳng định.

Góp ý cho đề án, ông Lê Thái Hỷ – Giám đốc Sở Thông tin truyền thông – cho rằng, muốn xây dựng thành phố thông minh các đơn vị cần phải xác định nhu cầu người dân, nhu cầu quản lý đô thị phức tạp 10 triệu dân hiện nay của TP HCM.

“Phải thu thập dữ liệu, truyền dữ liệu, xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu và xử lý dữ liệu hướng đến việc người dân được phục vụ một cách tốt nhất; giúp cơ quan điều hành giải quyết hiện trạng và đưa ra sự cố trong tương lai”, ông Hỷ nêu vấn đề.

Dưới góc độ thường trực cơ quan cải cách hành chính, Phó giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung đưa ra yêu cầu, hiện ứng dụng công nghệ thông tin chưa kết nối liên thông trên dưới, ngang dọc; thông tin còn phân tán, không kết nối các bộ ngành. Theo đó, nếu xây dựng thành phố thông minh phải khắc phục những vấn đề này nếu không sẽ rất lãng phí.

Còn Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Sử Ngọc Anh yêu cầu đề án phải xây dựng được trung tâm thông tin, tích hợp, liên tục cập nhật và xử lý. “Nhưng tiền ở đâu ra để đầu tư dự án này?”, ông Anh đặt vấn đề.

Đồng tình với những trăn trở của các sở, ngành, ông Nguyễn Thành Phong thể hiện quyết tâm cao khi cho biết sẽ đặt mục tiêu xây dựng TP HCM trở thành thành phố thông minh vào năm 2025.

Một mô hình trung tâm cơ sở dữ liệu thu thập - Ảnh: Ngọc Hậu
Một mô hình trung tâm cơ sở dữ liệu thu thập – Ảnh: Ngọc Hậu

Ngay thời điểm này, thành phố sẽ xác định lộ trình thực hiện đến năm 2020 sẽ làm được gì và liên tục đánh giá tiến trình thực hiện. Cụ thể, TP HCM phấn đấu sẽ hoàn tất đề án xây dựng thành phố thông minh trong vòng 3 tháng.

Ngọc Hậu (Vnexpress)